Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn sinh kế của hộ nông dân ở tỉnh Bắc Kạn
Cơ quan chủ trì Đại học Kinh tế và QTKD
Cơ quan thực hiện Đại học Kinh tế và QTKD
Loại đề tài Đề tài cấp đại học
Lĩnh vực nghiên cứu Kinh tế học
Chủ nhiệm(*) Nguyễn Văn Công
Ngày bắt đầu 01/2015
Ngày kết thúc 12/2016

Tổng quan

1. Ngoài nước (phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài trên thế giới, liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu có liên quan đến đề tài được trích dẫn khi đánh giá tổng quan)

Việc phát triển kinh tế hộ nói chung và kinh tế hộ nông dân nói riêng ở các nước đang phát triển, hướng tới xóa đói giảm nghèo bền vững, là chủ đề lớn và nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả quốc tế trong vài thập kỷ gần đây. Khảo sát các công trình nghiên cứu xung quanh vấn đề này, chúng tôi thấy nổi lên một số chủ đề lớn đáng lưu ý sau đây.

* Các nghiên cứu dưới góc độ thu nhập của kinh tế hộ 

- Trong các nghiên cứu về kinh tế hộ của Cervantes-Godoy and Brooks (2008); Ironmonger; Duncan (2000); World Bank (2003,2007), đã cho thấy kinh tế hộ có nguồn thu nhập rất đa dạng, bao gồm cả sản xuất nông nghiệp, phi nông và di cư. Việc tập trung phát triển kinh tế hộ mang lại nhiều lợi ích do hộ là đơn vị kinh tế nhỏ, năng động, có khả năng ứng phó nhanh với những cú sốc thị trường; trợ giúp kinh tế hộ cũng dễ đảm bảo tính công bằng hơn. Ngoài ra, đối với cấp hộ cũng dễ áp dụng nông nghiệp xanh, hạn chế việc sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu trên diện rộng, hạn chế quá trình hoang mạc hóa,…

* Các nghiên cứu xung quanh vấn đề về nguồn lực (sinh kế) của kinh tế hộ

- Việc phát triển kinh tế hộ ở các nước đang phát triển gặp phải rất nhiều lực cản. Năng suất lao động thấp, thu nhập thấp đó là một phần nguyên nhân của nghèo đói nếu không được khắc phục.

- Trong các nghiên cứu của Anríquez and Bonomi (2007); World Bank (2003); Reardon et al 1998; Hall and Patrinos (2006); Carter and Barrett (2006); Christiaensen and Subbarao (2005); Dercon (2004); Vollrath (2007); Zezza et al. (2007); Jayne et al. (2006); Fafchamps and Pender (1997), Jalan and Ravallion (2002); Chambers, R. and G. R. Conway (1992); Diana Carney. (1998); Frank Ellis. (2000); Bent D. Jorgensen. (2006);Cho thấy hầu hết các hộ nông nghiệp đều thiếu nguồn lực, đặc biệt là đất đai, thiếu vốn cần thiết để mở rộng sản xuất hay chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chất lượng lao động kém, mật độ dân số và tỷ suất sinh cao, gặp nhiều rủi ro về cả thiên tai và thị trường. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng phải đối diện với nhiều rủi ro về cả thiên tai và thị trường (do biến động giá và độ co dãn của cầu theo thu nhập thấp đối với nông sản) làm cho hộ nông nghiệp và trang trại mất nhiều thời gian để phục hồi khi gặp các cú sốc. Vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ công, trong sở hữu nguồn lực đối với hộ gia đình, nhất là nhóm người dân tộc thiểu số ở các nước đang phát triển mang tính phổ biến. Những khuyết tật của thị trường ở các nước đang phát triển, đặc biệt vùng nông thôn cũng thường rất trầm trọng, nó tạo ra chi phí giao dịch cao, cạnh tranh không hoàn hảo, nhưng việc khắc phục các khuyết tật này - vai trò của nhà nước - lại thường được tiến hành không tốt, đây cũng là khó khăn của các hộ nông dân trong quá trình phát triển kinh tế.

