Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế
Cơ quan chủ trì Đại học Thái Nguyên
Cơ quan thực hiện Đại học Kinh tế và QTKD
Loại đề tài Đề tài cấp Bộ
Lĩnh vực nghiên cứu Kinh tế học
Chủ nhiệm(*) Nguyễn Tiến Long
Ngày bắt đầu 03/2007
Ngày kết thúc 03/2009

Tổng quan

            Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cơ cấu kinh tế và các vấn đề liên quan đến chuyển dịch cơ cấu kinh đã được nhiều Nhà nghiên cứu kinh tế-xã hội quan tâm và nghiên cứu. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu sâu sắc về FDI với CDCCKT nói chung và cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên nói riêng thì còn rất hạn chế, đặc biệt trong xu thế hội nhập sâu của nền kinh tế Việt Nam như hiện nay.

            “Cơ cấu các thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam” của tác giả GS.TSKH. Lương Xuân Quỳ (chủ nhiệm đề tài KHXH.03.01) (2000) là một đề tài cấp Nhà nước với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học đầu ngành. Đề tài đã làm rõ những vấn đề lí luận và quan điểm về thành phần kinh tế, cơ cấu và vị trí các thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường theo định hướng XHCN ở Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển cơ cấu các thành phần kinh tế ở Việt Nam từ khi đổi mới đến năm 2000, từ đó góp phần tổng kết thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học và các giải pháp cho việc định hướng các chính sách đối với các thành phần kinh tế nhằm phát triển lực lượng sản xuất xã hội trong cơ cấu thành phần kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, cơ cấu ngành kinh tế và vai trò của FDI với CDCCKT (trong đó có cơ cấu thành phần kinh tế) chưa được đề cập một cách có hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập.      

 “ Luận cứ khoa học của việc CDCCKT theo hướng công nghiệp hoá nền kinh tế quốc dân” của tác giả Ngô Đình Giao (chủ biên) (1994) là một đề tài cấp Nhà nước (KX0305) với sự tham gia đông đảo của nhiều học giả. Đề tài này đề cập đến những quan niệm về công nghiệp hoá, cơ sở khoa học của việc thực hiện công nghiệp hoá, một số mô hình công nghiệp hoá, kinh nghiệm công nghiệp hoá ở một số nước, thực trạng công nghiệp hoá ở Việt Nam. Tài liệu này cũng đã nêu ra cơ sở lý luận và thực tiễn của chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quan điểm và phương hướng xây dựng cơ cấu kinh tế có hiệu quả ở Việt Nam, đánh giá thực trạng cơ cấu kinh tế ở nước ta trong thời gian trước năm 1994, nghiên cứu phương hướng và biện pháp CDCCKT theo hướng công nghiệp hoá ở Việt Nam, nghiên cứu về chuyển dịch cơ cấu theo lãnh thổ và những biện pháp bảo đảm cho việc thực hiện CDCCKT thành công, đồng thời nghiên cứu thực tiễn ở một số địa phương. Tuy nhiên, đề tài này đề cập còn mờ nhạt vai trò của FDI đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, điều này cũng có nguyên nhân lịch sử của nó, vì khi đề tài ra đời, đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam được năm năm, và mới bắt đầu có tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Mặt khác, tuy nghiên cứu điều kiện thực tiễn ở một số địa phương của Việt Nam, nhưng tỉnh Thái Nguyên lại chưa được xem xét và nghiên cứu đến trong đề tài này.         

            "Đầu tư trực tiếp nước ngoài và ảnh hưởng của nó đến CDCCKT ngành theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Hải Phòng" của tác giả Đào Văn Hiệp (Luận án tiến sỹ kinh tế, 2005) đã phân tích và đề cập đến đầu tư nước ngoài và CDCCKT ngành ở Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá thực trạng đầu tư nước ngoài và tác động của FDI đến CDCCKT ngành ở Hải Phòng theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phương hướng và giải pháp thu hút, sử dụng đầu tư nước ngoài thúc đẩy CDCCKT ngành theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Hải Phòng. Tuy nhiên, đề tài này chưa đề cập đến FDI với chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu vùng kinh tế trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, mô hình ảnh hưởng, tác động và mối quan hệ giữa FDI với cân đối cơ cấu ngành, thành phần và vùng kinh tế của Việt Nam trong đó có tỉnh Thái Nguyên.

Cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài theo ngành kinh tế ở Việt Nam” của tác giả Tống Quốc Đạt (Luận án tiến sỹ kinh tế, 2005) đã làm rõ vấn đề lý luận cơ bản về FDI và cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài theo ngành kinh tế; hệ thống những thay đổi về cơ chế, chính sách của Việt Nam trong thời kì từ khi ban hành luật đầu tư trực tiếp nước ngoài (1987) đến nay nhằm thu hút FDI theo ngành kinh tế; đánh giá thực trạng hoạt động FDI theo ngành kinh tế của Việt Nam đến năm 2005. Trên cơ sở đó, luận án đã đưa ra một số quan điểm, định hướng về việc thu hút FDI hướng tới việc điều chỉnh cơ cấu ngành kinh tế thông qua việc khẳng định vai trò của FDI với tư cách là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân và những giải pháp chủ yếu định hướng thu hút FDI theo ngành kinh tế để chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế phù hợp với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam thời gian tới. Luận án này chưa đề nhiều đến FDI với chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu vùng kinh tế trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, luận án nghiên cứu ở thời điểm khi chưa thống nhất chung một luật đầu tư cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, đặc biệt phạm vi nghiên cứu của đề tài ở tầm cả nước mà chưa xem xét cụ thể theo điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện thu hút FDI hướng vào CDCCKT ở một tỉnh như Thái Nguyên.    

Đầu tư trực tiếp nước ngoài với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện địa hoá ở Việt Nam giai đoạn 1988-2005” của tác giả Đỗ Thị Thuỷ (Luận án tiến sỹ kinh tế, 2001) đã phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến FDI vào Việt Nam, nhất là giai đoạn 1997-2000 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế trong khu vực làm giảm sút FDI vào Việt Nam giai đoạn này. Trên cơ sở đánh giá và phân tích các nguyên nhân, tác giả đã đưa ra các giải pháp nhằm thu hút FDI vào Việt Nam nói chung đến năm 2005 phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Luận án chưa đề cập đến thu hút FDI nhằm CDCCKT tại Việt Nam nói chung và cụ thể ở một tỉnh như Thái Nguyên nói riêng.

CDCCKT trong điều kiện hội nhập với khu vực và thế giới” của GS.TSKH. Lê Du Phong và PGS.TS. Nguyễn Thành Độ (1999) đề cập tới luận cứ khoa học của CDCCKT theo hướng hội nhập, thực trạng chuyển dịch cơ cấu theo ngành kinh tế nước ta những năm 1991-1997, thực trạng CDCCKT một số vùng, phương hướng và giải pháp CDCCKT nước ta theo hướng hội nhập với nền kinh tế khu vực và trên thế giới. Trong tài liệu này, vai trò của FDI với CDCCKT nói chung không được đề cập nhiều, đặc biệt là chưa đề cập và được áp dụng đối với một tỉnh như Thái Nguyên.

Chính sách công nghiệp và thương mại của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập” là công trình nghiên cứu chung của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật bản và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2004). Tài liệu này trình bày về hợp tác kinh tế và nghiên cứu công nghệ và thương mại của Việt Nam, trong đó có quan điểm thu hút FDI là một chiến lược công nghiệp hoá. Tài liệu này cũng đề cập đến những khó khăn của Nhật Bản trong quá trình toàn cầu hoá, đồng thời, nêu lên thực trạng và những vấn đề cần phải giải quyết trong việc hợp tác kinh tế của Nhật Bản với Việt Nam. Đặc biệt, đây là cuốn sách nghiên cứu về chính sách đối với một số ngành công nghiệp và thương mại cụ thể theo quan điểm riêng của từng chuyên gia Nhật Bản và các chuyên gia Việt Nam. Các chuyên gia Nhật bản nêu bật vai trò quan trọng của chính sách trong thu hút FDI trong thời đại hiện nay chứ không phải là những ưu đãi nào đó. Trong tài liệu này, một số chuyên gia Việt Nam đã nói về thu hút FDI vào Việt Nam theo góc độ phân chia các doanh nghiệp FDI thành hai khu vực thay thế nhập khẩu và định hướng xuất khẩu. Trong toàn bộ cuốn tài liệu này, vấn đề FDI với CDCCKTngành kinh tế đòi hỏi phải có những nghiên cứu sâu hơn để các chính sách trở nên toàn diện, nhất quán, đáp ứng được tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.        

