Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Lựa chọn mô hình kinh tế trang trại phù hợp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Cơ quan chủ trì Đại học Nông Lâm
Cơ quan thực hiện Đại học Nông Lâm
Loại đề tài Đề tài cấp đại học
Lĩnh vực nghiên cứu Kinh tế học
Chủ nhiệm(*) Bùi Thị Thanh Tâm
Ngày bắt đầu 01/2011
Ngày kết thúc 12/2012

Tổng quan

. Ngoài nước (phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài trên thế giới, liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu có liên quan đến đề tài được trích dẫn khi đánh giá tổng quan)

Trải qua vài thế kỷ tồn tại và phát triển, kinh tế trang trại đã được  khẳng định là mô hình sản xuất phù hợp và đạt hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, do đặc thù của mỗi quốc gia, kinh tế trang trại rất đa dạng cả về hình thức quản lý, quy mô và cơ cấu sản xuất.

             Ở hầu hết các nước, trang trại là hình thức sản xuất giữ vị trí xung kích trong quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn và trở thành lực lượng chủ lực khi nền kinh tế phát triển đến giai đoạn cao. Thực tiễn đã chứng minh rằng kinh tế trang trại có vai trò quan trọng ở các nước đang phát triển (Hàn Quốc, Đài Loan,…) và đang tiếp tục phát huy tác dụng ở những nước có nền kinh tế phát triển cao (Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản,….). Kinh tế trang trại gia đình đã thể hiện rõ vai trò tích cực trong quá trình phát triển nông nghiệp thế giới, thúc đẩy ngành sản xuất nông sản hàng hoá và đưa nền nông nghiệp tiến lên hiện đại.[3]

              Kinh tế trang trại phát triển mạnh ở thời kỳ các nước tiến hành công nghiệp hoá sau đó, khi công nghiệp phát triển thì số lượng trang trại có xu hướng giảm dần và quy mô trang trại có xu hướng tăng lên.

   Ở những vùng đất mới như châu Mỹ, châu Úc thì quy mô trang trại là rất lớn. Như ở Mỹ mỗi trang trại có diện tích bình quân từ 180-200 ha, ở Canađa là 400-450 ha, ở Úc là 500 ha, thậm chí hàng nghìn ha…Họ gọi là trang trại nhưng thực chất đó là những đồn điền được Nhà nước khuyến khích, bảo vệ bằng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh.

            Ở châu Á, chế độ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm luôn là một cản trở đối với phát triển kinh tế hàng hoá và cơ chế thị trường. Do vậy, kinh tế trang trại cũng xuất hiện muộn hơn và quy mô nhỏ hơn ở châu Âu, châu Mỹ, nhiều nghiên cứu cho thấy quy mô trang trại nhỏ ở châu Á chiếm từ 60-70% về số lượng, canh tác 30% diện tích và sản xuất 35% tổng sản phẩm nông nghiệp.

Ngày nay, ở Châu Mỹ La tinh các đồn điền đang trong quá trình chia nhỏ ruộng đất cho các công nhân nông nghiệp hình thành các trang trại nông nghiệp gia đình có trình độ chuyên môn nông nghiệp mà vẫn tập trung được lượng nông sản hàng hoá lớn. Họ thấy rằng hình thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa không thích hợp với sản xuất nông nghiệp. Ở các nước xã hội chủ nghĩa đang trong quá trình chia nhỏ lại các xí nghiệp nông nghiệp và phát triển hình thức trang trại gia đình. Từ đó có thể nhận thấy điểm tương đồng là “sản xuất lớn” không thể áp dụng có hiệu quả hơn so với kinh tế trang trại trong gia đình nông nghiệp.

10.2. Trong nước (phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài ở Việt Nam, liệt kê danh mục các ông trình nghiên cứu, tài liệu có liên quan đến đề tài được trích dẫn khi đánh giá tổng quan)

       Tổng kết lý luận và thực tiễn về kinh tế trang trại, nhiều nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam và thế giới đưa ra khái niệm về kinh tế trang trại như sau:

- Theo một số học giả phương Tây: “ Hình thức kinh tế trang trại ở các nước này dùng để chỉ một lĩnh vực tổ chức sản xuất kinh doanh nông sản hàng hoá lớn ở nông nghiệp nông thôn để phân biệt với hình thức tiểu nông tự túc, tự cấp”