* Các nghiên cứu xung quanh vấn đề đói nghèo và thoát nghèo của hộ nông dân

- Khi nghiên cứu về vấn đề nghèo và thoát nghèo của ở hộ nông dân, các nghiên cứu của các tác giả và tổ chức như: De Weerdt (2006); IFAD (2009); Krishna et al. (2006); Olawepo (2010); Peters (2006); Barrett (2008); Minot et al. (2006); McCulloch, Weisbrod, and Timmer (2007); Foster and Rosenzweig (2004); Davis (2006); Beegle, De Weerdt, and Dercon (2006); Mansuri 2007; Knight and Song (2003); World Bank (2002, 2008); Frank Ellis and H. Ade Freeman. (2002); UNDP. (2004); P.R. Fourace; cho thấy ở nhiều nước đang phát triển, các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp thoát khỏi đói nghèo nhờ vào đa dạng hoá thu nhập như: đa dạng hóa sản xuất bằng cách canh tác đan xen, chuyển dịch sang cây công nghiệp cho nhu cầu nội địa và xuất khẩu, mở rộng chăn nuôi; một số tập trung chuyên môn hoá sản xuất và chuyển chủ yếu sang sản xuất hàng hóa; một số chuyển hẳn sang các hoạt động phi nông nghiệp như kinh doanh, làm dịch vụ hoặc đi làm thuê; một số hộ thì di cư một phần lao động của gia đình đến các vùng khác có mức lương và thu nhập cao hơn.

- Các nghiên cứu đều cho thấy tỷ lệ đói nghèo giảm có tương quan chặt chẽ với việc đa dạng hóa sản xuất hàng hóa và tham gia tích cực vào thị trường của nông hộ. Từ đó đa dạng hóa các nguồn thu nhập là phương kế hữu hiệu để chống lại rủi ro, linh hoạt trong sản xuất và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, trong đó thu nhập phi nông nghiệp vừa là lực kéo vừa là lực đẩy cho phát triển kinh tế hộ.

* Các nghiên cứu dưới góc độ chính sách phát triển kinh tế hộ nông dân

- Dưới góc độ nghiên cứu về chính sách để hỗ trợ cho kinh tế hộ và nông hộ có các tác giả, tổ chức điển hình như: Brooks (2010); Jones and Kwiecinski (2010); OECD; World Bank; Gloede and Rungruxsirivorn (2012); Sherraden (2004); Cervantes-Godoy and Brooks (2008); Haggblade, Hazell and Reardon (2010). Các tác giả đã đề cập tới (1) các chính sách trong ngắn hạn như: trợ cấp, trợ giá, theo từng sản phẩm, theo nhóm hộ hoặc theo các diễn biến của điều kiện tự nhiên, giảm thuế, kiểm soát giá cả, cung cấp tín dụng với nhiều hình thức và mức lãi suất đa dạng cho phát triển kinh tế hộ, song song với việc phát triển thị trường vốn; (2) các chính sách mang tính dài hạn như chính sách đầu tư vào vốn con người thông qua giáo dục, đào tạo, trợ giúp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và tạo điều kiện tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện tiếp cận thị trường, tạo liên kết xuôi và ngược, cung cấp thông tin và tạo việc làm nông thôn

- Các tác giả, tổ chức như: IFAD (2003); Brooks (2010); Cervantes-Godoy and Brooks (2008), cho rằng cần cải cách thể chế kinh tế như điều chỉnh chính sách đất đai và quyền sở hữu tài sản, tạo thuận lợi cho việc mua bán đất đai; mở rộng sản xuất và gây dựng thương hiệu; cải cách thị trường lao động để tạo thêm các cơ hội việc làm và tăng thu nhập là những chính sách giúp kinh tế hộ phát triển và thoát nghèo.

