Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Phát huy giá trị văn hóa kinh doanh trong sự phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2013- 2020)
Cơ quan chủ trì Đại học Kinh tế và QTKD
Cơ quan thực hiện Đại học Kinh tế và QTKD
Loại đề tài Đề tài cấp đại học
Lĩnh vực nghiên cứu Triết học - Xã hội học - Chính trị học
Chủ nhiệm(*) Ngô Thị Tân Hương
Ngày bắt đầu 01/2014
Ngày kết thúc 12/2015

Tổng quan

 Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài:

  1. Tổng quan nghiên cứu về  văn hóa kinh doanh

             Yếu tố nhân văn trong hoạt động kinh tế đã có từ khi con người biết tham gia vào hoạt động kinh doanh và muốn cho hoạt động kinh doanh của mình được thịnh vượng, bền vững. Tuy nhiên, trên thế giới phải đến những năm 70 và ở Việt nam là từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, vấn đề văn hoá kinh doanh mới được nghiên cứu một cách hệ thống.

         - Ở các nước Tây Âu và Mỹ, vấn đề Đạo đức kinh doanh - biểu hiện cơ bản của Văn hóa kinh doanh đã được nghiên cứu một cách có hệ thống vào những năm 70 của thế kỷ XX. Đến những năm 80, Đạo đức kinh doanh đã trở thành môn học được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhiều trường Đại học tại Mỹ. Sang đến thế kỷ XXI, để giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn kinh doanh, vấn đề đạo đức kinh doanh được nghiên cứu ngày càng nhiều với những góc độ khác nhau. Năm 2002, cuốn sách Business Ethics, Ethical Decision Making and Case được xuất bản tại Mỹ, được coi như một cuốn giáo trình về đạo đức kinh doanh; cuốn Ethics and the Conduct of Business, xuất bản năm 2000; cuốn Business Ethics - Australian Problem and cases do Oxford University Press ấn hành năm 1998… Một đặc điểm phổ biến của những cuốn sách nghiên cứu về đạo đức kinh doanh của các tác giả nước ngoài này là luôn gắn vấn đề lý luận đạo đức kinh doanh với những tình huống kinh doanh cụ thể. Cuốn Ethics Issues in Business - A Philosophical Approach,  xuất bản năm 2002, đã tổng hợp những bài viết lý giải về những vấn đề liên quan đế đạo đức kinh doanh như: sự trung thực, vấn đề sở hữu, lợi nhuận và sự công bằng; vấn đề doanh nghiệp…

            - Ở Việt Nam, vấn đề văn hóa kinh doanh bắt đầu được nghiên cứu từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Những công trình tiêu biểu của các tác giả nghiên cứu về vấn đề này có thể kể đến như:

            + Tác giả Đỗ Huy có bài viết “Văn hóa kinh doanh ở nước ta - thực trạng và một số giải pháp”, (Hội thảo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về chủ đề “Văn hóa và kinh doanh” do Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia tổ chức năm 1995);

             + Tác giả Danh Sơn có bài viết “Văn hóa kinh doanh trong xu thế hội nhập nền kinh tế tri thức” (in trong cuốn “Văn hóa và kinh doanh” do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2001);

             + Tác giả Đỗ Minh Cương, “Văn hóa kinh doanh và triết lý kinh doanh” cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2001;

              + Tác giả Nguyễn Hoàng Ánh, “Vai trò của văn hóa trong kinh doanh quốc tế và vấn đề xây dựng văn hóa kinh doanh ở Việt Nam đề tài luận án tiến sĩ kinh tế tại trường Đại học Ngoại thương, năm 2004;

              + Tác giả Nguyễn Mạnh Quân, Giáo trình Đạo đức kinh doanh & Văn hoá doanh nghiệp, năm 2007;

               +  Tác giả Dương Thị Liễu, Giáo trình Văn hóa kinh doanh,  năm 2012;

               +  Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Anh, cuốn sách “Văn hóa kinh doanh ở Việt Nam hiện nay”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2013.

              Các công trình trên đã đi vào nghiên cứu văn hoá kinh doanh ở nhiều khía cạnh khác nhau với những nội dung khác nhau, trong đó, tập trung và nổi bật là một số nội dung chủ yếu sau:

            Theo các nghiên cứu chung nhất của các tác giả đi trước về văn hóa kinh doanh, ta có thể khái quát:

(1) Văn  hóa kinh doanh là một hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các quan niệm và hành vi do chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình kinh doanh, được thể hiện trong cách ứng xử của họ với xã hội, tự nhiên, ở cộng đồng hay một khu vực.