- Theo PGS –TS Lê Trọng: “Kinh tế trang trại (hay kinh tế nông lâm ngư trại…) là một hình thức tổ chức kinh tế cơ sở của nền sản xuất xã hội, dựa trên cơ sở hợp tác và phân công lao động xã hội. Bao gồm một số người lao động nhất định được chủ trang trại tổ chức, trang bị những tư liệu sản xuất nhất định để tiến hành sản xuất kinh doanh, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường và được nhà nước bảo hộ”

- Theo ông Trần Tác, Phó Vụ trưởng – Kinh tế Trung ương Đảng:

“Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hoá lớn trong nông, lâm, ngư nghiệp của các thành phần kinh tế khác nhau ở nông thôn. Có sức đầu tư lớn, có năng lực quản lý trực tiếp qúa trình sản xuất kinh doanh, có phương pháp tạo ra tỷ suất sinh lời cao hơn bình thường trên đồng vốn bỏ ra, có trình độ đưa các thành tựu khoa học, công nghệ mới kết tinh trong hàng hoá, tạo ra sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao”

- Theo Phó Giáo sư Đào Công Tiên - trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh: “Kinh tế trang trại là một loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, phổ biến được hình thành và phát triển trên nền tảng kinh tế hộ và về cơ bản giữ bản chất kinh tế hộ. Quá trình hình thành và phát triển kinh tế trang trại là quá trình nâng cao năng lực sản xuất dựa trên cơ sở tích tụ tập trung vốn và các yếu tố sản xuất khác, nhờ đó tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao”.

Tóm lại:

  Theo Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 về Kinh tế trang trại của Chính phủ, kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Mặt khác, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK ngày 23.6.2000 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có hai nhóm đối tượng có thể tham gia đầu tư sản xuất theo mô hình trang trại, đó là hộ nông dân, hộ công nhân viên Nhà nước và lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu, các loại hộ thành thị (gọi chung là hộ gia đình) và cá nhân. Từ đó, hình thành nên hai loại hình kinh doanh là trang trại gia đìnhtrang trại cá nhân.

        Đặc trưng của kinh tế trang trại

Căn cứ vào các quy định tại Nghị quyết 03/2000/NQ-CP ngày 02.02.2000 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như thực trạng hình thành và phát triển của trang trại gia đình thời gian vừa qua, có thể thấy trang trại gia đình ở Việt Nam có một số đặc điểm cơ bản sau 

Thứ nhất : Trang trại gia đình là một đơn vị kinh tế trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

- Trang trại gia đình là đơn vị trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm vật chất cần thiết cho xã hội, bao gồm nông, lâm, thủy sản, đồng thời quá trình kinh tế trong trang trại gia đình là quá trình khép kín với các khâu của quá trình tái sản xuất luôn kế tiếp nhau, bao gồm : sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng.

- Trang trại gia đình là một đơn vị kinh tế có một cơ cấu thống nhất, đó là dựa trên cơ sở hộ gia đình bao gồm chủ hộ và các thành viên khác trong gia đình. Chủ trang trại (thường là chủ hộ) là người đại diện cho trang trại gia đình trong các quan hệ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại. Chủ trang trại là người có kiến thức, có kinh nghiệm kinh doanh, am hiểu thị trường và trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh tại trang trại. Đây là những tố chất rất cần thiết cho một nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường và về cơ bản chúng không có ở người chủ hộ nông dân sản xuất tự cung tự cấp.

- Tài sản và vốn sản xuất kinh doanh của trang trại gia đình thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng (đối với đất đai) chung của các thành viên trong hộ gia đình. Bằng công sức, tài sản và vốn chung các thành viên của hộ gia đình tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp dưới hình thức trang trại gia đình. Đồng thời chịu trách nhiệm về các hoạt động sản xuất kinh doanh bằng những tài sản chung đó.

- Xuất phát từ bản chất kinh tế của trang trại, nên hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại gia đình luôn gắn liền với một vị trí diện tích đất đai nhất định. Thực tế cho thấy, đây vừa là địa điểm sản xuất kinh doanh đồng thời cũng là trụ sở giao dịch của trang trại gia đình trong các quan hệ nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, để thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường, không ít trang trại gia đình đã mở thêm các địa điểm giao dịch gần các trung tâm thương mại lớn nhằm tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của mình.

- Theo pháp luật hiện nay, trang trại gia đình bước đầu cũng đã được quy định cho một số quyền và nghĩa vụ trong sản xuất kinh doanh ở một số lĩnh vực như : đất đai, thuế, đầu tư, tín dụng, lao động, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo hộ, vv... Trên cơ sở những quyền và nghĩa vụ này, trang trại gia đình hoàn toàn tự chủ trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ lựa chọn phương hướng sản xuất, quyết định kỹ thuật và công nghệ sản xuất, tổ chức sản xuất, đến tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm,...