- Các chính sách, nhóm chính sách nêu trên có thể hướng cải thiện các điều kiện đầu vào hoặc đầu ra của sản xuất, cũng có thể nhằm vào việc nâng cấp toàn bộ các điều kiện sản xuất của hộ. Tuy nhiên, việc vận dụng và kết hợp chúng ra sao tùy thuộc vào các điều kiện của từng quốc gia, từng vùng, từng khu vực cũng như khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, để đề các xuất giải pháp, khuyến nghị chính sách để hộ nông dân tiếp cận tốt hơn những nguồn lực sinh kế ở địa phương để phát triển kinh tế hộ nông dân gắn với xóa đói, giảm nghèo bền vững cho một tỉnh cụ thể như tỉnh Bắc Kạn cần phải bổ sung thêm nhiều luận cứ khoa học mới để phản ánh được các đặc thù về không gian và thời gian

2. Trong nước (phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài ở Việt Nam, liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu có liên quan đến đề tài được trích dẫn khi đánh giá tổng quan)

- Việt nam là nước nông nghiệp, nên phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước, cũng là vấn đề được các nhà lý luận, các nhà kinh tế, các nhà làm chính sách và các tổ chức khác tập trung nghiên cứu. Kể từ khi đổi mới đến nay đã có nhiều nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân; cho đến gần đây nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước về kinh tế hộ nói chung và hộ nông dân nói riêng là hết sức phong phú. Từ nhiều góc độ tiếp cận, phương pháp và quy mô nghiên cứu, kinh tế hộ đã được nghiên cứu ở cấp độ địa phương và toàn quốc. Có thể dẫn một số tác giả có các công trình tiêu biểu điển hình như: Đỗ Hoài Nam (1993); Vũ Năng Dũng và cộng sự (1994); Vũ Tuấn Anh (1996, 1997, 2007); Đặng Thọ Xương (1997); Nguyễn Ngọc Tuân (1999); Chu Tiến Quang (2007);  Lê Xuân Đình (2008); Trần Hải (1993); Phan Sỹ Mẫn (1993); Trần Văn Dư (2002)…. Các công trình nghiên cứu của các tác giả đều thống nhất kinh tế hộ gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, nhất là trong nông nghiệp kinh tế hộ gia đình lại càng có ý nghĩa to lớn hơn, bởi vì nước ta bước vào nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường trên nền tảng gần 80% dân số đang sinh sống ở nông thôn.

* Các nghiên cứu dưới góc độ những khó khăn hạn chế của kinh tế hộ: Trong nghiên cứu của tác giả Lê Xuân Đình (2008) thì những khó khăn và thách thức lớn đối với nông dân nước ta nói chung và kinh tế hộ nói riêng trong tiến trình hội nhập ngày một sâu vào nền kinh tế thế giới, là chênh lệch lớn về năng suất lao động giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Hộ nông dân thường rất dễ bị tổn thương trước sự chi phối khắc nghiệt của quy luật thị trường.

* Nghiên cứu hướng phát triển của kinh tế hộ: Tác giả Nguyễn Ngọc Tuân (1999) cho rằng trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, phát triển kinh tế hộ vẫn là nền tảng của kinh tế nông thôn nhưng phát triển theo hướng phân công hóa, chuyên môn hóa, xã hội hóa và nhất thể hóa cao độ. Ông cho rằng bằng cách phân công hóa lao động kinh tế hộ theo cả chiều ngang và chiều dọc, phát triển kinh tế hộ sẽ là con đường hàng hóa hóa và hiện đại hóa nông nghiệp khả thi. 

- Một số tác giả như Công Văn Dị (1996); Nguyễn Thế Trường (2002); Trần Văn Dư (2002) đề xuất nhiều hướng phát triển khác cho kinh tế hộ như chuyển dịch cơ cấu sản xuất và mặt hàng, tạo khung thể chế chính sách để tăng cường hoạt động của kinh tế hộ, hay phát triển kinh tế hộ nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa dựa trên những điều kiện về kinh tế - văn hóa – xã hội tại địa phương