(2) Văn hóa kinh doanh được cấu thành và được biểu hiện phong phú qua Triết lý kinh doanh, Đạo đức kinh doanh, Văn hóa doanh nghiệp, Văn hóa doanh nhân, Quan hệ ứng xử trong kinh doanh.

(3) Vai trò của văn hóa kinh doanh: (1) Góp phần định hình tư duy kinh doanh, (2) Hướng dẫn quá trình giao tiếp trong kinh doanh, (3) Quyết định phương thức quản trị trong kinh doanh, (4) Hướng dẫn tiêu dùng văn minh.

           Song, các nghiên cứu chưa quan tâm đến cấu trúc văn hoá kinh doanh theo cấp độ nhận thức: từ nhận thức, hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh (cấp độ N1), đến xây dựng phương thức hành động (cấp độ N2), đến hiện thực hoá phương thức hành động trong thực tiễn kinh doanh (cấp độ N3). Đề tài sẽ quan tâm nghiên cứu vấn đề này, nhằm đi đến xây dựng và thực thiện văn hoá kinh doanh một cách triệt để nhất.

         2. Tổng quan nghiên cứu về phát triển bền vững và vai trò của văn hóa kinh doanh trong phát triển bền vững

        2.1. Tổng quan nghiên cứu về phát triển bền vững (PTBV)

         Thuật ngữ "phát triển bền vững" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới (do Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN công bố). Quan điểm phát triển bền vững thực sự ra đời trong Báo cáo "Tương lai chung của chúng ta" của Ủy ban Môi trường và phát triển thế giới của Liên Hợp Quốc (Ủy ban Brundtland) soạn thảo và công bố năm 1987.            

          Từ sau báo cáo Brundtland, các nhà kinh tế học đã tập trung nhiều vào vấn đề phát triển bền vững. Barbier và Markandya (1990) đã tổng hợp các lý thuyết và chia các định nghĩa thành hai nhóm. Một là, định nghĩa rộng, theo đó sự bền vững liên quan đến ba khía cạnh: kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội. Hai là, định nghĩa hẹp: phát triển bền vững về môi trường, nghĩa là khai thác một cách tối ưu tài nguyên thiên nhiên theo thời gian.

            Sau đó, quan điểm này tiếp tục được bàn đến trong Hội nghị cấp cao thế giới về môi trường và phát triển (Hội nghị Thượng đỉnh về trái đất) tại RiodeJaneiro (Braxin) năm 1992. Đặc biệt, trong Hội nghị Thượng đỉnh về trái đất lần thứ hai (Hội nghị cấp cao về PTBV của trái đất) họp tại Johannerburg (Nam Phi) năm 2002, các tổ chức xã hội đã nhấn mạnh nội dung của phát triển bền vững không chỉ dừng ở nhân tố sinh thái mà phải đi vào các nhân tố xã hội, con người, phải thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu với các nước nghèo và giữa các thế hệ trên thế giới. Hội nghị đã thông qua hai văn kiện quan trọng, đó là: "Tuyên bố chính trị Johannerburg 2002" và "Kế hoạch thực hiện" với nội dung khẳng định sự cấp thiết phải thực hiện sự phát triển kinh tế trong tương quan chặt chẽ với bảo vệ môi trường và đảm bảo công bằng xã hội ở tất cả các quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Nói chung, phát triển bền vững phải đảm bảo có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Để đạt được điều này, tất cả các lực lượng xã hội: Nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế - xã hội... cần phải có sự hợp tác tự giác, tích cực, chủ động nhằm đạt mục tiêu PTBV với 3 trụ cột chính là kinh tế - môi trường - xã hội.

- Peter P. Rogers, Kazi F.Jalal và John A. Boyd trong cuốn “Giới thiệu về phát triển bền vững” (An Introduction to Sustainable Development), xuất bản năm 2007 đã giới thiệu những kiến thức cơ sở về PTBV, trong đó đã tập trung phân tích những vấn đề đo lường và chỉ số đánh giá tính bền vững; vấn đề đánh giá, quản lý và chính sách đối với môi trường; cách tiếp cận và mối liên kết với giảm nghèo; những ảnh hưởng và phát triển cơ sở hạ tầng; các vấn đề về kinh tế. sản xuất, tiêu dùng, những trục trặc của thị trường và về vai trò của xã hội dân sự.

