Thông tin chung
Tên đề tài (*) | Đảng lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc ở các tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá |
Cơ quan chủ trì | Đại học Thái Nguyên |
Cơ quan thực hiện | Đại học sư phạm |
Loại đề tài | Đề tài cấp đại học |
Lĩnh vực nghiên cứu | Triết học - Xã hội học - Chính trị học |
Chủ nhiệm(*) | Hoàng Thu Thủy |
Ngày bắt đầu | 03/2012 |
Ngày kết thúc | 03/2014 |
Tổng quan
Ngoài nước:
Xuất phát từ những mục đích và động cơ khác nhau, nghiên cứu của người nước ngoài về các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày càng được mở rộng, đi sâu tìm hiểu trên nhiều lĩnh vực. Trực tiếp phục vụ cho đề tài này có các công trình nghiên cứu nước ngoài sau đây được khảo cứu kỹ lưỡng:
Nghiên cứu của Donovan D., Rambo T.A, Fox J., Lê Trọng Cúc, Trần Đức Viên: “Những xu hướng phát triển ở vùng núi phía Bắc Việt Nam’’ (1997) với việc xem xét cụ thể mỗi cộng đồng tộc người gắn với hệ sinh thái tộc người (rẻo cao, rẻo giữa, thung lũng) và từ đó chi phối đến đặc trưng văn hoá tộc người.
Furuta Mooto (Nhật Bản) với Luận án tiến sĩ “Chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam” (Luận án Tiến sĩ) (1989) không chỉ quan tâm đến đặc điểm nhân chủng, văn hoá tộc người, mà hướng trọng tâm nghiên cứu thể chế, chính sách phát triển xã hội tộc người và quản lý phát triển tộc người của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nghiên cứu này đã chỉ ra được những ưu điểm trong chính sách phát triển tộc người của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây và nhờ đó đã quy tụ, đoàn kết được các cộng đồng tộc người thiểu số trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
. Trong nước:
- Những nghiên cứu tổng quan về các dân tộc thiểu số ở Việt Nam:
Đặng Nghiêm Vạn: “Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam” (2003); Khổng Diễn với “Dân số và dân số tộc người ở Việt Nam” (1995)... giới thiệu về dân số, đặc trưng văn hoá, kinh tế... của 54 tộc người trong cộng đồng quốc gia các dân tộc Việt Nam.
Đàm Thị Uyên với “Chính sách dân tộc của các triều đại phong kiến Việt Nam (từ thế kỉ XI - XIX)” (2007) đã trình bày một cách khái quát và khá đầy đủ về tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá và quá trình hình thành các chính sách dân tộc của các triều đại phong kiến trên đất nước ta. Qua đó, tác giả đã đi vào phân tích và trình bày những kết quả đạt được của các chính sách đó, và rút ra kết luận, chính sách dân tộc của các triều đại phong kiến, mặc dầu chịu sự hạn chế của bản chất giai cấp bóc lột, vẫn có một thời “có ý nghĩa tích cực trong việc củng cố quốc gia thống nhất, đẩy lùi các thế lực cát cứ, xâm lấn từ bên ngoài, giữ gìn được an ninh biên giới”.
Bế Viết Đẳng (chủ biên:) với “Các dân tộc thiểu số trong sự phát triển kinh tế xã hội ở miền núi” (1996); Hà Quế Lâm: “Xoá đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay- thực trạng và giải pháp” (2002) khái quát thực trạng kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số qua đó nêu lên các giải pháp có hiệu quả để góp phần cải thiện tình hình xoá đói giảm nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay.
- Nghiên cứu quan hệ tộc người, các “điểm nóng” chính trị - xã hội ở vùng đa dân tộc.
Nhóm nghiên cứu này rất phong phú, đa dạng, với cả chuyên khảo và bài viết công bố trên tạp chí, đáng chú ý là các công trình của Doãn Hùng (chủ nhiệm): “Bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số ở vùng tái định cư thuộc dự án thủy điện Sơn La - Thực trạng và giải pháp” (2006); của Nguyễn Quốc Phẩm (chủ biên): “Công bằng và bình đẳng xã hội trong quan hệ tộc người ở các quốc gia đa tộc người” (2006); của Trương Minh Dục: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc và quan hệ dân tộc ở Tây Nguyên” (2005); của Nguyễn Văn Huy, Lê Duy Đại: “Báo cáo tổng hợp về nghiên cứu chính sách phát triển vùng miền núi và dân tộc thiểu số” (1999); của Hoàng Chí Bảo (chủ nhiệm) (2006): “Nghiên cứu các giải pháp bảo đảm bình đẳng và tăng cường hợp tác giữa các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng đa dân tộc ở miền núi”... Vấn đề di dân, đói nghèo, dân trí, thể chất con người, tàn phá rừng đầu nguồn cũng nhận được sự quan tâm sâu sắc của giới nghiên cứu với công trình của Đặng Nguyên Anh: “Chính sách di dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi” (2006); của Trần Văn Chử: “Di dân với quá trình phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường ở nước ta hiện nay” (2000)...
