Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) NGHĨA TÌNH THÁI CỦA CÂU TIẾNG VIỆT TRONG CÁC VĂN BẢN VĂN HỌC GIẢNG DẠY Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Cơ quan chủ trì Đại học Thái Nguyên
Cơ quan thực hiện Đại học sư phạm
Loại đề tài Đề tài cấp Bộ
Lĩnh vực nghiên cứu Văn học
Chủ nhiệm(*) Nguyễn Thị Nhung
Ngày bắt đầu 01/2014
Ngày kết thúc 12/2015

Tổng quan

10.1. Ngoài nước

       Đối với việc nghiên cứu nghĩa tình thái, từ khoảng giữa thế kỉ XX đến nay, các nhà ngôn ngữ học nước ngoài đã có những đóng góp đáng kể, đặc biệt trong vấn đề xây dựng lí luận chung.

      Việc xây dựng khái niệm nghĩa tình thái nổi lên đóng góp của các nhà nghiên cứu như     Vinogradov, O.B Xirotinina, Lyons, Gak, Liapol, Palmer, Ch. Bally, N. Chomsky, Bybee.

      Tác giả Vinogradov xem tình thái như một phạm trù ngữ pháp biểu thị những mối quan hệ khác nhau của thông báo với thực tế [12, tr. 271- 272]. O.B. Xirotinina lại cho rằng tình thái tính nằm trong vị tính của câu [13, tr 43- 44]. Lyons cho tình thái là “quan điểm hoặc thái độ của người nói đối với nội dung mệnh đề mà câu nói biểu thị hoặc cái tình huống mà mệnh đề miêu tả” [8, tr. 425]. Gak thì quan niệm rằng tình thái phản ánh mối quan hệ của người nói đối với nội dung phát ngôn và nội dung phát ngôn đối với thực tế [5, tr. 133]. Theo Palmer: tình thái là thông tin ngữ nghĩa của câu thể hiện thái độ hoặc ý kiến của người nói đối với điều được nói đến trong câu [10, tr. 14]. J. Bybee thì hiểu tình thái theo nghĩa rộng.

      Như vậy, trên thế giới có quan niệm rộng, hẹp khác nhau về nghĩa tình thái. Theo quan niệm hẹp, nghĩa tình thái thường được cho là phần nghĩa phản ánh mối quan hệ, thái độ, ý định của người nói đối với nội dung phát ngôn và/ hoặc quan hệ giữa nội dung phát ngôn đối với thực tế. Theo quan niệm rộng, tình thái - nói theo Bybee - là “tất cả những gì mà người nói thực hiện cùng với toàn bộ nội dung mệnh đề” [2].

      Tìm hiểu việc phân loại nghĩa tình thái, phương tiện biểu thị nghĩa tình thái có đóng góp của một số tác giả như Jespersen, Von Wright, Rescher, Searle, Ch. Bally, V. Bonđarenko, J. Lyons, F. Pamer, M. Liapon.