- John Blewitt trong cuốn “Tìm hiếu về phát triển bền vững” (Understanding Susstainable Development) xuất bản năm 2008 cũng đóng góp một phần quan trọng vào lý thuyết về PTBV, trong đó phải kể đến những nhân tố về mối quan hệ giũa xã hội và môi trường, PTBV và điều hành của Chính phủ; các công cụ, hệ thống để PTBV, phác thảo về một xã hội bền vững.

- Simon Bell và Stephen Morse trong cuốn “Các chỉ số phát triển bền vững: đo lường những thứ không thể đo?” (Sustainbility Indicators: Measuring the Immeasurable?) xuất bản năm 2008 đã có đóng góp lớn về lý luận và thực tiễn trong việc sử dụng các chỉ số PTBV.

Khái niệm phát triển bền vững được biết đến ở Việt Nam vào khoảng cuối thập niên 80 đầu thập niên 90. Mặc dù xuất hiện ở Việt Nam khá muộn nhưng nó lại sớm được thể hiện ở nhiều cấp độ. Nghiên cứu cơ bản và có hệ thống nhất về vấn đề PTBV ở Việt Nam được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Chương trình nghị sự 21 quốc gia Việt Nam”– VIE/01/021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) chủ trì thực hiện với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và sự hỗ trợ hợp tác của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA), Cơ quan phát triển quốc tế Thuỵ Điển (SIDA), gồm 4 hợp phần chính trong đó có hợp phần nghiên cứu chính sách PTBV. Nghiên cứu này (được thực hiện bởi nhiều nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau) đã hệ thống, phân tích và cụ thể hoá chính sách PTBV vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trên các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; phát triển các khu công nghiệp; chính sách phát triển công nghiệp; chính sách năng lượng; chính sách đô thị hoá; chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài; tổng kết các mô hình PTBV.

            “Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam” đưa ra nhiều vấn đề cần ưu tiên để thực hiện PTBV, trong đó 5 lĩnh vực cần được ưu tiên để PTBV về kinh tế, đó là: duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững, thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường, thực hiện quá trình công nghiệp hóa sạch, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, PTBV các vùng và địa phương. Như thế, yếu tố cấu thành cho phát triển bền vững về kinh tế là văn hoá kinh doanh chưa được ưu tiên nhắc tới.

             - Về mặt học thuật, thuật ngữ này được nước ta tiếp thu nhanh. Đã có hàng loạt công trình nghiên cứu liên quan mà đầu tiên phải kể đến là công trình do giới nghiên cứu môi trường tiến hành như: “Tiến tới môi trường bền vững” (1995) của Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Công trình này đã tiếp thu và thao tác hóa khái niệm PTBV theo báo cáo Brundtland như một tiến trình đòi hỏi đồng thời trên bốn lĩnh vực: Bền vững về kinh tế, bền vững về mặt nhân văn, bền vững về môi trường, bền vững về mặt kỹ thuật.

            - Ngoài ra, trong giới khoa học xã hội còn có các công trình như “Đổi mới chính sách xã hội – Luận cứ và giải pháp” (1997) của Phạm Xuân Nam. Trong công trình này, tác giả làm rõ 5 hệ chỉ báo thể hiện quan điểm PTBV: Phát triển xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển chính trị, tinh thần, trí tuệ, văn hóa, vai trò phụ nữ và chỉ báo quốc tế. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu này có một điểm chung là thao tác hóa khái niệm PTBV trên quan điểm của Brundtland. Tuy nhiên, cần nói thêm rằng, những thao tác này còn mang tính liệt kê, tính thích ứng của các chỉ báo với thực tế Việt Nam, vai trò của từng thành tố trong phát triển bền vững chưa được làm rõ.

              - Trong “ Nghiên cứu tiêu chí phát triển bền vững cấp quốc gia ở Việt Nam – giai đoạn I” (2003) do Viện Nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững, Hội Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tiến hành. Trên cơ sở tham khảo bộ tiêu chí PTBV của Brundtland và kinh nghiệm các nước: Trung Quốc, Anh, Mỹ, các tác giả đã đưa ra các tiêu chí cụ thể về PTBV đối với một quốc gia là bền vững kinh tế, bền vững xã hội và bền vững môi trường. Đồng thời cũng đề xuất một số phương án lựa chọn bộ tiêu chí PTBV cho Việt Nam.

            - Công trình nghiên cứu “Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững” (2000) do Lưu Đức Hải và cộng sự tiến hành đã trình bày hệ thống quan điểm lý thuyết và hành động quản lý môi trường cho PTBV. Công trình này đã xác định PTBV qua các tiêu chí: bền vững kinh tế, bền vững môi trường, bền vững văn hóa.