Công trình nghiên cứu tiếp theo là công trình của Lê Xuân Bá và Nguyễn Thị Tuệ Anh (2006) về  “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”. Công trình này đã sử dụng mô hình kinh tế lượng để đánh giá tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến một số ngành kinh tế được lựa chọn ở Việt Nam và đã phát hiện ra một số vấn đề cụ thể khá quan trọng về tác động tràn của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đề tài đã đưa ra kiến nghị quan trọng là tạo cơ hội cho việc xuất hiện tác động tràn và tăng khả năng hấp thụ của các tác động tràn tích cực của FDI đối với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, những vấn đề  về vai trò và tác động của FDI đến CDCCKTchưa được nghiên cứu sâu, đầy đủ và có tính hệ thống.

Mấy vấn đề về CDCCKT ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Quang Thái (2004) nêu quan niệm của tác giả về sự phát triển biện chứng trong tư duy kinh tế về CDCCKTvới mười quan điểm và đánh giá chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế và vùng kinh tế thời kì đổi mới, nêu ra một số vấn đề lí luận và thực tiễn đòi hỏi tập trung sức nghiên cứu. Tác giả đã chỉ ra sự dịch chuyển cơ cấu đối với ngành kinh tế, và đánh giá rằng tốc độ dịch chuyển của cơ cấu kinh tế Việt Nam mười tám năm đã qua, nhanh hơn tốc độ dịch chuyển cơ cấu kinh tế của Đài Loan và Hàn Quốc trong thời kì đầu công nghiệp hoá vào những năm sáu mươi và bẩy mươi của thế kỉ hai mươi. Trong đề tài này, không thấy tác giả đề cập đến vai trò của FDI đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đầu tư nước ngoài của Nhật Bản và sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau ở Châu Á” của Shojiro Tokunaga (chủ biên) (1996) đề cập đến FDI của Nhật Bản ở Châu Á với các hệ thống sản xuất, mậu dịch và tài chính. Cuốn tài liệu này đề cập đến quan điểm của các học giả Nhật Bản về hệ thống thúc đẩy FDI của Nhật Bản và các mạng lưới nội bộ Châu Á, cơ cấu thương mại và công nghiệp của nền kinh tế mới cong nghiệp hoá Châu Á, vai trò của đầu tư nước ngoài của Nhật Bản với việc hình thành mạng lưới ở khu vực Châu Á, chuyển giao công nghệ, sự phân công tri thức, đầu tư trực tiếp phi tiền tệ và sự phát triển các thị trường tài chính Châu Á và các điển cứu về các trường hợp Châu Á. Cuốn tài liệu này cho thấy về FDI của Nhật Bản hoạt động ở Châu Á như thế nào, từ các vấn đề kĩ thuật, mối liên hệ với Nhật Bản và hình thành nên một mạng lưới ra sao. Tài liệu đề cập tới các công ty của Nhật Bản tổ chức các hoạt động FDI có hiệu quả như thế nào. Tuy nhiên, FDI với CDCCKT của một nước và của một địa phương không được đề cập đến.

Nếu như những năm 40 ở nước Mỹ có 50 ngành nghề thì đến những năm cuối thế kỉ 20 có gần 1000 ngành nghề. Đặc trưng của thời đại hiện nay là xuất hiện những ngành nghề mới, mà những ngành nghề này phát triển đầu tiên ở các nước kinh tế phát triển. Việt nam là một trong số các nước đang phát triển, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì nhu cầu thu hút FDI đối với các ngành nghề mới nhằm dịch chuyển cơ cấu kinh tế hợp lý là rất cần thiết. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên cũng không thể nằm ngoài xu thế này.

