Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Đánh giá tổng hợp tiềm năng và đề xuất định hướng phát triển du lịch bền vững hai huyện đảo Vân Đồn- Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.
Cơ quan chủ trì Đại học Thái Nguyên
Cơ quan thực hiện Đại học Khoa học
Loại đề tài Đề tài cấp đại học
Lĩnh vực nghiên cứu Địa lý
Chủ nhiệm(*) Phạm Thị Hồng Nhung
Ngày bắt đầu 01/2011
Ngày kết thúc 12/2012

Tổng quan

Tổng quan tình hình nghiên cứu đánh giá tổng hợp và du lịch bền vững trên thế giới

Đánh giá tổng hợp tức là hướng nghiên cứu địa lý tổng hợp mà thực chất là nghiên cứu cảnh quan phục vụ khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên (TNTN). Việc nghiên cứu sử dụng lãnh thổ trên quan điểm tổng hợp được tiến hành từ cuối thế kỷ XIX. Mở đầu cho hướng nghiên cứu này là các công trình nghiên cứu của Đocutsaev - người đầu tiên thực hiện nguyên tắc tổng hợp trong nghiên cứu các điều kiện tự nhiên của các địa phương cụ thể.

Sau Đocutsaev, rất nhiều những công trình nghiên cứu về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường dựa trên quan điểm tổng hợp của các nhà địa lý Xô Viết như S.V. Kalexnik, A.A. Grigôriev, N.A Xontxev, V.N. Xukatxev, B.B. Polưnôv, V.I. Prokaev, V.X. Preobrajenxki, và A.G. Ixatsenko, đã hoàn thiện lý luận và thực tiễn nghiên cứu tổng hợp cho mục đích phát triển nền kinh tế quốc dân.

Trong thời gian này cũng có nhiều công trình nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên trên quan điểm tổng hợp của các tác giả thuộc các quốc gia khác như: A. Ghebecxơn (Anh); S. Passarge, E. Neef, A. Pen (Đức); J. Kônđracki (Ba Lan); R. Khactơxo, D. Uittơlxli (Mỹ); v.v... đã đem lại những giá trị to lớn cả về lý luận và khả năng ứng dụng thực tiễn.

 Đến nay khoa học về đánh giá tổng hợp đang dần hoàn thiện về phương pháp và lý luận song vẫn rất có giá trị với thực tiễn phát triển của các quốc gia.

10.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đánh giá tổng hợp và du lịch bền vững trong nước

a, Các nghiên cứu về đánh giá tổng hợp và phát triển du lịch bền vững

* Nghiên cứu về đánh giá tổng hợp

Tại Việt Nam, nghiên cứu tài nguyên phục vụ phát triển KT-XH theo hướng tiếp cận cảnh quan xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX. Tiếp cận tổng hợp đã được áp dụng cả về lý thuyết lẫn thực tiễn nghiên cứu địa lý trong các công trình nghiên cứu của GS. Vũ Tự Lập, GS. Lê Bá Thảo, TSKH Phạm Hoàng Hải…

Nghiên cứu cảnh quan hay nghiên cứu địa lý tổng hợp được áp dụng trong nhiều lĩnh vực của thực tiễn bởi các nhà khoa học như: Nghiên cứu, đánh giá các hệ sinh thái (Phạm Quang Anh và nnk, 1985; Nguyễn Cao Huần, 2005; Phạm Hoàng Hải, 1997...); Nghiên cứu xây dựng bản đồ (Nguyễn Thành Long và nnk, 1992; Nguyễn Thơ Các, 1999); Nghiên cứu lập qui hoạch phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường (Nguyễn Cao Huần và nnk, 2003, 2004, 2005; Nguyễn Văn Vinh, 1996; Phạm Quang Tuấn, 2004…)…

Những công trình trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với đề tài về mặt lý luận, là cơ sở để thực hiện đánh giá tổng hợp tiềm năng phát triển du lịch theo hướng bền vững với lãnh thổ lựa chọn.