            - Các tác giả Hà Huy Thành – Nguyễn Ngọc Khánh (đồng chủ biên) (2009), “Phát triển bền vững từ quan niệm đến hành động”, Nxb KHXH, Hà Nội. Công trình đã góp phần nghiên cứu tổng quan nội dung cơ bản và quá trình hình thành và phát triển của khái niệm, khung khổ, chương trình hành động, chỉ tiêu PTBV của Liên hợp quốc và các quốc gia, khu vực  trên thế giới. Từ đó làm cơ sở cho việc rút ra những bài học bổ ích cho Việt Nam

- Lê Bảo Lâm với tác phẩm “Các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế dài hạn: Lý thuyết và thực tiễn ở Việt Nam” (2007) và một số tác phẩm khác của các tác giả: Nguyễn Mạnh Hùng, “Kinh tế - xã hội Việt Nam hướng tới chất lượng tăng trưởng, hội nhập và phát triển bền vững”, Nguyễn Văn Thương: “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam – những rào cản cần vượt qua”, Phạm Ngọc Trung: “Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam”…; cũng bàn luận đến những vấn đề xoay quanh việc sử dụng các nhân tố được chú ý và cần phải tiếp tục sử dụng một cách có hiệu quả để nhằm tạo ra sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Các vấn đề đã được nghiên cứu trong nhóm các tác giả trên cũng chỉ mới đưa ra một cách rời rạc và chưa có tính chất hệ thống lý thuyết về sự PTBV về kinh tế, chưa chỉ ra vai trò quan trọng của văn hoá, văn hoá kinh doanh trong phát triển bền vững – mà ở đây trọng tâm là bền vững về kinh tế.

            - Trong tác phẩm “Phát triển bền vững Việt Nam: Thành tựu, thách thức và triển vọng”, NXB Lao động – xã hội, Hà Nội, 2007, các tác giả Nguyễn Quang Thái và Ngô Thắng Lợi đã nghiên cứu, phân tích thực trạng phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian đổi mới, phân tích những yếu tố hay điều kiện giúp Việt Nam đạt được những tiến bộ khả quan để thực hiện phát triển bền vững.

            - Tác giả Lê Trọng Cúc chủ biên (2002), “Phát triển bền vững miền núi Việt Nam: 10 năm nhìn lại và những vấn đề đặt ra”, Nxb Nông Nghiệp, Hà Nội: Tập hợp các bài viết có tính chất tổng hợp về các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường miền núi trong 10 năm phát triển (1990 - 2000).

-  Nhiều tác giả (2003), “Toàn cầu hoá và phát triển bền vững”, Nxb KHXH, Hà Nội: Giới thiệu các bài nghiên cứu của các học giả hàng đầu thế giới về các chủ đề khác nhau của vấn đề toàn cầu hoá bao gồm cả lịch sử của toàn cầu hoá, quan hệ giữa tự do hoá thương mại, tăng trưởng kinh tế và các vấn đề cốt yếu của phát triển bền vững trong giai đoạn toàn cầu hoá.

-  Phan Văn Hùng chủ biên (2007): “Phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam”, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội: Cuốn sách trình bày một số vấn đề lí luận liên quan đến phát triển bền vững, cũng như thực trạng phát triển, định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Giới thiệu các mô hình phát triển bền vững.

- Bùi Minh Đạo (2011), “Thực trạng phát triển Tây Nguyên và một số vấn đề phát triển bền vững”, Nxb KHXH, Hà Nội:  Trình bày một số vấn đề cơ bản về phát triển bền vững và phát triển bền vững vùng; Từ đó, nêu thực trạng phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, tôn giáo, môi trường, cùng một số vấn đề đặt ra, quan điểm và giải pháp trong phát triển bền vững đối với khu vực Tây Nguyên.

- Dương Bá Phượng chủ biên (2012), “Phát triển bền vững vùng Trung Bộ: Thực trạng, vấn đề và giải pháp”, Nxb KHXH, Hà Nội: Thực trạng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nguồn lực con người và môi trường theo hướng bền vững vùng Trung bộ giai đoạn 2001 - 2010, dự báo tác động của bối cảnh quốc tế, trong nước và quan điểm, mục tiêu, phương hướng, giải pháp phát triển bền vững vùng giai đoạn 2011 – 2020.