- Hiện nay, theo Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 3.2.2000 về đăng ký kinh doanh, trang trại gia đình đang phải đăng ký kinh doanh dưới danh nghĩa hộ kinh doanh cá thể. Vấn đề đăng ký kinh doanh cho trang trại gia đình hiện vẫn chưa được đề cập đến trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, đây là một việc làm hết sức cần thiết để thể hiện sự chính thức thừa nhận và bảo hộ của Nhà nước đối với trang trại gia đình, đây còn là cơ sở để một hộ là trang trại gia đình được hưởng các chính sách ưu tiên và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Nghị quyết 03/2000/NQ-CP, 02.02.2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại đã xác định đây là một trong những vấn đề bất cập, cần phải được giải quyết kịp thời.

Thứ hai: Mục đích chủ yếu của trang trại gia đình là kinh doanh nông sản phẩm hàng hoá theo nhu cầu thị trường.

Đây là đặc điểm quan trọng nhất của trang trại gia đình. Mục tiêu của trang trại gia đình là sản xuất nông, lâm, thủy sản để bán, khác hẳn với kinh tế hộ tự cấp tực túc là chính. Trang trại gia đình là một hình thức tổ chức sản xuất nông lâm ngư nghiệp được hình thành trên cơ sở kinh tế hộ tự chủ trong cơ chế thị trường mang tính chất sản xuất hàng hoá rõ rệt. Vì vậy, đặc trưng cơ bản của trang trại gia đình là sản xuất nông, lâm, thuỷ sản hàng hoá. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy tiêu chí giá trị nông sản hàng hoá và tỷ suất hàng hoá bán ra trong năm luôn luôn được sử dụng làm thước đo chủ yếu của trang trại. ở Việt Nam, thực tiễn sản xuất của các trang trại gia đình trong những năm vừa qua cho thấy, trang trại nào cũng lấy sản xuất hàng hoá là hướng chính và tỷ suất hàng hoá của các trang trại trại phổ biến từ 70 – 80% đối với những trang trại đã đi vào sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Thứ ba: Trong trang trại gia đình, các yếu tố sản xuất trước hết là ruộng đất và tiền vốn được tập trung tới quy mô nhất định theo yêu cầu phát triển sản xuất hàng hoá.

Trong nông nghiệp cũng như trong các ngành sản xuất vật chất khác, sản xuất hàng hoá chỉ có thể được tiến hành khi các yếu tố sản xuất được tập trung với quy mô nào đó. Do đó, ở các trang trại gia đình sản xuất hàng hoá chỉ có thể được thực hiện khi ruộng đất, tiền vốn, tư liệu sản xuất,... được tập trung tới quy mô đủ lớn. Đặc điểm này được quy định bởi chính đặc điểm về mục đích sản xuất của trang trại. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK, ngày 23.6.2000 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Tổng cục thống kê, sự tập trung các yếu tố sản xuất của trang trại gia đình được biểu thị về mặt lượng bằng những chỉ tiêu chủ yếu, đó là: Quy mô diện tích ruộng đất của trang trại (nếu là trang trại chăn nuôi thì là số lượng gia súc, gia cầm,...) và quy mô vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh của trang trại.

Thực tế cho thấy, các trang trại gia đình có quy mô lớn hơn rất nhiều so với kinh tế hộ gia đình nông dân. Theo số liệu điều tra mới đây của Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho thấy: bình quân một trang trại gia đình có số vốn là 291,43 triệu đồng, trong đó 91,03% là vốn tự có, quy mô đất đai bình quân của một trang trại gia đình là 6,338 ha, trong khi đó bình quân đất đai sản xuất nông nghiệp của một hộ gia đình chỉ là 0,68 ha.

 Thứ tư: Lao động trong các trang trại gia đình chủ yếu là dựa trên các thành viên trong hộ, ngoài ra  có thuê mướn lao động.