- Những nghiên cứu trực tiếp về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Tiêu biểu trong số này có các công trình: Trần Nam Sơn – Lê Hải Anh (Sưu tầm, tuyển chọn): “Những quy định về chính sách dân tộc” (2001); Uỷ ban dân tộc và miền núi: “Hệ thống các văn bản chính sách dân tộc và miền núi” (tập 2) về kinh tế - xã hội” (1997); Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Chính sách và chế độ pháp lý đối với đồng bào dân tộc và miền núi” (1996). Đây là những công trình mà các tác giả đã dày công sưu tầm, tuyển chọn tại Hiến Pháp, các Nghị định, Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ, các Thông tư của Uỷ ban dân tộc và miền núi về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Những công trình nghiên cứu ở trong và ngoài nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình thực hiện đề tài này, bao gồm cả cung cấp một số tư liệu và cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu chưa có hệ thống, còn thiếu những nghiên cứu liên ngành để tìm ra luận cứ và giải pháp thích hợp nhằm thực hiện tốt chính dân tộc ở các tỉnh miền núi Đông Bắc nước ta.
Tính cấp thiết
- Việt Nam là quốc gia đa tộc người, với 54 thành phần dân tộc, trong đó miền núi - vùng dân tộc thiểu số Việt Nam chiếm hơn ¾ lãnh thổ, có hơn 1/3 số dân với hơn 23 triệu người. Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm, các dân tộc thiểu số đã gắn bó, đoàn kết cùng dân tộc Kinh, tạo thành một khối cộng cư, cộng lợi, cộng cảm và cộng mệnh, với sự thống nhất trong đa dạng về văn hoá tộc người.
- Miền núi Đông Bắc Việt Nam là vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên, xã hội, lịch sử, văn hoá vô giá cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. ..Do vậy, việc phát huy các thế mạnh của vùng không chỉ có ý nghĩa kinh tế lớn, mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Tuy nhiên, những tiềm năng ấy chưa được khai thác có hiệu quả, thiếu tính bền vững. Bên cạnh đó, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá càng được đẩy tới thì các dân tộc thiểu số sống ở khu vực này càng bị thua thiệt về cơ hội phát triển, họ ít có khả năng tham gia vào quá trình đó.
- Các tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế- xã hội, môi trường, văn hoá, chính trị, an ninh, quốc phòng, tôn giáo, dân tộc và quan hệ lân bang. … Nhưng nổi cộm nhất vẫn là vấn đề bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới với tính chất phức tạp của nó, có phần do lịch sử để lại, có phần mới nảy sinh do sự chi phối bởi động thái chính trị - xã hội phức tạp của quốc gia láng giềng.
- Với đặc điểm kết cấu dân cư như trên, trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho các tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả chúng ta thu được chưa tương xứng với mức đầu tư. Hơn nữa, sau một quá trình thực hiện thành công các chương trình, dự án giảm nghèo cho vùng miền núi và dân tộc thiểu số nói chung, giờ đây đã đến lúc chúng ta phải có một hệ thống chính sách mới phù hợp với xu thế và trình độ phát triển khi Việt Nam đã bước vào ngưỡng của nước thu nhập trung bình thấp. Muốn xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách này, cần có một nghiên cứu quy mô và toàn diện về vùng dân tộc thiểu số nói chung cũng như các tỉnh miền núi Đông Bắc nói riêng. Qua đó tổng kết đánh giá vai trò Đảng lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc, đồng thời nhận diện những ưu điểm, hạn chế và đúc kết kinh nghiệm nhằm hoàn thiện chính sách dân tộc nói chung cũng như khu vực các tỉnh miền núi Đông Bắc nước ta nói riêng.
Do đó, việc thực hiện đề tài “Đảng lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc ở các tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá” là rất cần thiết, xét trên cả phương diện khoa học và thực tiễn.
Mục tiêu
- Làm rõ những đặc trưng về quan điểm nhận thức và quá trình lãnh đạo tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ở các tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
- Bước đầu rút ra những kinh nghiệm lịch sử từ sự lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng tại các tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam.
Nội dung
- Đảng lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc ở các tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam (1996- 2001).
- Đảng lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc ở các tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam (2001- 2010).
- Thành tựu, hạn chế và những kinh nghiệm về Đảng lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc ở các tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
PP nghiên cứu
- Phương pháp lịch sử
- Phương pháp lôgíc,
- Ngoài ra, đề tài còn sử dụng một số phương pháp khác như thống kê, so sánh, phân tích và tổng hợp để làm rõ sự phát triển.
Hiệu quả KTXH
- Góp phần thực hiện và đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
- Là nguồn tư liệu cho các tỉnh miền núi Đông Bắc nước ta thực hiện tốt hơn các chủ trương, chính sách của Đảng về chính sách dân tộc.
- Đề tài hoàn thiện sẽ là một phần quan trọng trong luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh, góp phần đào tạo sinh viên nghiên cứu khoa học, sinh viên làm khoá luận tốt nghiệp.
- Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là tài liệu học tập, tham khảo cho sinh viên chuyên ngành Giáo dục chính trị và các chuyên ngành có liên quan.
ĐV sử dụng
BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)