- Vương Xuân Tình, Trần Hồng Hạnh chủ biên (2012), “Phát triển bền vững văn hoá tộc người trong quá trình hội nhập ở vùng Đông Bắc”, Nxb KHXH, Hà Nội: Cuốn sách đã tổng quan tài liệu về phát triển bền vững văn hoá tộc người và các điểm nghiên cứu khác nhau về phát triển bền vững.  Đồng thời, sách cũng phân tích tác động của hội nhập kinh tế và văn hoá của các tộc người vùng Đông Bắc trong bối cảnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế của đất nước.

- Tác giả Hoàng Chí Bảo trong "Dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội trong phát triển bền vững" đã coi phát triển bền vững phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội: Tăng trưởng kinh tế là điều thiết yếu của phát triển, nhưng kinh tế cũng không phải là sự cứu cánh; nó phải hướng tới công bằng xã hội, làm cho con người thoát đói, vượt nghèo, trở nên khá giả, giàu có bằng sức lao động chính đáng của mình, dựa trên nguyên lý về sự công bằng - đó là công bằng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người. Đồng thời, tác giả cũng khẳng định rằng, nhiều khi chính sự phát triển của văn minh vật chất, tiến bộ kỹ thuật - công nghệ và sự bùng nổ dữ dội dòng thác thông tin toàn cầu đã tạo ra những tha hóa cá thể và tập thể bởi sự lệch lạc về định hướng giá trị trong đạo đức, lối sống của những cá thể và tập thể đó. Điều này đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng về môi trường sống, cả tự nhiên lẫn xã hội. Nó đe dọa sự an toàn trong phát triển. Do đó, để có sự phát triển bền vững cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa.

- Tác giả Lương Đình Hải trong "Phát triển xã hội bền vững và hài hòa - những vấn đề lí luận và thực tiễn chủ yếu hiện nay" sau khi điểm sơ lược qua các quan điểm về PTBV ở trên thế giới trong thời gian qua và từ thực tiễn xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Theo tác giả, PTBV cũng phải bao gồm ba yếu tố trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường.

- Tác giả Nguyễn Đình Hòa trong "Phát triển bền vững trên nền tảng sự đồng tiến hóa giữa con người và tự nhiên" sau khi chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng và không thể thay thế đối với sự tồn tại, phát triển của con người cũng như của xã hội loài người của môi trường tự nhiên

- Trong cuốn sách: “Một số vấn đề cơ bản về phát triển bền vững vùng duyên hải Nam Trung Bộ”, tác giả Bùi Đức Hùng (chủ biên) đã nêu lên 30 tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững trên ba trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường, song chưa nhắc đến vai trò của văn hóa hay văn hóa kinh doanh trong phát triển bền vững về kinh tế - một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.

           - Tác giả Bùi Thị Hoà trong Luận án tiến sĩ bảo vệ năm 2013, đã nêu lên cấu trúc của PTBV với các trụ cột: Kinh tế, Môi trường, Xã hội và văn hoá.

          Tóm lại, qua nghiên cứu của các tác giả đi trước về vấn đề PTBV, đã xác định những nội dung cơ bản của PTBV:

(1)   Định nghĩa về PTBV

(2)   Cấu trúc của PTBV

(3)   Các tiêu chí đánh giá PTBV

          Tuy nhiên, PTBV là vấn đề rộng một khái niệm mở, cần được tiếp tục nghiên cứu để làm chính xác và sâu sắc hơn nữa, đặc biệt là trong quan điểm về cấu trúc của PTBV. Đề tài hướng đến nêu ra năm thành tố cấu thành cho một xã hội phát triển bền vững: Phát triển bền vững về kinh tế; Phát triển bền vững về môi trường tự nhiên; Phát triển bền vững về môi trường xã hội; Phát triển bền vững về văn hoá; Phát triển bền vững về con người. Từ đó khẳng định vai trò của văn hoá kinh doanh trong việc đảm bảo cho sự phát triển bền vững nói chung và gắn với sự phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

          2.2. Tổng quan nghiên cứu về vai trò của văn hóa kinh doanh trong phát triển bền vững

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã nêu lên những quan niệm về văn hóa và vai trò của nó trong sự phát triển. Theo quan niệm của C. Mác, thế giới văn hóa là thế giới con người, do con người sáng tạo ra cho chính mình; văn hóa là cái thể hiện sức mạnh xã hội của hoạt động lao động sản xuất của con người. Từ tinh thần đó, V.I.Lênin đã làm rõ vai trò và lĩnh vực văn hóa trong cách mạng vô sản, coi “cách mạng văn hóa” là lĩnh vực trọng yếu nhằm mục tiêu xây dựng xã hội mới.

Trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa, văn nghệ, cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải đứng trong kinh tế và chính trị”. Theo quan điểm này của Người, phát triển kinh tế phải dựa trên sự phát huy nhân tố con người. Kinh tế muốn phát triển lành mạnh, tốt đẹp, hiệu quả phải phát huy hết sức mạnh của văn hóa dân tộc và thời đại, mọi khả năng của con người Việt Nam, cả về tri thức, tình cảm, đạo đức, thẩm mỹ và thể chất.  

Tiếp tục quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay từ những những năm 1960, Đảng ta đã xác định cần tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng là kinh tế, tư tưởng và văn hóa. Coi phát triển văn hóa là vấn đề quan trọng ngang tầm với những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và đã xác định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Đến Đại hội Đảng lần thứ VIII, trong Văn kiện Đại hội đã xác định: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển”, từ đó, phải “kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc”.

Tuy nhiên, tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII), trong Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sác dân tộc”, Đảng ta đã thừa nhận: “tập trung sức vào phát triển kinh tế, Đảng ta đã chưa lường hết những tác động tiêu cực” , “chưa đặt đúng vị trí của văn hóa, chưa chú trọng công tác giáo dục về tư tưởng, đạo đức và lối sống”, “chưa xây dựng được chiến lược phát triển văn hóa song song với chiến lược phát triển kinh tế”, từ đó đưa ra quan điểm: “Văn hóa và kinh tế có quan hệ gắn bó hữu cơ, là mục tiêu và động lực của nhau”.

Ngày nay, trước vấn đề suy thoái đạo đức trong kinh doanh như chạy theo lợi nhuận, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong khi thiếu hoặc không quan tâm đến lợi ích chung, đã dẫn đến nguy cơ cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm trầm trọng môi trường sống, làm lệch lạc các giá trị sống... Điều này chứng tỏ Việt Nam hiện nay chưa có sự phát triển bền vững cũng như chưa có một văn hóa kinh doanh lành mạnh. Nó còn là kết quả của việc chúng ta chưa tạo ra được sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng văn hóa kinh doanh với sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhận thức được vấn đề này, thời gian gần đây, đã có một số nhà nghiên cứu lý luận bước đầu xem xét để rút ra được những kết luận cần thiết về mối quan hệ giữa văn hóa, văn hóa kinh doanh với sự phát triển bền vững. Nghiên cứu về vấn đề này, có một số công trình như:

Tác giả Dương Thị Liễu trong bài viết Văn hóa kinh doanh và một số giải pháp xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, đăng trên tạp chí Triết học số 6 (169), tháng 6/2005.

Tác giả Thành Duy trong bài viết Bí quyết của sự phát triển bền vững là ở văn hoá  đăng trên Tạp chí Tuyên Giáo, Báo điện tử đăng ngày 4/4/2012.

Tác giả Lê Thị Tuyết Ba trong Ý thức đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Luận án Tiến sĩ Triết học (2008),  Hà Nội.

Tác giả Tô Thị Tuyết Hạnh trong Luận văn Thạc sĩ Triết học: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay, Hà Nội (2011),

Luận văn Thạc sĩ Triết học Khai thác nội lực vì sự phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay (2010), tác giả  Nguyễn Diệu Linh.

Nhìn chung, bước đầu có một số công trình đã đưa ra một số quan điểm về mối quan hệ, nêu lên vai trò của văn hóa, văn hóa kinh doanh trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, các công trình đó chưa nghiên cứu sâu và hệ thống về vai trò của văn hóa kinh doanh trong phát triển bền vững. Bởi vậy, chưa đánh giá được vai trò đặc biệt quan trọng của văn hoá kinh doanh trong phát triển bền vững, đặc biệt là chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Qua nghiên cứu đề tài, hy vọng sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.    

Tính cấp thiết

Tính cấp thiết của đề tài:

Văn hóa vẫn thường được xem là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng, do cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quyết định. Văn hóa có vai trò tác động to lớn đến sự vận động của kinh tế - xã hội, nó có thể thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ nếu nó phù hợp và tác động tích cực, ngược lại nó có thể kìm hãm, dẫn đến suy thoái, thậm chí là một trong những tác nhân chính góp phần kéo lùi sự vận động của lịch sử.