- Trong các nghiên cứu về kinh tế hộ và vấn đề xóa đói giảm nghèo, nhiều tác giả đã nêu một thực tế khó lý giải giữa tiềm năng phát triển nông nghiệp với hiện trạng nghèo đói và lạc hậu của một bộ phận không nhỏ nông hộ, trong đó đại bộ phận là đồng bào dân tộc. Như vậy câu hỏi được đặt ra là phải chăng việc tiếp cận và sử dụng các nguồn vốn sinh kế của hộ nông dân chưa hiệu quả? Một mặt ở khu vực miền núi nhiều vấn đề còn đang để ngỏ như: đặc trưng dân tộc của kinh tế hộ, tính chất đa dạng về trình độ phát triển, tương quan đất đai, đặc trưng trồng vườn rừng, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc,… Mặt khác, các nghiên cứu theo hướng tìm hiểu các nhân tố cản trở/hỗ trợ nguồn vốn sinh kế để phát triển kinh tế nông hộ ở vùng miền núi còn rất thiếu, đặt ra nhiều quan ngại về khía cạnh xã hội và môi trường trong phương hướng và giải pháp phát triển xã hội. Những nhận định trên, cùng với nhiều khoảng trống về nghiên cứu kinh tế hộ nông dân theo hướng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn sinh kế cho phát triển kinh tế bền vững, là gợi ý quan trọng để tiếp tục hướng nghiên cứu của đề tài này.

- Ngoài những nghiên cứu nêu trên, còn nhiều bài viết của các tác giả dưới nhiều cách tiếp cận khác nhau cũng đã nêu những vấn đề về lý luận và nội dung cơ bản của phát triển kinh tế hộ gia đình qua các giai đoạn, đã góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của phát triển kinh tế hộ nông dân ở Việt Nam. Nhưng chủ yếu các nghiên cứu về phát triển kinh tế hộ nông dân có phạm vi nghiên cứu trên địa bàn cả nước, rất ít các công trình nghiên cứu về phát triển kinh tế hộ nông dân đặt trong bối cảnh của một tỉnh. Mặt khác, mỗi tỉnh đều có những lợi thế, những khác biệt về địa lý, tự nhiên, kết cấu hạ tầng, dân tộc, đời sống văn hoá khác nhau, hơn nữa tại tỉnh Bắc Kạn cho đến hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào sâu và toàn diện về phát triển kinh tế hộ nông dân dưới góc độ xem xét việc sử dụng nguồn vốn sinh kế của hộ…. Vì vậy, tác giả đã kế thừa và chọn lọc những công trình đã nghiên cứu để thực hiện đề tài: Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn sinh kế của hộ nông dân ở tỉnh Bắc Kạn. Qua đó lý giải một cách đầy đủ có cơ sở lý luận và thực tiễn vấn đề lựa chọn các hoạt động sinh kế của hộ nông dân cũng như tìm hiểu các nhân tố hỗ trợ và cản trở hộ nông dân tiếp cận các nguồn vốn sinh kế để đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn ở phạm vi một tỉnh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu hiện nay. Từ đó giúp cho kinh tế hộ nông dân sử dụng có hiệu quả nguồn vốn sinh kế để phát triển kinh tế và giảm nghèo ở tỉnh Bắc Kạn trong tương lai một cách bền vững

Tính cấp thiết

Là quốc gia đang phát triển với hầu hết dân số sinh sống ở nông thôn, việc phát triển kinh tế hộ nông dân là giải pháp quan trọng để có thể xóa đói giảm nghèo, đảm bảo sinh kế bền vững ở nước ta. Trong quá trình đổi mới chuyển sang cơ chế thị trường ở nước ta, sinh kế bền vững đang là mối quan tâm đặt lên hàng đầu trong phát triển kinh tế hộ nông dân. Bởi nó là điều kiện cần thiết cho quá trình phát triển, nâng cao đời sống của con người.

Việc lựa chọn phương thức mưu sinh đối với các hộ nông dân khu vực đồng bằng đã khó, đối với hộ nông dân ở khu vực miền núi càng khó khăn hơn. Do đó, vấn đề đảm bảo nguồn sinh kế lâu dài cho hộ nông dân miền núi luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Đây là việc làm gắn liền với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của các vùng dân tộc thiểu số trên đất nước ta. Chỉ có trên cơ sở đó mới khắc phục được tính tự cấp, tự túc, thúc đẩy trao đổi hàng hóa và phân công lao động xã hội, hình thành, mở rộng và hoàn thiện các loại thị trường, nâng cao mức sống cũng như chất lượng sống của dân cư nông thôn các tỉnh miền núi