      Tác giả Jespersen đề nghị chia phạm trù tình thái thành hai nhóm: nhóm 1 có chứa thành tố ý chí; nhóm 2 không chứa thành tố ý chí (theo 10, tr.10). Von Wright thì phân biệt bốn thức trong một công trình về lô gích tình thái: tất suy (thức của chân lí), nhận thức (thức của hiểu biết), đạo lí (thức của sự bắt buộc), tồn tại (thức của hiện hữu) (theo 10, tr.1). Rescher (1969) lại đề xuất một hệ thống tình thái rộng hơn: bên cạnh tình thái tất suy, nhận thức và đạo lí còn thêm tình thái thời đoạn, mong ước, những tình thái đánh giá và những tình thái nhân quả (theo 10).  Searle nêu ra năm phạm trù cơ bản của hành động tại lời: xác quyết, khuyến lệnh, kết ước, tuyên bố, biểu lộ và phân tích nó từ góc độ tình thái [11]. Ch. Bally - người đầu tiên đề cập vấn đề một cách hệ thống, phân biệt cấu trúc nghĩa của phát ngôn thành hai thành phần cơ bản mà ông gọi là dictummodus. Trong đó, dictum biểu hiện một nội dung sự tình ở dạng tiềm năng nào đó, gắn với chức năng thông tin, chức năng miêu tả của ngôn ngữ. Modus (bộ phận tình thái) gắn với bình diện tâm lí, thể hiện những nhân tố thuộc phạm vi cảm xúc, ý chí, thái độ, sự đánh giá của người nói đối với điều được nói ra, xét trong quan hệ với thực tế, với người đối thoại và với hoàn cảnh giao tiếp. J [1]. Lyons [8, tr. 823] và F. Pamer [10, tr. 51, 96] thì đều cho rằng tình thái gồm tình thái nhận thức và tình thái đạo nghĩa. M. Liapon chia ra tình thái khách quan và tình thái chủ quan [7].

      Như vậy, các nhà ngôn ngữ học nước ngoài, khi nói tới tình thái thường phân biệt tình thái nhận thức và tình thái đạo nghĩa (ở những mức độ khái quát, cụ thể khác nhau) theo 2 góc độ khách quan và chủ quan trong mối quan hệ với các hành động ngôn từ.

2. Trong nước

       Ở Việt Nam, các tác giả Hoàng Trọng Phiến, Cao Xuân Hạo, Diệp Quang Ban, Nguyễn Thiện Giáp, Lê Quang Thiêm,... cơ bản thống nhất với quan niệm về nghĩa tình thái của các nhà nghiên cứu nước ngoài, đặc biệt là với quan niệm rộng về tình thái. Chẳng hạn, theo Diệp Quang Ban, nghĩa tình thái là bộ phận chỉ ý định, thái độ, tình cảm của người nói đối với điều được nói ra, quan hệ của người nói đối với người nghe [1, tr. 181]. Nguyễn Thiện Giáp cho tình thái trong ngôn ngữ là thái độ của người nói với nội dung mệnh đề mà câu biểu thị hay tình trạng mà mệnh đề đó miêu tả, là thông tin ngữ nghĩa của câu thể hiện thái độ hoặc ý kiến của người nói đối với điều được nói ra [4, tr. 416]. Còn Lê Quang Thiêm thì khẳng định: “nghĩa tình thái tham gia vào quá trình thực tại hoá, biến nội dung sự tình ở dạng tiềm năng thành lời hiện thực với nội dung ý nghĩa xác định” [18, tr.182].

        Nhiều công trình của các nhà Việt ngữ học đã ít nhiều đề cập đến việc phân chia nghĩa tình thái và phương tiện biểu thị nghĩa tình thái như công trình của các tác giả cuốn Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học (Nguyễn Như Ý chủ biên), các tác giả Cao Xuân Hạo, Diệp Quang Ban,  Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Thị Lương, …

      Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học phân biệt  tình thái khách quan với tình thái chủ quan. Tình thái khách quan biểu hiện mối quan hệ của điều được thông báo đối với hiện thực khách quan. Tình thái chủ quan biểu hiện thái độ (quan hệ) của người nói đối với điều được thông báo bằng trật tự từ, ngữ điệu, phép kí từ, từ tình thái, tiểu từ, từ cảm, từ xen, v.v… [23, tr. 297]. Cao Xuân Hạo trong Sơ thảo ngữ pháp chức năng và Diệp Quang Ban trong Ngữ pháp tiếng Việt [1, tr. 201- 204] đều phân biệt hai thứ tình thái: tình thái của hành động phát ngôn và tình thái của lời phát ngôn. Tình thái của lời phát ngôn gồm tình thái khách quan và tình thái chủ quan. Nguyễn Văn Hiệp trong Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp [6, tr. 96- 127] thì cho rằng phải qua những đối lập thì bức tranh về tình thái mới hiện ra một cách rõ ràng, đúng bản chất nhất. Ông đã đưa ra các thế đối lập: tình thái trong lô gích và tình thái trong ngôn ngữ; tình thái nhận thức và tình thái đạo nghĩa, tình thái hướng tác thể và tình thái hướng người nói, tình thái của mục đích phát ngôn và tình thái của lời phát ngôn,…Cũng ở đó, tác giả còn đề cập một cách khái quát tới các phương tiện biểu thị nghĩa tình thái (tr. 128- 158). Tác giả Nguyễn Thị Lương đã phân chia nghĩa tình thái thành tình thái của hành động nói, tình thái liên cá nhân, tình thái chủ quan, tình thái khách quan và cũng đề cập đến phương tiện biểu thị các loại nghĩa tình thái này [10]. Nhìn từ góc độ ngữ pháp, những công trình nghiên cứu về hư từ như công trình của Nguyễn Anh Quế [17], của Phạm Hùng Việt [22], công trình Lê Đông và Nguyễn Văn Hiệp [3] cũng đề cập đến phương tiện biểu thị nghĩa tình thái.

       Đã có không ít công trình nghiên cứu ứng dụng lí thuyết nghĩa tình thái vào tiếng Việt. Trong phạm vi bao quát của mình, chúng tôi thấy rằng, các công trình chủ yếu nghiên cứu phương tiện biểu thị một bộ phận nghĩa tình thái nào đó. Chẳng hạn, các luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ của: Nguyễn Thị Lương [9], Ngô Thị Minh [11], Ngũ Thiện Hùng [7], Bùi Trọng Ngoãn [13], Huỳnh Thị Ái Nguyên [14], Ngô Đình Phương [15], Trần Kim Phượng [16],…và số luận văn thạc sĩ, khoá luận tốt nghiệp đại học.

        Tìm hiểu tri thức ngôn ngữ qua ngữ liệu là các văn bản giảng dạy ở trường phổ thông, vận dụng tri thức ngôn ngữ vào việc phân tích các kiểu loại văn bản, đặc biệt là văn bản nghệ thuật, phục vụ việc giảng dạy văn học, văn hoá ở trường phổ thông là một hướng đi đúng đắn. Việc làm này không những giúp dạy học tiếng Việt có nhiều thuận lợi, giúp tiếp thu nội dung của văn bản văn bản văn học một cách có cơ sở, còn giúp thấy được những cách thức lựa chọn, vận dụng ngôn ngữ để tạo lập các kiểu loại văn bản một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trong số những tri thức ngôn ngữ được vận dụng vào phân tích văn học, tìm hiểu văn hoá qua văn bản giảng dạy ở trường phổ thông hầu như còn vắng bóng tri thức về nghĩa tình thái – một bộ phận quan trọng và có khi là duy nhất trong nghĩa của câu. Những công trình vận dụng một bộ phận của nghĩa tình thái vào tìm hiểu một tác phẩm cụ thể như luận văn thạc sĩ của Lưu Văn Hưng còn rất ít ỏi. Đã có công trình nghiên cứu văn hoá qua ngôn ngữ như công trình của các tác giả Đỗ Hữu Châu [2], Trịnh Thị Kim Ngọc [12], Nguyễn Đức Tồn [21]. Nhưng tìm hiểu nhân vật, chủ đề tác phẩm, và bản sắc văn hoá dân tộc qua nghĩa tình thái của câu là một việc chưa ai làm.

Tính cấp thiết

Nếu như câu là đơn vị cơ sở của giao tiếp thì nghĩa tình thái là linh hồn của câu. Nó hết sức đa diện và phức tạp, bao gồm tất cả những kiểu ý nghĩa gắn với sự hiện thực hoá câu, biến nội dung mệnh đề ở thế tiềm năng trở thành các phát ngôn trong giao tiếp. Câu có thể thiếu nghĩa miêu tả chứ không thể thiếu nghĩa tình thái. Quan tâm tới bình diện tình thái, chúng ta sẽ hiểu được bản chất của ngôn ngữ với tư cách là công cụ con người dùng để phản ánh thế giới trong hoạt động nhận thức và tương tác xã hội.