 Là một khía cạnh cụ thể của văn hóa, văn hóa kinh doanh có vai trò tác động trực tiếp đến sự thịnh vượng và bền vững của mỗi doanh nghiệp, mỗi tập đoàn kinh tế nói riêng và sự phát triển bền vững của đất nước nói chung. Văn hóa không chỉ là động lực mà còn là định hướng và là kết quả nhân văn của một nền kinh tế lành mạnh. Song, hiện nay việc nhận thức về sự tác động của văn hóa vào kinh tế chưa thực sự sâu sắc, việc quan tâm xây dựng một thương hiệu văn hóa kinh doanh chưa thực sự đúng mực. Điều đó biểu hiện ở lối kinh doanh ngắn hạn, lướt sóng, chụp giật, thiếu quan tâm đến lợi ích cộng đồng của nhiều doanh nghiệp, biểu hiện ở tính thiếu cân đối, thiếu sự phát triển bền vững… trong sự phát triển của đất nước.

Là một tỉnh miền núi trung du Phía Bắc, Thái Nguyên có nhiều lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội, cả về điều kiện tự nhiên, điều kiện lịch sử… Song Thái nguyên vẫn được coi là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển trung bình trong cả nước, chưa có được bước đột phá cho sự phát triển bền vững. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, song một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng chung của nền kinh tế đất nước đó là việc nhận thức về sự tác động của văn hóa vào kinh tế chưa thực sự sâu sắc, việc quan tâm xây dựng một thương hiệu văn hóa kinh doanh chưa thực sự đúng mực.

Năm 2012, lãnh đạo cấp cao của tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm đến việc kêu gọi và thu hút nguồn đầu tư từ một số nước phát triển. Do vậy, việc quan tâm đến văn hóa kinh doanh lúc này là việc vô cùng cấp bách, không thể chậm trễ.  

             Xuất phát từ những thực tế trên đây, với cương vị là một giảng viên triết học của một trường Đại học đóng trên địa bàn Tỉnh - trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh, dựa trên kiến thức nền tảng của triết học, tôi muốn góp phần làm sáng tỏ vai trò của văn hóa kinh doanh trong sự phát triển bền vững của tỉnh nhà. Kết quả quá trình nghiên cứu sẽ được vận dụng trong công tác giảng dạy – nơi đào tạo ra những nhà doanh nghiệp tương lai, đồng thời đề ra những giải pháp về phương diện văn hóa kinh doanh, góp phần bảo vệ cho sự phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên. Với những lý do tó, tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài: Phát huy giá trị văn hóa kinh doanh trong sự phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2013- 2020).

Mục tiêu

Mục tiêu của đề tài:

- Trình bày một số lý luận về văn hóa kinh doanh và vai trò của văn hóa kinh doanh trong sự phát triển bền vững;

- Tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội dẫn đến sự hình thành các giá trị văn hoá kinh doanh qua các thời kỳ lịch sử của Việt Nam và ảnh hưởng của nó đến văn hoá kinh doanh của Thái Nguyên.

- Phân tích thực trạng văn hóa kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên;

-  Đề xuất một số giải pháp xây dựng và phát huy vai trò của văn hóa kinh doanh đảm bảo cho tiến trình phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên.

Nội dung

        Nội dung nghiên cứu (đề cương nghiên cứu chi tiết)

         Mở đầu

          1.Tính cấp thiết của đề tài

          2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài

          3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

          4. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

          5. Cấu trúc của đề tài

        Chương 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU 

1.1. Tổng quan nghiên cứu về văn hóa và văn hóa kinh doanh

1.1.1. Tổng quan nghiên cứu về văn hoá

1.1.2. Tổng quan nghiên cứu về văn hoá kinh doanh

1.2. Tổng quan nghiên cứu về phát triển bền vững và vai trò của văn hóa kinh doanh với sự phát triển bền vững

1.2.1. Tổng quan nghiên cứu về phát triển bền vững

1.2.2. Tổng quan nghiên cứu về vai trò của văn hóa kinh doanh với sự phát triển bền vững

Chương 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VĂN HOÁ KINH DOANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

2.1. Văn hóa kinh doanh và kết cấu của văn hóa kinh doanh

2.1.1. Khái niệm văn hoá kinh doanh

2.1.2. Kết cấu của văn hoá kinh doanh

2.2. Phát triển bền vững và vai trò của văn hóa kinh doanh trong phát triển bền vững

2.2.1. Khái niệm và các yếu tố cấu thành phát triển bền vững

2.2.2. Vai trò của văn hoá kinh doanh trong phát triển bền vững

Chương 3: THỰC TRẠNG CỦA VĂN HÓA KINH DOANH TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở THÁI NGUYÊN HIỆN NAY

3.1. Điều kiện cho sự hình thành và phát triển các giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam và những ảnh hưởng của nó đến văn hoá kinh doanh tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ lịch sử.