Tỉnh Bắc Kạn là một tỉnh miền núi khu vực phía Đông Bắc Việt Nam, là địa bàn sinh sống của khoảng 30 vạn người, với 7 thành phần dân tộc trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Cũng như các tỉnh khu vực miền núi khác, các hộ gia đình ở Bắc Kạn trước đây cũng như hiện nay phần lớn vẫn là những hộ nông dân. Trong những năm đổi mới vừa qua, sự cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội đã thúc đẩy kinh tế hộ nông dân ở Bắc Kạn có những bước tiến mới. Tuy nhiên, các hộ nông dân ở Bắc Kạn hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn cản trở trong quá trình phát triển như tập quán sản xuất lạc hậu, thiếu vốn, giao thông đi lại khó khăn, hạn chế về trình độ học vấn, nhận thức, năng lực sản xuất nên luôn luôn luẩn quẩn trong vòng nghèo đói. Do vậy vấn đề đặt ra hiện nay để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững cho các hộ nông dân ở Bắc Kạn là phải nâng cao năng lực cho hộ nông dân trong tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn sinh kế.

Trước yêu cầu đó, việc nghiên cứu, lý giải một cách đầy đủ có cơ sở lý luận và thực tiễn vấn đề lựa chọn các hoạt động sinh kế của hộ nông dân cũng như tìm hiểu các nhân tố hỗ trợ và cản trở hộ nông dân tiếp cận các nguồn vốn sinh kế để đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương Bắc Kạn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hình thức kinh tế hộ nông dân phát triển nhanh và giảm nghèo được bền vững là yêu cầu cấp thiết, nên tác giả đã chọn đề tài: Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn sinh kế của hộ nông dân ở tỉnh Bắc Kạn

Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát:

Xác định được những nhân tố thuận lợi và cản trở hộ nông dân tiếp cận các nguồn lực trong quá trình sản xuất. Từ đó đề xuất các giải pháp để hộ nông dân tiếp cận tốt hơn, sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực sinh kế trong phát triển kinh tế của hộ một cách bền vững

2. Mục tiêu cụ thể:

- Nghiên cứu những vấn lý luận và thực tiễn liên quan đến sinh kế hộ nông dân, nhóm nguồn lực, tiếp cận nguồn lực và chiến lược sinh kế;

- Xác định những nhân tố thuận lợi và cản trở hộ nông dân tiếp cận các nguồn lực để phát triển kinh tế và giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

- Đề xuất giải pháp, khuyến nghị chính sách để hộ nông dân tiếp cận tốt hơn, sử dụng có hiệu quả hơn những nguồn lực sinh kế ở địa phương

Nội dung

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về vốn sinh kế

1.1.  Các khái niệm

a. Khái niệm sinh kế bến vững

b. Khái niệm chiến lược sinh kế

c.  Khái niệm các nguồn vốn sinh kế

d. Khung sinh kế

1.2. Các lí thuyết áp dụng

a. Quan điểm phát triển bền vững

b. Quan điểm lý thuyết cấu trúc chức năng

c. Quan điểm lý thuyết lựa chọn hợp lý

1.3. Cơ sở thự tiễn của đề tài

Chương 2: Khái quát đặc điểm tự nhiên kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn

2.1. Đặc điểm tự nhiên và các nguồn tài nguyên

- Vị trí địa lý, đất đai, địa hình, địa mạo, khí hậu thời tiết

- Các nguồn tài nguyên đất, nước, rừng....

2.2.  Đặc điểm kinh tế-xã hội

- Dân số, cơ cấu dân tộc, lao động

- Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, thị trường (đầu vào và đầu ra)

- Sự phát triển của khoa học công nghệ

2.3. Đánh giá tổng hợp về ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội đến phát triển kinh tế hộ nông dân ở Bắc Kạn

a. Thuận lợi và tiềm năng

b. Khó khăn và thách thức

Chương 3: Phân tích các nguồn vốn sinh kế và các chiến lược sinh kế của hộ nông dân ở Bắc Kạn