* Nghiên cứu phát triển du lịch bền vững

Du lịch bền vững là khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên thông qua bài học kinh nghiệm thực tế về phát triển du lịch ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới thì du lịch bền vững được nhận thức là đứng phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường, với cộng đồng, có tác dụng nâng cao nhận thức, giáo dục người dân.

Lý thuyết về du lịch bền vững đã được nghiên cứu bởi các chuyên gia đầu ngành, tiêu biểu là cuốn giáo trình: "Du lịch bền vững” của TS. Nguyễn Đình Hòe đã trình bày cụ thể về khái niệm, các nguyên tắc và định hướng phát triển du lịch vì mục tiêu bền vững, đặc biệt có đưa ra phân tích ví dụ về phát triển du lịch ở một số nơi trên thế giới.

Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch cũng thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về phát triển du lịch bề vững mà tiêu biểu là công trình: “Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững Việt Nam”, hay đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo vệ môi trường du lịch với sự tham gia của cộng đồng góp phần phát triển du lịch bền vững trên đảo Cát Bà- Hải Phòng” do PGS.TS. Phạm Trung Lương làm chủ nhiệm. Qua các đề tài đã hệ thống hóa cơ sở lý thuyết và thực tiễn, xây dựng các mô hình và giải pháp phát triển du lịch bền vững chung cho Việt Nam cũng như từng trung tâm du lịch.

Đối với lãnh thổ là các đảo và huyện đảo có đề tài: “Cơ sở khoa học tổ chức kiến trúc cảnh quan các đảo du lịch ven bờ Đông Bắc trên quan điểm phát triển bền vững” do TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh thực hiện. Đề tài đã đề xuất những nguyên tắc và giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan làm tiền đề cho việc hoạch định chính sách khai thác, quản lý cảnh quan trong khu vực các đảo ven bờ Đông Bắc.

Như vậy, đã có không ít các đề tài và công trình nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững cả về lý thuyết và thực tiễn, song chưa có công trình nào đứng trên quan điểm tổng hợp của địa lý học để đánh giá tổng thể tiềm năng cũng như đưa ra các định hướng, giải pháp phát triển du lịch bền vững với lãnh thổ là các huyện đảo.

b, Tổng quan tình hình nghiên cứu về hai huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô

Đã có một số công trình nghiên cứu về hai huyện đảo theo các hướng khác nhau. Trước hết, là các nghiên cứu về các thành phần tự nhiên như nghiên cứu về địa chất của Dovjicov- Jamoida (1961), Patte (1972), Trần Văn Trị- Nguyễn Đình Uy (1972), Phạm Thế Hiện- Trần Huy Mạc (1972); hay các nghiên cứu về điều kiện tự nhiên và tài nguyên vùng biển Vân Đồn, Cô Tô nằm trong các nghiên cứu chung của vùng biển đảo Việt Nam như: “Điều tra thống kê nguồn gien và nguồn lợi rạn san hô vùng biển Quảng Ninh- Hải Phòng” (1991), dự án Việt Nam.00.01- WWF “Viet Nam Marine conservation” (1993- 1995), nghiên cứu khảo sát với đề tài: “Hiện trạng đa dạng sinh học và tiềm năng bảo tồn các đảo Cát Bà, Cô Tô, Cù Lao Chàm, Hòn Mun, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc”…