3.1.1. Điều kiện tự nhiên với sự hình thành các giá trị văn hoá kinh doanh

3.1.2. Điều kiện kinh tế- xã hội với sự hình thành các giá trị văn hoá kinh doanh qua các thời đại

3.2. Thực trạng văn hoá kinh doanh và vai trò của văn hoá kinh doanh trong phát triển bền vững ở tỉnh Thái Nguyên (từ 2000 - 2015)

3.2.1. Thực trạng xây dựng văn hoá kinh doanh (giai đoạn 2000 – 2015)

3.2.2. Thực trạng tác động của văn hoá kinh doanh đến phát triển bền vững (giai đoạn 2000 – 2015)

Chương 4: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM XÂY DỰNG VĂN HÓA KINH DOANH ĐẢM BẢO CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở THÁI NGUYÊN  HIỆN NAY

4.1 Nâng cao hiệu quả công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa kinh doanh truyền thống còn phù hợp với sự phát triển bền vững ở Thái Nguyên

4.2 Thực hiện phát triển một cách đồng bộ các yếu tố cấu thành nội dung văn hóa kinh doanh nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững ở Thái Nguyên.

4.3 Phát huy vai trò tích cực của các yếu tố cấu thành sự phát triển bền vững nhằm xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa kinh doanh ở Thái Nguyên.

Tải file Phát huy giá trị văn hóa kinh doanh trong sự phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2013- 2020) tại đây

PP nghiên cứu

            Phương pháp nghiên cứu:

           * Phương pháp thực địa, điều tra, khảo sát

Đây là phương pháp không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu, phương pháp này không những nhằm thu thập thông tin, số liệu điều tra mà còn đảm bảo tính chính xác và tính thực tiễn. Trong quá trình nghiên cứu đề tài này, yêu cầu bắt buộc là phải điều tra xã hội học đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.   

 * Phương pháp phân tích tổng hợp

Trên cơ sở các số liệu đã thu thập, tiến hành phân tích, tổng hợp đánh giá về các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển văn hoá kinh doanh, vai trò của văn hoá kinh doanh trong phát triển bền vững. Trên cơ sở đó đưa ra được các giải pháp phát triển văn hoá kinh doanh, đảm bảo cho phát triển bền vững phù hợp với thực tiễn địa phương.

         * Phương pháp điều tra xã hội học

Phương pháp này thực hiện để thu thập được nguồn thông tin cần thiết liên qua đến đề tài, thông qua sử dụng phiếu điều tra. Để có thể đem lại hiệu quả cao từ việc sử dụng phương pháp này, trước hết cần phải xây dựng bộ phiếu câu hỏi, điều tra với các câu hỏi chính xác, chứa thông tin cần thiết liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài… nhất là những câu hỏi liên quan đến vấn đề thực trạng xây dựng và thực hiện văn hoá kinh doanh, hiểu biết về vai trò của nó trong phát triển bền vững của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

         * Phương pháp toán học

Phương pháp toán học được sử dụng trong quá trình nghiên cứu nhằm xử lí số liệu thống kê, xử lí số liệu điều tra, phỏng vấn…

Hiệu quả KTXH

Hiệu quả KT-XH:

- Phục vụ công tác NCKH và đào tạo sau đại học tại Đại học Kinh tế & QTKD TN, ĐHSP - ĐHTN

- Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ thuộc các trường Đại học.

- Tăng cường năng lực nghiên cứu cho nhóm thực hiện đề tài.

- Cung cấp tài liệu tham khảo cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

ĐV sử dụng

Địa chỉ có thể ứng dụng

- Phục vụ cho công tác NCKH, công tác đào tạo đại học, sau đại học tại Đại học Thái Nguyên.

- Làm tài liệu tham khảo tốt cho các NCS, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp quan tâm tới văn hóa kinh doanh.

STT Tên đơn vị Người đại diện
STT Tên người tham gia
1 TS. Vũ Thị Tùng Hoa
2 ThS. Đào Thị Tân
3 ThS. Phạm Thị Nga

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*