3.1. Các nguồn vốn sinh kế của hộ nông dân

- Các nguồn vốn theo tiêu chí của DFID,

- Đánh giá vai trò của các nguồn vốn sinh kế đến phát triển kinh tế và giảm nghèo của hộ nông dân tỉnh Bắc Kạn

3.2. Các hoạt động sinh kế của người dân

a. Hoạt động sản xuất nông nghiệp

b. Hoạt động tiểu  thủ công nghiệp

c. Các hoạt động sinh kế khác

3.3. Kết quả sinh kế của người dân

a. Mức sống và giảm nghèo

b. An ninh lương thực

c. Giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương

d. Bền vững về sử dụng tài nguyên thiên nhiên

3.4. Phân tích các nhân tố thuận lợi và cản trở hộ nông dân tiếp cận các nguồn lực

a. Những nhân tố thuận lợi thúc đẩy

b. Những nhân tố cản trở

3.5. Các chiến lược sinh kế của hộ nông dân ở Bắc Kạn

Chương 4: Quan điểm và giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn sinh kế của hộ nông dân ở tỉnh Bắc Kạn

4.1. Quan điểm định hướng phát triển kinh tế hộ nông dân ở Bắc Kạn

4.2. Các giải pháp khả thi trong lựa chọn sinh kế bền vững cho người nông dân ở Bắc Kạn

Tải file Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn sinh kế của hộ nông dân ở tỉnh Bắc Kạn tại đây

PP nghiên cứu

1. Thu thập số liệu:

1) Thu thập tài liệu thứ cấp: Bao gồm các tài liệu về khung sinh kế bền vững, các văn kiện báo cáo đánh giá của các tổ chức, các nhà khoa học về sinh kế và vấn đề sử dụng nguồn vốn sinh kế của hộ nông dân.

2) Phương pháp chuyên gia: Nghiên cứu sẽ sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia hay tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý trên địa bàn.

3) Phỏng vấn cấu trúc: Hệ thống câu hỏi phỏng vấn được soạn thảo và điều tra thử để kiểm tra mức độ thu thập thông tin và kiểm tra tính chính xác của thông tin thu thập. Các câu hỏi in sẵn tập trung vào việc thu thập các tư liệu, số liệu phục vụ nghiên cứu như thực trạng, nhu cầu nâng cao năng lực tiếp cận nguồn vốn sinh kế của người dân và những đề nghị của người dân về cơ chế, chính sách giúp họ trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực sinh kế để phát triển kinh tế.

4) Phương pháp RRA, PRA: Nghiên cứu sử dụng các công cụ RRA, PRA để thu thập thông tin trong quá trình nghiên cứu như: Thăm thôn bản, thăm đồng ruộng, thảo luận nhóm, phỏng vấn bán cấu trúc, bản đồ thôn bản, sa bàn thực tiễn ...

5) Phương pháp nghiên cứu có sự tham gia được áp dụng với các công cụ đa dạng như bảng hỏi, phỏng vấn bán cấu trúc, thảo luận nhóm; các thông tin được phân tích và kiểm tra chéo với các đối tượng khác nhau như người dân địa phương, cán bộ xã, huyện, tỉnh và cán bộ kỹ thuật hiện trường. Cơ sở để phỏng vấn và thảo luận nhóm với các đối tượng khác nhau là các vấn đề chính đã được xác định, đó là sự kết nối giữa phát triển kinh tế với việc sử dụng các nguồn vốn sinh kế của hộ nông thôn trên địa bàn nghiên cứu.

6) Phỏng vấn sâu cán bộ và người dân: Thông qua việc thu thập những người nắm tin chính như cán bộ chương trình, các Sở, Ban, Ngành liên quan, cán bộ huyện, xã, người có vai trò trong thôn, bản nhằm mục đích thu thập các thông tin chuyên sâu về thực trạng kinh tế của địa phương, thực trạng sử dụng các nguồn vốn sinh kế trong những năm qua, khả năng tiếp cận các nguồn vốn sinh kế của người dân. Yếu tố thúc đẩy và cản trở người dân tiếp cận nguồn lực. Đây là những thông tin định tính quan trọng phục vụ cho nghiên cứu.