Lực lượng lao động trong trang trại chủ yếu là chủ trang trại và các thành viên trong gia đình, đây là những người có quan hệ huyết thống, gần gũi như: Cha mẹ, vợ chồng, anh em. Lao động được tổ chức gọn nhẹ, đơn giản, quản lý điều hành linh hoạt, dễ dàng, hiệu quả lao động cao. Ngoài ra, để phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh, trang trại gia đình còn phải thuê mướn lao động bên ngoài nhất là vào thời vụ gieo trồng, thu hoạch. Quy mô thuê muớn lao động trong trang trại tuỳ thuộc vào quy mô sản xuất kinh doanh của trang trại. Có hai hình thức thuê mướn lao động trong các trang trại gia đình, đó là: thuê lao động thường xuyên và thuê lao động theo thời vụ. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, bình quân 1 trang trại sử dụng 6 lao động (quy ra thường xuyên), lao động trong gia đình chiếm 45% ; hầu hết  trang trại đều có sử dụng lao động thuê ngoài, số lượng lao động thuê ngoài trong các trang trại chiếm khoảng 55% tổng số lao động trong các trang trại, trong đó chủ yếu là lao động thời vụ (khoảng 70%). Trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản do tính chất sản xuất khá ổn định nên sử dụng lao động thời vụ ít hơn (từ 10 – 20%).

 Thứ năm: Cách thức tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh trong trang trại gia đình ngày càng mang tính khoa học, chuyên nghiệp.

 Trong kinh tế hộ gia đình nông dân do tính chất sản xuất đơn giản và quy mô sản xuất nhỏ với mục đích tự cung tự cấp là chính do vậy việc điều hành sản xuất của chủ hộ vẫn còn mang nặng tính gia trưởng, người chủ hộ chỉ cần có kinh nghiệm sản xuất và cần cù lao động theo kinh nghiệm cha truyền con nối. Nhưng đối với trang trại gia đình, với mục đích chính là sản xuất hàng hoá và bị các yếu tố lợi nhuận, giá cả, cạnh tranh chi phối ngày càng nhiều thì cách quản lý theo kiểu gia trưởng không còn phù hợp nữa. Sản xuất đòi hỏi phải có phương án hợp lý lựa chọn cây trồng, vật nuôi, quy hoạch ruộng đất, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật sản xuất, áp dụng các công nghệ và quy trình sản xuất thâm canh, kế hoạch tài chính, hạch toán giá thành, lợi nhuận, phân tích kinh doanh…. Do vậy việc quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại đòi hỏi phải dựa trên cơ sở những kiến thức khoa học và ngày càng mang tính chuyên nghiệp, đi vào chiều sâu.

Sau khi có Nghị quyết 03/2000/NQ-CP của Chính phủ về kinh tế trang trại, kinh tế trang trại tiếp tục phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản .

Số lượng trang trại  tăng nhanh, loại hình sản xuất đa dạng đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

  Số trang trại phân theo địa phương

 Đơn vị tính: trang trại

Theo vùng

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

 2009

CẢ NƯỚC

61.787

86.141

110.832

114.362

113.699

116.222

120.699

135.437

Đồng bằng sông Hồng

2.796

6.308

9.350

10.960

15.222

16.085

17.318

20.581

Trung du và miền núi phía Bắc

2.516

3.949

4.165

4.545

3.850

3.835

4.423

4.680

Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

8.120

13.607

15.873

16.788

17.378

18.015

18.202

20.420

Tây Nguyên

6.223

6.650

9.450

9.623

8.730

9.240

9.481

8.835

Đông Nam Bộ

10.165

12.682

15.866

15.864

14.077

14.024

13.792

15.174

Đồng bằng sông Cửu Long

31.967

42.945

56.128

56.582

54.442

55.023

57.483

65.747

Nguồn: Niên giám thống kê 2009

Kinh tế trang trại phát triển nhanh về số lượng ở tất cả các vùng trong cả nước, đến thời điểm  01/7/2009 cả nước có 135.437 trang  trại, so với năm 2002 tăng 73.650 trang trại (+119%), so với năm 2006 tăng 21.738 trang trại (+19%), Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là những vùng có nhiều diện tích đất đai, diện tích mặt nước thuận lợi để mở rộng qui mô trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản là những vùng tập trung số lượng trang trại nhiều nhất Bốn vùng này có 121.922 trang trại, chiếm 90%. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 65.747 trang trại chiếm gần 50% số trang trại cả nước. Loại hình sản xuất của trang trại ngày càng đa dạng và có sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng giảm tỉ trọng các trang trại trồng cây hàng năm và cây lâu năm và tăng tỉ trọng các loại trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ  sản và sản xuất kinh doanh tổng hợp. Tỉ trọng trang trại trồng cây hàng năm giảm từ 35,6% (năm 2002) xuống còn 30,7% (năm 2009); trang trại trồng cây lâu năm từ 27,2% giảm xuống còn 22,1%; trang trại chăn nuôi từ 2,9% tăng lên 14,4%; trang trại nuôi trồng thuỷ sản từ  27,9%  tăng  lên gần  30%,  trong  thời  gian  tương  ứng Vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2009 có 65.747 trang trại; trong đó 28.675 trang trại trồng cây hàng năm, chiếm 46,9% số lượng trang trại của vùng, 25.278 trang trại nuôi trồng  thuỷ  sản, chiếm 46%; Đông Nam Bộ có 15.174 trang trại chiếm 10% của cả nước; trong đó 9.496 trang trại trồng cây lâu năm, chiếm 60% số lượng trang trại của vùng, 3.738 trang trại chăn nuôi, chiếm 20%; Tây Nguyên có 8.835 trang trại, chiếm 6,5% của cả nước; trong đó 6.427 trang trại trồng cây lâu năm, chiếm 73%; số lượng trang trại của vùng Đồng bằng sông Hồng có 20.581 trang trại chiếm 15,2% của cả nước, trong đó 8.886 trang trại chăn nuôi, chiếm 83,2% của vùng.