      Các văn bản văn học Việt Nam (cũng như các trích đoạn văn học khác) trong sách giáo khoa Ngữ văn THPT đều có tính tư tưởng tốt, tính nghệ thuật cao, nghĩa tình thái của câu trong những văn bản đó có nhiều biểu hiện đa dạng, phong phú ở cả phương diện đồng đại và phương diện lịch đại. Việc tìm hiểu chúng có thể giúp thấy được các nét bản chất của nghĩa tình thái trong câu, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận chung về nghĩa tình thái và các bộ phận của nó trong tiếng Việt, phục vụ thiết thực cho việc nâng cao chất lượng dạy - học Nghĩa của câu - một nội dung mới và khó của chương trình Tiếng Việt THPT.  

      Việc hiểu nghĩa của câu, đặc biệt là nghĩa tình thái của câu văn trong tác phẩm nói chung, nghĩa tình thái của câu trong lời thoại nói riêng là cơ sở để nắm được tư tưởng, tình cảm, thái độ của nhân vật văn học, qua đó nhận thức được hình tượng nhân vật và chủ đề tư tưởng mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Việc quan tâm đến những bộ phận tình thái khác nhau, cách lựa chọn sử dụng các  phương tiện biểu thị tình thái với tỷ lệ khác nhau trong tác phẩm cùng vấn đề hiệu quả sử dụng nghĩa tình thái để khắc hoạ nhân vật, bộc lộ chủ đề tác phẩm sẽ phần nào cho thấy tài năng, phong cách của các tác giả. Đó là vai trò không thể phủ nhận của nghĩa tình thái trong câu với việc tìm hiểu tác phẩm văn học.

      Trong nghĩa tình thái của câu có một bộ phận liên quan đến tình cảm, thái độ của người nói đối với người nghe, một bộ phận khác liên quan đến tính hợp thức về đạo đức hay các chuẩn mực xã hội mà nắm được chúng, ta có thể chiếm lĩnh văn bản từ góc độ văn hoá. Thêm vào đó, những hiểu biết về văn hoá Việt cũng được sâu sắc hơn khi làm sáng tỏ nghĩa tình thái của câu trong các văn bản tiếng Việt ở các thời kì khác nhau, của các vùng miền khác nhau.

      Do vậy, có thể khẳng định, sự tìm hiểu nghĩa tình thái của câu tiếng Việt trong các văn bản văn học giảng dạy ở trường THPT có tác dụng thiết thực với việc dạy - học Tiếng Việt, Văn học và việc giáo dục văn hoá, đạo đức cho học sinh THPT. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề này chưa được công trình nào đề cập tới.

      Những lí do khoa học và thực tiễn trên là cơ sở để chúng tôi lựa chọn “Nghĩa tình thái của câu tiếng Việt trong các văn bản văn học giảng dạy ở trường trung học phổ thông” làm đề tài cho công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ của mình. Đề tài của chúng tôi nếu được thực hiện sẽ góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lí luận chung về nghĩa tình thái và các bộ phận của nó; đồng thời làm phong phú, cụ thể hoá các biểu hiện và tác dụng của nghĩa tình thái trong trường hợp thể hiện ở câu tiếng Việt. Công trình sẽ là một tài liệu cần thiết cho giáo viên Ngữ văn THPT có thể năng cao chất lượng dạy và học nghĩa của câu trong xu thế tích hợp với văn học, văn hoá, đồng thời là tài liệu thiết thực cho bản thân người nghiên cứu trong việc giảng dạy chuyên đề Một số vấn đề cơ bản về ngữ nghĩa học (trên cứ liệu tiếng Việt)  cho hệ sau đại học.