Đặc biệt trong những năm gần đây đã có một số đề tài nghiên cứu theo hướng tổng hợp nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho các mục đích phát triển KT-XH như: “Đánh giá tổng hợp tiềm năng tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế- xã hội cho mục đích di dân, bảo đảm an ninh quốc phòng đảo Thanh Lam và đảo Trần- huyện Cô Tô” (Đề tài KT.02.12 của GS. Lê Đức An); “Xây dựng mô hình kinh tế sinh thái cho đảo Ngọc Vừng, xã đảo Ngọc Vừng- huyện Vân Đồn” (Đề tài KT.09.12 của GS. Lê Đức Tố); hay đề tài của PGS.TS. Nguyễn Quang Mỹ, 1999: “Xây dựng quy hoạch tổng thể cho phát triển kinh tế- xã hội huyện đảo Cô Tô đến năm 2010”; đề tài của Viện Kinh tế Thủy sản: “Nghiên cứu và qui hoạch tổng thể cho phát triển nuôi trồng thủy hải sản ở Cô Tô đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” năm 2003…Đặc biệt trong chuyên đề Cô Tô thuộc đề tài cấp Nhà nước: “Đánh giá tổng hợp tiềm năng tự nhiên, kinh tế- xã hội; thiết lập cơ sở khoa học và các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội cho một số huyện đảo” (KC-09-20) do TSKH. Phạm Hoàng Hải làm chủ nhiệm đã nghiên cứu làm rõ tiềm năng tự nhiên, KT-XH và từ đó đề xuất các giải pháp, mô hình phát triển KT-XH cho huyện đảo.

Tóm lại, cho đến thời điểm hiện nay công trình chưa tập trung nghiên cứu, đánh giá cụ thể, tổng hợp tiềm năng cho phát triển du lịch, nhất là du lịch bền vững cho cả hai huyện đảo. Nội dung của đề tài vẫn là vấn đề mới mẻ và có tính thời sự.

Tính cấp thiết

Phát triển du lịch là xu thế chung của toàn thế giới hiện nay bởi hiệu quả to lớn của “ngành công nghiệp không khói”. Phát triển du lịch biển đảo là một hướng quan trọng có tính động lực bởi “thế kỷ 21 là thế kỷ tiến ra biển”. Đối với Việt Nam, phát triển tổng hợp kinh tế biển, không tách rời với các đảo và huyện đảo bởi nó là bàn đạp của chiến lược, là cầu nối giữa đất liền và ngoài khơi, là tiền đồn vững chắc bảo vệ độc lập, chủ quyền và an ninh chính trị của đất nước. Chính vì vậy, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng để phát triển ngành du lịch trên thế giới và Việt Nam đều hết sức cần thiết. Đặc biệt, hiện nay khi phát triển bền vững là mục tiêu chung của nhân loại thì việc đánh giá đầy đủ tiềm năng giống như “kim chỉ nam” cho sự phát triển.

Vân Đồn và Cô Tô là hai huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh với vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Trong đó, Vân Đồn là huyện đảo tuyến trong được xác định là một trong những huyện đảo trọng điểm trong “chiến lược phát triển biển Việt Nam”, còn Cô Tô là huyện đảo tiền tiêu- biên giới. Hai huyện đảo có mối quan hệ mật thiết với nhau trong lịch sử phát triển của tự nhiên cũng như sự phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) hiện nay. Hai huyện đảo thông thương với nhau bằng đường biển, song lại thông thương với đất liền bằng cầu nối Vân Đồn với Cửa Ông (Cẩm Phả). Vì thế, sự phát triển của Vân Đồn sẽ là hạt nhân, thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của Cô Tô. Còn Cô Tô là cầu nối cho Vân Đồn giao lưu với các nước khác qua đường hàng hải quốc tế.