            Là nguồn vốn từ bên ngoài rất quan trọng, FDI đã có những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Đã có rất nhiều nghiên cứu về FDI như ở trên, chính vì vậy FDI có vai trò cực kì quan trọng đối với CDCCKT của Việt Nam và của các địa phương, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Từ đó, việc nghiên cứu về FDI với CDCCKT của tỉnh Thái Nguyên trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay là rất cần thiết. Qua nghiên cứu này cũng có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu ở nhiều Tỉnh và địa phương khác và cả nước.

            Nội dung của các lĩnh vực nghiên cứu mà các tài liệu đã đề cập còn gây rất nhiều tranh luận, vì tiến trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đang tác động sâu rộng tới toàn thể nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới làm cho nhiều vấn đề phải nhìn nhận khác đi. Các công trình này đều xuất phát từ tính chủ động của nước sở tại việc định hướng tác động đến cơ cấu kinh tế, trong khi yếu tố động nhất của nền kinh tế là FDI mà nước sở tại không thể chủ động được. Cho đến nay, chưa có một công trình nào nghiên cứu đầy đủ và hệ thống vấn đề FDI với CDCCKTcủa một tỉnh như tỉnh Thái Nguyên góp phần đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm dịch chuyển cơ cấu kinh tế Thái Nguyên theo một cơ cấu hợp lí trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Tính cấp thiết

Cơ cấu kinh tế của Thái nguyên hiện tại vẫn chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu đề ra. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành công nghiệp, dịch vụ còn chậm. Trong cơ cấu nhóm ngành công nghiệp cần nâng cao tỷ trọng của các lĩnh vực có công nghệ và kỹ thuật hiện đại, cơ cấu nội bộ ngành dịch vụ cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ đối với các dịch vụ chất lượng cao. Có thể nói, thiếu một đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thái Nguyên diễn ra nhanh chóng hơn nữa, đặc biệt là việc Thái Nguyên cần có một cơ cấu kinh tế phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế. Do vậy, trong thời gian tới Thái Nguyên cần tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Để đạt được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm đạt được cơ cấu kinh tế hợp lí như ở trên thì Thái Nguyên vẫn còn gặp phải nhiều nhiều bất cập do rất nhiều lí do, nhưng phần lớn là do thiếu vốn, đặc biệt là vốn FDI. Để có thể tận dụng tối đa thế mạnh và tiềm năng góp phần phát triển kinh tế của tỉnh thì vốn FDI đóng vai trò quyết định. Do vậy, đề tài “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế” được lựa chọn làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2007. Bởi vì, đề tài này có ý nghĩa quan trọng và có tính thực tiễn cao đối với tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đề tài góp phần đưa ra những khuyến nghị, giải pháp hữu hiệu đối với việc thu hút FDI nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên có hiệu quả trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Mục tiêu

        Đề tài làm rõ vấn đề lí luận về FDI, cơ cấu kinh tế và CDCCKT (cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu kinh tế vùng và cơ cấu thành phần kinh tế) nhưng sẽ tập trung chủ yếu vào nghiên cứu và làm rõ cơ cấu kinh tế ngành và cơ cấu thành phần kinh tế (chú trọng đến thành phần kinh tế có yếu tố nước ngoài). Đánh giá thực trạng thu hút FDI vào Thái Nguyên, cũng như thực trạng CDCCKT của Thái Nguyên trong những năm qua. Từ đó, rút ra những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân để làm cơ sở cho giải pháp và khuyến nghị.    

            Đề tài đưa ra các quan điểm và các giải pháp có khả năng thực thi hữu hiệu, để tăng cường thu hút FDI góp phần CDCCKT của Thái Nguyên theo hướng phù hợp trong những năm tới.