Mục tiêu

      - Nhận diện nghĩa tình thái trong câu tiếng Việt ở hai phương diện đồng đại, lịch đại nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lí luận chung về nghĩa tình thái của câu và các bộ phận của nó.

      - Đề xuất nội dung và phương pháp nâng cao hiệu quả dạy - học Tiếng Việt, Văn học và văn hoá ở nhà trường THPT.

Nội dung

Nội dung 1

Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tiễn của việc nghiên cứu nghĩa tình thái của câu tiếng Việt trong các văn bản văn học giảng dạy ở trường trung học phổ thông

1.1. Khái niệm câu và nghĩa tình thái của câu

1.2. Sự phân loại nghĩa tình thái của câu

1.3. Các phương tiện biểu thị nghĩa tình thái của câu

1.4. Vài nét về các văn bản văn học giảng dạy ở trường trung học phổ thông 

1.5. Vài nét về việc giảng dạy Nghĩa của câu, Văn học và văn hoá ở trường trung học phổ thông

      Nội dung 2

Chương 2: Phương tiện biểu thị nghĩa tình thái của câu tiếng Việt trong các văn bản văn học giảng dạy ở trường trung học phổ thông

2.1. Nhận xét chung

2.2. Các phương tiện biểu thị tình thái của hành động nói

2.2.1. Các phương tiện biểu thị hành động điều khiển

2.2.2. Các phương tiện biểu thị hành động cam kết

2.2.3. Các phương tiện biểu thị hành động biểu cảm

2.2.4. Các phương tiện biểu thị hành động tuyên bố

2.2.5. Các phương tiện biểu thị hành động tái hiện

2.3. Các phương tiện biểu thị tình thái khách quan của lời nói

2.3.1. Các phương tiện biểu thị tình thái khẳng định

2.3.2. Các phương tiện biểu thị tình thái phủ định

2.3.3. Các phương tiện biểu thị tình thái của sự tình được truyền đạt

2.4. Các phương tiện biểu thị tình thái chủ quan của lời nói

2.4.1. Các phương tiện biểu thị tình thái nhận thức, ý kiến

2.4.2. Các phương tiện biểu thị tình thái đạo lí

2.4.3. Các phương tiện biểu thị tình thái cảm xúc

2.4.4. Các phương tiện biểu thị tình thái đánh giá

2.5. Các phương tiện biểu thị tình thái hướng tới người nghe

2.5.1. Các phương tiện biểu thị quan hệ giữa người nói và người nghe

2.5.2. Các phương tiện biểu thị tình cảm, thái độ của người nói với người nghe

       Nội dung 3

Chương 3: Đề xuất nội dung, phương pháp nâng cao hiệu quả dạy - học nghĩa tình thái của câu ở trường trung học phổ thông trong quan hệ tích hợp với văn học và văn hoá

3.1. Đề xuất nội dung, phương pháp nâng cao hiệu quả dạy - học nghĩa tình thái của câu ở trường trung học phổ thông

3.1.1. Nội dung, phương pháp dạy- học nghĩa tình thái của hành động nói

3.1.2. Nội dung, phương pháp dạy- học nghĩa tình thái khách quan của lời nói

3.1.3. Nội dung, phương pháp dạy- học nghĩa tình thái chủ quan của lời nói

3.1.4. Nội dung, phương pháp dạy- học nghĩa tình thái hướng tới người nghe

3.2. Đề xuất nội dung, phương pháp nâng cao hiệu quả dạy - học nghĩa tình thái của câu ở trường trung học phổ thông trong quan hệ tích hợp với văn học

3.2.1. Nội dung, phương pháp tìm hiểu hình tượng nhân vật thông qua nghĩa tình thái của câu

3.2.2. Nội dung, phương pháp tìm hiểu chủ đề tác phẩm thông qua nghĩa tình thái của câu

3.2.3. Nội dung, phương pháp tìm hiểu phong cách tác giả thông qua nghĩa tình thái của câu 

3.3. Đề xuất nội dung, phương pháp nâng cao hiệu quả dạy - học nghĩa tình thái của câu ở trường trung học phổ thông trong quan hệ tích hợp với văn hoá