Mặt khác, hai huyện đảo Vân Đồn và Cô Tô còn hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế với điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên phong phú như nguồn lợi hải sản, tài nguyên du lịch, vận tải biển… đặc biệt là tiềm năng du lịch sinh thái biển đảo. Nhiều hòn đảo của hai huyện đảo được coi như những “viên ngọc sáng” của vịnh Bắc Bộ có thể phát triển đầy đủ các loại hình du lịch biển hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển KT-XH của Vân Đồn, Cô Tô vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế hiện có. Du lịch mới bắt đầu phát triển, Cô Tô du lịch gần như chưa “khởi động”. Vì thế, hai huyện đảo còn thiếu những nghiên cứu cụ thể, tổng hợp về điều kiện, tiềm năng phát triển cũng như xây dựng định hướng phát triển của ngành. Do đó, trong giai đoạn đầu này rất cần đánh giá đầy đủ, cụ thể tiềm năng và hạn chế của ngành du lịch ở hai huyện đảo để có thể xây dựng chiến lược, qui hoạch phát triển mang tính bền vững tránh tình trạng bất cập như một số trung tâm du lịch khác hiện nay. Trong đó, việc đánh giá và xây dựng định hướng phát triển cần thiết lập sự liên kết giữa hai huyện đảo để có thể trở thành một tuyến du lịch biển- đảo động lực của tỉnh Quảng Ninh. Để giải quyết vấn đề thực tiễn này chỉ có thể sử dụng phương pháp tiếp cận địa lý tổng hợp mới xây dựng cơ sở khoa học tin cậy để khơi dậy và phát huy tiềm năng phát triển du lịch cho huyện đảo Vân Đồn, huyện đảo Cô Tô đảm bảo mục tiêu bền vững.

Chính vì thế, nội dung của đề tài “Đánh giá tổng hợp tiềm năng và đề xuất định hướng phát triển du lịch bền vững hai huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh” là vấn đề có tính khoa học, tính thực tiễn cũng như tính khả thi cao khi triển khai nghiên cứu.

Mục tiêu

- Nghiên cứu, đánh giá tổng hợp tiềm năng tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, KT-XH và các vấn đề môi trường phục vụ phát triển du lịch bền vững.

  - Xây dựng các định hướng phát triển, tổ chức không gian và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững .

  - Nâng cao năng lực nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài.

Nội dung

Nội dung 1: Làm rõ cơ sở lý luận về du lịch bền vững và đánh giá tổng hợp.

Nội dung 2: Phân tích các tài nguyên (tự nhiên, nhân văn), các điều kiện KT-XH và hiện trạng phát triển du lịch hai huyện đảo.

Nội dung 3: Đánh giá tổng hợp tiềm năng tự nhiên, KT-XH phục vụ phát triển du lịch và đề xuất định hướng phát triển du lịch bền vững.


Tải file Đánh giá tổng hợp tiềm năng và đề xuất định hướng phát triển du lịch bền vững hai huyện đảo Vân Đồn- Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. tại đây

PP nghiên cứu

- Phương pháp đánh giá bằng thang điểm tổng hợp có trọng số.

- Phương pháp tổng hợp/ phân tích

- Phương pháp thu thập, thống kê và xử lí số liệu.

- Phương pháp bản đồ và GIS.

- Phương pháp điều tra xã hội học.

- Phương pháp chuyên gia.

- Phương pháp khảo sát thực địa.

- Phương pháp phân tích chi phí- lợi ích.

- Phương pháp đánh giá tính bền vững môi trường.

- Phương pháp đánh giá tác động môi trường

Hiệu quả KTXH

Hai huyện đảo còn ít các nghiên cứu, nhất là nghiên cứu đánh giá đầy đủ, đồng bộ về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, nhất là cho ngành du lịch, trong đó Cô Tô còn đang trong quá trình xây dựng qui hoạch du lịch. Ngành du lịch của hai huyện đảo lại đang trong giai đoạn mới phát triển. Vì thế, kết quả của đề tài là tài liệu quý giá đối với địa phương khi tham khảo xây dựng định hướng và qui hoạch phát triển du lịch một cách bền vững.

ĐV sử dụng

- Sở VHTT& Du lịch tỉnh Quảng Ninh

- UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh

- UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh

STT Tên đơn vị Người đại diện
1 Viện Địa lí - Viện KH & CN Việt Nam PGS.TSKH Phạm Hoàng Hải
2 Khoa Địa lý- Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên PGS.TS Nguyễn Thị Hồng
STT Tên người tham gia
1 PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng
2 Th.S Dương Kim Giao
3 ThS Phan Phạm Chi Mai

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*