2. Phân tích số liệu

1) Phương pháp thống kê mô tả: Phương pháp này được vận dụng để mô tả bức tranh tổng quát về tình hình cơ bản các địa bàn nghiên cứu, thực trạng kinh tế của các hộ nông dân, thực trạng các nguồn lực sinh kế cho phát triển kinh tế hộ tại các địa phương. Bằng phương pháp này chúng ta có thể mô tả được những nhân tố thuận lợi và cản trở sự tiếp cận các nguồn vốn sinh kế đối với các hộ nông dân.

2) Phương pháp phân tích so sánh: Từ việc phân tổ thống kê các nhóm hộ theo các tiêu chí phân tổ, chúng ta sẽ so sánh các nhóm hộ nông dân với nhau về điều kiện và khả năng tiếp cận nguồn vốn sinh kế. Trên cơ sở đó phân tích được mức độ ảnh hưởng, nguyên nhân của hạn chế giữa các vùng, các nhóm hộ. So sánh giữa các vùng tiếp cận dễ dàng hay khó khăn đối với từng nguồn lực và khả năng của người dân trong việc tiếp cận.

3) Phương pháp phân tích định tính: Dựa vào nguồn số liệu PRA, phỏng vấn sâu, để phân tích định tính những khó khăn trở ngại, các nhân tố hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng các nguồn vốn sinh kế trong phát triển kinh tế của hộ.

4) Phương pháp SWOT- Phân tích những khó khăn, tồn tại, cơ hội và thách thức.

5) Kết hợp phân tích định tính và định lượng các số liệu, thông tin phản hồi; các đề xuất sẽ được đưa ra cho các nội dung chính thức của đề tài.

Hiệu quả KTXH

1.  Giáo dục, đào tạo:

- Đối với lĩnh vực kinh tế xã hội và nhân văn đây sẽ một công trình nghiên cứu có giá trị kham khảo đối với các công trình nghiên cứu có liên quan đến hệ thống chính sách phát triển kinh tế hộ và giảm nghèo bền vững ở Việt Nam. Công trình này sẽ mở hướng tiếp cận mới đối với công tác nghiên cứu khoa học về phát triển kinh tế hộ nông dân trong điều kiện nền kinh tế đang trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế ở Việt Nam

- Các kết quả nghiên cứu được công bố là các tài liệu giúp cho các nghiên cứu khác có liên quan ở trong và ngoài nước. Là tài liệu phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy trong nhà trường.

2. Kinh tế, xã hội

.2.1. Về mặt kinh tế

- Kết quả nghiên cứu của đề tài phần nào giúp các nhà hoạch định chính sách của tỉnh có căn cứ và cơ sở khoa học trong việc xây dựng, quản lý trong lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân (một lĩnh vực có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh cho phát triển kinh tế của tỉnh) có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quản lý trong thời gian tới.

- Kết quả nghiên cứu sẽ giúp tháo được các "nút thắt" trong các chiến lược sinh kế của hộ nông dân từ đó góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất, giảm nghèo bền vững và đồng nghĩa với tăng thu cho ngân sách của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng và phát triển.

.2.2. Về mặt xã hội

Góp phần giải quyết vấn đề lao động có việc làm trong nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Người lao động có thu nhập tăng, cải thiện đời sống, giảm tệ nạn xã hội, an toàn trật tự xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới...

2.3. Về mặt môi trường

Chiến lược sinh kế của các hộ nông dân đã hiệu quả, bền vững sẽ góp phần cải thiện môi trường như phòng chống lũ lụt, bảo tồn đất đai, chống xói mòn và giữ được sự đa dạng sinh học.…

ĐV sử dụng

Dự kiến Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn và các ban ngành có liên quan là các đơn vị có thể sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài. Ngoài ra đề tài cũng là tài liệu tham khảo có giá trị cho các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước

STT Tên đơn vị Người đại diện
1 1. Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng TS Lê Anh Vũ
2 2. Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn Th.s Hà Đức Tiến
STT Tên người tham gia
1 Nguyễn Văn Công
2 Bùi Thị Minh Hằng
3 Nguyễn Thị Yến
4 Nguyễn Thị Kim Anh

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*