            Đề tài được hoàn thành làm cơ sở để áp dụng có hiệu quả cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái nguyên, nâng cao đời sống cho nhân dân trong tỉnh, thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH theo hướng mở rộng hợp tác với nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, đề tài có thể làm tài liệu tham khảo phục vụ hữu hiệu cho quá trình nghiên cứu các vấn đề, các chương trình và dự án của giảng viên, học viên…về nội dung có liên quan của đề tài. Mặt khác, có thể mở rộng áp dụng cho các tỉnh khác trong cả nước.

            Đề tài cũng có thể làm tài liệu quan trọng phục vụ cho việc hoàn thành luận án NCS Tiến sĩ của chủ nhiệm đề tài.

Nội dung

Ngoài phần mở đầu, kết luận và phần mục lục, đề tài được kết cấu gồm có ba chương như sau:

            CHƯƠNG I: NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ FDI, CƠ CẤU KINH TẾ VÀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ

            CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG THU HÚT FDI VÀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ Ở TỈNH THÁI NGUYÊN TỪ NĂM 1993 ĐẾN 2007

            CHƯƠNG III: HỆ THỐNG CÁC GIẢI PHÁP THU HÚT FDI NHẰM CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ CỦA THÁI NGUYÊN ĐẾN 2020

Tải file Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế tại đây

PP nghiên cứu

Sử dụng các phương pháp thống kê, phương pháp định lượng và định tính, sử dụng các số liệu điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu từ ý kiến của các chuyên gia và các đối tượng có liên quan, biện chứng kinh tế; các phương pháp mô hình hoá xử lí thống kê. Sử dụng các công cụ của mô hình toán kinh tế, các phương pháp dự báo kinh tế, ứng dụng các phần mềm và các công cụ của máy tính để xử lí dữ liệu và các công cụ tìm kiếm thông tin như là mạng Internet, các tài liệu tại các diễn đàn... Từ đó, rút ra các kết luận cho các vấn đề cần nghiên cứu.

Hiệu quả KTXH

Hệ thống hoá và phát triển những vấn đề lý luận và thực tiễn FDI, cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vai trò, tác động của FDI đến CDCCKT thông qua một số lý thuyết cơ bản về FDI và các mô hình động thái FDI với cơ cấu kinh tế.

Đánh giá thực trạng FDI, cơ cấu kinh tế và CDCCKT của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 1993 đến 2007, chỉ ra những thành công, hạn chế và nguyên nhân. Lượng hoá các chỉ tiêu liên quan, sử dụng hoá để xác định mối quan hệ và tìm ra quy luật tác động của FDI đến chuyển cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên.

Đề xuất một hệ thống các quan điểm, định hướng và giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh việc thu hút FDI vào Thái Nguyên nhằm CDCCKT hợp lí đến năm 2015 và 2020.

Đề tài hoàn thành sẽ trả lời được các câu hỏi sau:

  1. Những nhân tố nào ảnh hưởng đến thu hút FDI hướng vào CDCCKT của tỉnh Thái Nguyên?
  2. Những gì cần thiết để thu hút FDI vào tỉnh Thái Nguyên nhằm CDCCKT của tỉnh?
  3. Cơ cấu kinh tế như thế nào là phù hợp với tỉnh Thái Nguyên?
  4. Mối quan hệ giữa FDI với CDCCKT của Thái Nguyên như thế nào?
  5. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, việc thu hút FDI hướng vào CDCCKT ở Thái Nguyên có lợi thế và bất lợi thế gì so với các tỉnh và địa phương khác trong cả nước?
  6. Các nhân tố nào đưa đến sự chênh lệch dòng chảy FDI giữa Thái Nguyên với các địa phương khác ở Việt Nam do các yếu tố tác động tới FDI ở phạm vi chủ quan, khách quan hay không gian?
  7. Có những giải pháp hữu hiệu nào để đẩy mạnh thu hút FDI nhằm CDCCKT của Thái Nguyên trong giai đoạn tới?

ĐV sử dụng

- Tỉnh Thái Nguyên và các đian Phương có quan tâm;

- Các Nhà nghiên cứu theo hướng đề tài có liên quan;

- Trường ĐH Kinh tế và QTKD: Làm tài liệu tham khảo tốt cho CBGD và sinh viên, học viên, NCS.

STT Tên đơn vị Người đại diện
STT Tên người tham gia

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*