- Trang trại sử dụng ngày càng nhiều ruộng đất, dấu hiệu tích tụ ruộng đất - điều kiện tiên quyết cho nền sản xuất lớn nông nghiệp:

Tại thời điểm 01/7/2009, diện tích đất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản do các trang trại đang sử dụng là 663,5 nghìn ha, tăng 190,3 nghìn ha so năm 2006 (bình quân 1 trang trại sử dụng 4,9 ha) Trong cơ cấu đất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trang trại đang sử dụng năm 2009, đất trồng cây hàng năm chiếm tỉ trọng lớn nhất với 286,4 nghìn ha (43,2%); đất trồng cây lâu năm 148 nghìn ha (22,3%); đất lâm nghiệp 94,7 nghìn ha (14,3%) và đất nuôi trồng thuỷ sản 134,4 nghìn ha (20,2%) Diện tích đất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản bình quân 1 trang trại cao nhất là ở vùng Tây Bắc 9,82 ha, Đông Bắc 8,87 ha, Bắc Trung Bộ 7 ha, chủ yếu là do các vùng này có nhiều trang trại lâm nghiệp (tiêu chí qui định từ 10 ha trở lên). Đặc điểm đất đai của các trang trại là đất sản xuất liền bờ, liền khoảnh, qui mô lớn nên rất thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, bảo vệ, vận chuyển sản phẩm và nhất là cơ giới hoá, thủy lợi hoá, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

- Kinh tế trang trại phát triển góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn:

Tại thời điểm 01/7/2009, các trang trại đã sử dụng 395,9 nghìn lao động làm việc thường xuyên, gấp 1,7 lần so năm 2006; trong đó lao động của hộ chủ trang trại là 291,6 nghìn người, chiếm 73,6% tổng số lao động, còn lại là lao động thuê mướn. Do tính chất thời vụ của sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nên ngoài lao động thuê mướn thường xuyên, các trang trại còn thuê mướn lao động thời vụ Những trang trại trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản sử dụng nhiều lao động thường xuyên nhất Thu nhập bình quân 1 lao động làm việc thường xuyên của trang trại là 17,5 triệu đồng/năm cao gấp trên 2 lần so lao động khu vực nông thôn. Tuy nhiên, lao động làm việc trong trang trại chủ yếu vẫn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo chỉ có khả năng đảm nhiệm những công việc giản đơn như làm đất, trồng cây, chăn dắt gia súc, gia cầm, chế biến thức ăn,…; có rất ít lao động đảm nhiệm các khâu yêu cầu trình độ kỹ thuật như điều khiển máy móc, chọn giống (cây, con), kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, mua vật tư, bán sản phẩm,… Điều đó đang đặt ra yêu cầu cấp bách đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

- Qui mô vốn sản xuất, kinh doanh của trang trại tăng nhanh do các chủ trang trại tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất, thâm canh cây trồng vật nuôi:

Tại thời điểm 01/7/2009, tổng vốn sản xuất, kinh doanh của các trang trại là 29.320,1 tỷ đồng, bình quân một trang trại 257,8 triệu đồng, tăng 122,7 triệu đồng so năm 2001 (+4,2%). Vốn sản xuất, kinh doanh bình quân 1 trang trại cao nhất là vùng Đông Nam Bộ 575,5 triệu đồng (tăng 341,6 triệu đồng so năm 2006) do chủ yếu trang trại trồng cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, tiếp đến là Tây Nguyên 279,6 triệu đồng (+100,7 triệu đồng); Đồng bằng sông Cửu Long 206,6 triệu đồng (+135,2 triệu đồng); Đồng bằng sông Hồng 200,9 triệu đồng (+94,3 triệu đồng); Tây Bắc 200 triệu đồng (+90,5 triệu đồng); Đông Bắc 192,1 triệu đồng (+107,2 triệu đồng); thấp nhất là Duyên hải Nam Trung Bộ 144,4 triệu đồng do chủ yếu trang trại trồng cây hàng năm cần ít vốn hơn. Những tỉnh có vốn sản xuất, kinh doanh bình quân 1 trang trại từ 500 triệu đồng trở lên là: Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Kinh  tế  trang  trại  phát  triển  theo  hướng  sản  xuất  hàng  hoá  ngày  càng  lớn, gắn  với thị trường:

Tổng thu sản xuất, kinh doanh của các trang trại năm 2009 đạt 39.826 tỷ đồng, gấp 3,6 lần năm 2006, bình quân 194,9 triệu đồng 1 trang trại, gấp 1,9 lần so năm 2006. Tổng thu sản xuất, kinh doanh bình quân 1 trang trại cao nhất là vùng Đông Nam Bộ 221 triệu đồng; Đồng bằng sông Hồng 193 triệu đồng; Đồng bằng sông Cửu Long 181 triệu đồng; Tây Nguyên 148,6 triệu đồng; Đông Bắc 139 triệu đồng; Duyên hải Nam Trung Bộ 112 triệu đồng; Tây Bắc 100 triệu đồng và thấp nhất là Bắc Trung Bộ 105 triệu đồng.

Giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản bán ra năm 2009 là 28.031 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so năm 2006, bình quân 1 trang trại 189 triệu đồng gấp 1,9 lần, tỷ suất hàng hoá là 95,2% Các vùng có tỷ suất hàng hoá cao là: Đông Nam Bộ 98,2%, Duyên hải Nam Trung Bộ 98,1%, Tây Nguyên 96,2%, Đồng bằng  sông Hồng 95,6%, thấp nhất là Tây Bắc 89,8%.

Thu nhập trước thuế của các trang trại năm 2009 đạt 7.679 tỷ đồng gấp 3,5 lần so năm 2006, tỷ lệ thu nhập trước thuế so tổng thu là 35,2% . Thu nhập trước thuế bình quân 1 trang trại 61,4 triệu đồng gấp 1,9 lần so năm 2006. Mức chênh lệch giữa các vùng, các địa phương về thu nhập bình quân 1 trang trại còn lớn: cao nhất là Đông Nam Bộ 85,2 triệu đồng gấp hơn 2 lần vùng thấp nhất là Duyên hải Nam Trung Bộ 38,3 triệu đồng.

Đồng bằng sông Cửu Long 64 triệu đồng, Đông Bắc 52,3 triệu đồng, Đồng bằng sông Hồng 47,6 triệu đồng. Tỉ lệ thu nhập trước thuế so tổng thu sản xuất, kinh doanh của trang trại cũng có sự chênh lệch lớn giữa các vùng do chịu ảnh hưởng của loại hình sản xuất và hiệu quả của sản xuất, kinh doanh: cao nhất là Tây Bắc 47,1%, Tây Nguyên 43,4%, Đông Nam Bộ 38,6%, thấp nhất là Đồng bằng sông Hồng 24,6%.

10.3. Danh mục các công trình đã công bố thuộc lĩnh vực của đề tài của chủ nhiệm và những thành viên tham gia nghiên cứu (họ và tên tác giả; bài báo; ấn phẩm; các yếu tố về xuất bản)

a)      Của chủ nhiệm và những người tham gia thực hiện đề tài

b)      Của những người khác

 1. Bộ Lao động thương binh và xã hội (2000), Thông tư hướng dẫn áp dụng một số chế độ làm việc trong các trang trại, Hà Nội.

2. Điền, Trần Đức, Trần Huy Năng (1993), Kinh tế Trang trại gia đìnhtrên thế giới và châu á, NXB Thống kê.

3.  Đào Hữu Hoà (2005), Vai trò của kinh tế trang trại trong quá trình phát             triển một nền nông nghiệp bền vững, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng.

4. Hoàng Văn Hoa, Hoàng Thị Quý, Phạm Huy Vinh (1999), Quá trình phát triển kinh nghiệm trang trại ở Việt nam và một số nước trên thế giới; Bài học kinh nghiệm; Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt nam, Trường đại học KTQD, Hà Nội.

5. Trần Văn Hưng, Hoàng Văn Chính (2000), Kinh tế trang trại gia đình nông lâm nghiệp, HN.

6. Liên Bộ Nông nghiệp và PTNT - Tổng cục Thống kê (2003), Thông tư liên tịch hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại, Hà Nội.