3.3.1. Nội dung, phương pháp bảo tồn văn hoá truyền thống dân tộc thông qua nghĩa tình thái của câu

3.3.2. Nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức học sinh thông qua nghĩa tình thái của câu

Tải file NGHĨA TÌNH THÁI CỦA CÂU TIẾNG VIỆT TRONG CÁC VĂN BẢN VĂN HỌC GIẢNG DẠY Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG tại đây

PP nghiên cứu

Để nghiên cứu đề tài, chúng tôi sẽ sử dụng phương pháp miêu tả và phương pháp so sánh.

    - Phương pháp miêu tả: được sử dụng để thấy được về cơ bản diện mạo của nghĩa tình thái, của từng bộ phận nghĩa tình thái trong câu tiếng Việt trên các văn bản văn học giảng dạy ở trường THPT. Trong phương pháp này, chúng tôi sử dụng những thủ pháp giải thích bên trong và giải thích bên ngoài.

     + Những thủ pháp giải thích bên trong: thủ pháp thống kê, thủ pháp phân loại và hệ thống hoá là những thủ pháp giúp chúng tôi xác định số lượng các bộ phận nghĩa tình thái, phương tiện biểu thị nghĩa tình thái trong các câu phục vụ cho việc phân tích, tìm hiểu vai trò của nghĩa tình thái.

     + Những thủ pháp giải thích bên ngoài:

     Thủ pháp phân tích ngôn cảnh được sử dụng để thấy được những yếu tố cụ thể, phương diện cụ thể của ngôn cảnh tình huống và ngôn cảnh văn hoá trong đó câu được sử dụng, lấy đó làm cơ sở để giải thích cũng như thấy được giá trị của các nghĩa tình thái trong mỗi câu.

     Những thủ pháp thử nghiệm như thay thế, lược bỏ, cải biến được sử dụng để hạn chế sự cảm tính, chủ quan, tăng hiệu quả các thủ pháp, phương pháp khác.

     - Phương pháp so sánh: được sử dụng để chỉ ra sự thống nhất, khác biệt giữa các bộ phận nghĩa tình thái, phương tiện biểu thị chúng, hiệu quả của chúng, qua đó mà hiểu rõ hơn về mỗi bộ phận của nghĩa tình thái, về nhân vật văn học, chủ đề tác phẩm, phong cách tác giả.

Hiệu quả KTXH

Đề tài hoàn thành sẽ góp phần bổ sung hoàn thiện cho các giáo trình viết về nghĩa tình thái của câu tiếng Việt; góp phần nâng cao trình độ dạy học tiếng Việt trong xu thế tích hợp với văn học và văn hoá; hỗ trợ chủ nhiệm đề tài nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên đề Một số vấn đề cơ bản về ngữ nghĩa học (trên cứ liệu tiếng Việt) cho hệ Sau đại học chuyên ngành Ngôn ngữ học.

ĐV sử dụng

cho hệ Sau đại học chuyên ngành Ngôn ngữ học

STT Tên đơn vị Người đại diện
1 Viện Từ điển học và Bách khoa thư PGS.TS. Phạm Hùng Việt
2 Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội PGS.TS. Đặng Thị Hảo Tâm
3 Hội Ngôn ngữ học Việt Nam PGS.TS. Lê Quang Thiêm
STT Tên người tham gia
1 PGS. TS Đào Thị Vân
2 TS. Nguyễn Thị Tú Quyên
3 ThS. Nguyễn Thu Quỳnh
4 ThS. Lê Thị Hương Giang
5 ThS. Nguyễn Mạnh Tiến
6 ThS. Ngô Giang Nam

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*