7. Lê Du Phong (2001), Kinh tế trang trại sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ; Kinh tế trang trại sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 03/NQ-CP, Trường ĐHKT thành phố HCM, Vũng Tàu.

8. Lê Trường Sơn (2004), Trang trại gia đình một loại hình doanh nghiệp mới trong nền kinh tế thị trường ở Việt nam, Tạp chí Khoa học pháp lý, (Số 3, 2004).

9. Tổng cục Thống kê (2007), Báo cáo sơ bộ kết quả cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2006, Hà Nội.

10. Niên giám thống kê, năm 2010. (Nxb Thống kê – Hà nội)

Tính cấp thiết

11. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI

Trang trại là một loại hình sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình nông dân, được hình thành và phát triển từ khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dần thay thế phương thức sản xuất phong kiến. Ngày nay, trang trại là loại hình tổ chức sản xuất phổ biến trong nền nông nghiệp của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Ở nước ta, trang trại đã hình thành và phát triển từ rất sớm nhưng có những giai đoạn việc phát triển loại hình kinh tế này đã không được coi trọng. Tuy nhiên từ khi có chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, công nghiệp hóa - hiện đại hoá thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước kinh tế hộ nông dân đã phát huy tác dụng to lớn, tạo sức mạnh mới trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn. Trên nền tảng kinh tế tự chủ của các hộ nông dân đã hình thành các trang trại được đầu tư vốn, lao động với trình độ chuyên môn cao đóng góp ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội. Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách khuyến khích phát triển nhất là từ khi Chính phủ đã có Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/2/2000 về kinh tế trang trại: số lượng trang trại tăng lên nhanh chóng, hình thức tổ chức sản xuất và cơ cấu thành phần trang trại cũng ngày càng đa dạng.

 Thực hiện Nghị quyết 03/2000/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại, tỉnh đã chỉ đạo các Cơ quan, ban ngành của tỉnh thực hiện đúng các tinh thần của Nghị quyết. Ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng các mô hình trang trại để thúc đẩy loại hình kinh tế này. Vai trò cũng như sự đóng góp của các trang trại đối với kinh tế - xã hội nông thôn đã được khẳng định tại thực tế ở địa phương. Tuy nhiên, kinh tế trang trại  trại cả nước nói chung ở tỉnh Phú Thọ nói riêng còn nhiều vấn đề bất cập đó là: không có quy hoạch phát triển cho các trang trại, trang trại phát triển chủ yếu là tự phát, việc đăng ký và công nhận trang trại còn chậm, giao đất ổn định lâu dài cho các chủ trang trại tiến hành chưa được nhiều, các mô hình kinh tế trang trại có hiệu quả chậm được nghiên cứu và nhân rộng, chưa tìm ra được đâu là khâu đột phá để kích thích và định hướng cho việc phát triển kinh tế trang trại ở từng địa phương sao cho có hiệu quả....

Xuất phát từ những yêu cầu trên đây, chúng tôi chọn đề tài"Lựa chọn mô hình kinh tế trang trại phù hợp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ" để nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần phát triển ổn định và có hiệu quả 892 trang trại hiện có của tỉnh Phú Thọ. Và đề xuất những giải pháp mang tính đột phá để góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vào năm 2020 như Nghị quyết ĐH Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra.

Mục tiêu

12. MỤC TIÊU ĐỀ TÀI

Trên cơ sở khảo sát, phân tích đánh giá, lựa chọn các mô hình kinh tế trang trại phù hợp trêm địa bàn của tỉnh và phổ triển các mô hình đó nhằm phát triển có hiệu quả kinh tế trang trại của tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Nội dung

15. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

15.1.  Nội dung nghiên cứu (trình bày dưới dạng đề cương nghiên cứu chi tiết)

    Phần 1:Mở đầu

1.1.Tính cấp thiết của đề tài

1.2. Mục tiêu chung

1.3. Mục tiêu cụ thể

1.4. Ý nghĩa của đề tài

Phần 2: Tổng quan tài liệu

2.1. Cơ sở khoa học của đề tài

2.2. Cơ sở thực tiễn của đề tài

2.2.1.Thực trạng tình hình phát triển kinh tế trang trại ở một số nước trên thế giới

2.2.2. Thực trạng tình hình phát triển kinh tế trang trại ở Việt Nam

Phần 3: Đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu

3.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.2. Nội dung nghiên cứu

- Tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh Phú Thọ.

- Điều tra, nghiên cứu về thực trạng phát triển kinh tế trang trại  của tỉnh.

- Phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế trang trại để lựa chọn ra mô hình trang trại phù hợp với tỉnh Phú Thọ

- Đề xuất một số mô hình trang trại phù hợp nhất với tỉnh.

3.3. phương pháp nghiên cứu

Phần 4: Kết quả nghiên cứu

4.1. Tình hình điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh

4.2. Thực trạng phát triển kinh tế trang trại

4.3. Chi phí, kết quả, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các trang trại trên địa bàn tỉnh.

4.4. Đánh giá chung về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế trang trại

4.5. Đưa ra các mô hình kinh tế trang trại phù hợp với tỉnh

Phần 5: Kết luận và kiến nghị

5.1. Kết luận

5.2. Kiến nghị

Tải file Lựa chọn mô hình kinh tế trang trại phù hợp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tại đây

PP nghiên cứu

14.2. Phương pháp nghiên cứu

14.2.1.Các câu hỏi đặt ra mà đề tài cần giải quyết

Một số vấn đề về phát triển kinh tế trang trại ở Phú Thọ. Điều kiện tiên quyết để kinh tế hộ phát triển là kinh tế thị trường phải phát triển đến một trình độ nhất định (yếu tố ngoại hàm)? (kinh tế trang trại phát triển sẽ thúc đẩy sản xuất hàng hoá và ngược lại).

-    Quá trình hình thành và phát triển của kinh tế trang trại có gắn với tích tụ và tập trung các yếu tố sản xuất (đất đai, lao động, vốn) trong đó vốn gắn với kỹ thuật – công nghệ và quản lý là yếu tố trội hơn hẳn so với các yếu tố khác. Tuy nhiên đất đai có phải là yếu tố quan trọng nhất?

-    Thật sự kinh tế trang trại có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế xã hội của tỉnh Phú Thọ? (phát triển kinh tế trang trại vừa là mục tiêu vừa là giải pháp)

-       Loại hình trang trại nào hoạt động có hiệu quả phát huy được thế mạnh của địa phương? Chỉ tiêu nào đánh giá trình độ sản xuất của trang trại?

-      Vai trò của công tác truyền thông, nâng cao năng lực của chủ trang trại, hỗ trợ thị trường trong phát triển kinh tế trang trại.

14.2.2. Phuơng pháp nghiên cứu

* Phương pháp nghiên cứu tài liệu:

- Sưu tầm, thu thập số liệu thứ cấp: những số liệu liên quan đến đề tài đã được công bố của các cơ quan thống kê các cấp, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của các đề tài có cùng nội dung;

- Phân tích tài liệu và tổng hợp kết quả phân tích: cập nhật, hệ thống hoá những thông tin, vấn đề phục vụ cho nội dung nghiên cứu của đề tài.

* Phương pháp điều tra:

-  Phỏng vấn bán cấu trúc để lấy thông tin từ một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ chuyên gia các ngành (phương pháp đánh giá chuyên gia và lấy ý kiến chuyên gia), sử dụng các bộ câu hỏi có phạm vi rộng để hướng dẫn các cuộc trao đổi, thảo luận để tăng cường sự hiểu biết sâu về những vấn đề định tính và có tính mở cao;

- Sử dụng kỹ thuật đánh giá nhanh nông thôn - RRA (Rapid Rural Appraisal): dựa trên các thông tin được thu thập từ trước, quan sát trực tiếp và phỏng vấn khi cần thiết và câu hỏi không chuẩn bị được trước đó;

- Điều tra bằng phiếu điều tra các trang trại hiện có trong tỉnh, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin sơ cấp phục vụ cho việc phân tích, đánh giá.

* Phương pháp thống kê:

- Tập hợp và phân loại (phân tổ thống kê);

- Phân tích so sánh kết quả của số liệu điều tra: tính hiệu quả, đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả sản xuất của trang trại (vốn, đất đai, lao động, trình độ quản lý), so sánh kết quả các loại hình trang trại, nhận xét xu hướng phát triển của trang trại;

- Phân tích bằng phương pháp kiểm định so sánh cặp thận trọng T-test (SPSS).

* Phương pháp lựa chọn mô hình: Lựa chọn 03 mô hình trang trại đặc thù đại diện cho các vùng sinh thái của tỉnh

Hiệu quả KTXH

ĐV sử dụng

STT Tên đơn vị Người đại diện
STT Tên người tham gia
1 Bùi Thị Thanh Tâm
2 Bùi Đình Hòa
3 Nguyễn Thị Thu Trang

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*