Thông tin chung
Tên đề tài (*) | Tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI dưới góc nhìn nữ quyền luận |
Cơ quan chủ trì | Đại học Khoa học |
Cơ quan thực hiện | Đại học Khoa học |
Loại đề tài | Đề tài cấp đại học |
Lĩnh vực nghiên cứu | Văn học |
Chủ nhiệm(*) | Vũ Thị Hạnh |
Ngày bắt đầu | 01/2012 |
Ngày kết thúc | 12/2013 |
Tổng quan
1.Tình hình nghiên cứu nữ quyền luận trên thế giới
Từ những năm 1970, ở những nước phương Tây như Anh, Mỹ, Đức, Pháp… phê bình nữ quyền đã hình thành một hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh, bao gồm nhiều nhánh nghiên cứu theo các khuynh hướng khác nhau.
- Năm 1979, cuốn Sổ tay các khuynh hướng tiếp cận văn học (A Handbook of Critical Approaches to Literature) của các tác giả Wilfred L. Guerin, Earle Labor, Morgan do Nxb. Oxford ấn hành được coi là công trình nghiên cứu có giá trị khoa học cao. Công trình này đã trình bày cụ thể và chi tiết về khuynh hướng phê bình nữ quyền trên các khía cạnh: khái niệm phê bình nữ quyền; khái quát về lịch sử hình thành, phát triển; những chủ đề chính yếu của phê bình nữ quyền; các khuynh hướng trọng yếu của phê bình nữ quyền (phê bình nữ quyền Marxist, phê bình nữ quyền phân tâm học, phê bình nữ quyền thiểu số); mối quan hệ giữa phê bình nữ quyền và những nghiên cứu về giới; những vấn đề đáng chú ý và các giới hạn của phê bình nữ quyền…
- Năm 1985, trong công trình Lý thuyết phê bình nữ quyền mới (The New Feminist Criticism), Elaine Showalter đã tập hợp toàn bộ các bài tiểu luận và các bài nghiên cứu theo hướng phê bình nữ quyền ở Mỹ. Công trình gồm đã thể hiện một cách chi tiết về khuynh hướng phê bình nữ quyền qua ba phần cụ thể: Phần 1 - Những mục tiêu mà các nhà phê bình nữ quyền muốn hướng đến: các vấn đề học thuật và điển phạm; Phần 2 - Những khuynh hướng phê bình nữ quyền và nền văn hóa của nữ giới; Phần 3 - Sáng tác của các tác giả nữ và lý thuyết phê bình nữ quyền. Đặc biệt, cuốn sách đã liệt kê hơn 300 công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực phê bình nữ quyền trên thế giới.
- Năm 1986, Robert Con Davis (Mỹ) đã tuyển chọn những bài nghiên cứu quan trọng về các trường phái phê bình văn học hiện đại trong cuốn Phê bình văn học hiện đại (Contemporary Literary Criticism). Trong cuốn này, những bài viết có nội dung nữ quyền được đưa vào phần Biện chứng giới (The sexual dualectic).
- Từ điển thuật ngữ phê bình và thuật ngữ văn học (The Bedford Glossary of Critical and Literary Terms) xuất bản năm 1990, tái bản lần thứ hai có chỉnh sửa, bổ sung vào năm 2003, đã trình bày khá kĩ lưỡng về khái niệm và các đặc trưng cơ bản của lý thuyết phê bình nữ quyền; so sánh phê bình nữ quyền với phê bình giới.
Điểm qua một số công trình nghiên cứu ở nước ngoài chúng ta có thể thấy khuynh hướng phê bình nữ quyền đã thực sự phát triển mạnh mẽ từ nửa cuối thế kỷ XX trên thế giới. Cho tới thời điểm này, các nhà nghiên cứu nữ quyền luận đã và đang xây dựng được một hệ thống lí luận tương đối vững chắc. Vì thế, phê bình nữ quyền là một hướng đi giàu triển vọng.
2. Tình hình nghiên cứu nữ quyền luận ở Việt Nam
Nếu ở các nước phương Tây, khuynh hướng phê bình nữ quyền đã sớm diễn ra sôi nổi ngay từ nửa cuối thế kỷ trước thì ở Việt Nam cho đến thời điểm này, đây vẫn là một hướng đi mới chưa thực sự được chú ý. Các nhà nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu một số nội dung liên quan đến sáng tác của những cây bút nữ chứ chưa tiếp cận tác phẩm dưới góc nhìn nữ quyền luận. Tuy nhiên, trong khi nhận định về sáng tác của những cây bút nữ, các nhà nghiên cứu cũng đã “chạm” đến một số vấn đề có liên quan đến phê bình nữ quyền.
- Năm 1990, bài viết Nhìn lại vấn đề giải phóng phụ nữ trong tiểu thuyết “Tự lực văn đoàn” (Tạp chí Văn học, số 5), nhà nghiên cứu Trương Chính đã thể hiện những kiến giải của mình về ý thức nữ quyền trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Bài viết chủ yếu nhìn nhận vấn đề nữ quyền trên phương diện nội dung tư tưởng.
- Năm 1996, trên Tạp chí Văn học số 6, chuyên mục Trao đổi ý kiến đã thực hiện cuộc bàn luận của các nhà nghiên cứu phê bình đầu ngành (Lại Nguyên Ân, Đặng Anh Đào, Phạm Xuân Nguyên, Vương Trí Nhàn, Đặng Minh Châu, Ngô Thế Oanh…) về sáng tác của các cây bút nữ trên các phương diện: điểm mạnh và điểm yếu của các nhà văn nữ; phụ nữ với nghề văn; gương mặt những cây bút nữ; đóng góp của những cây bút nữ; tiềm năng của những cây bút nữ…Đặc biệt, các nhà nghiên cứu tập trung bàn luận nhằm lý giải hiện tượng nở rộ sáng tác của các nhà văn, nhà thơ nữ. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một cuộc trao đổi ngắn, các ý kiến đưa ra mới chỉ mang tính chất khơi gợi, chưa đào sâu và giải quyết vấn đề nữ quyền một cách thấu đáo, triệt để.
- Năm 2006, trong bài viết tham dự Hội thảo Quốc tế về văn học tại Viện Văn học có nhan đề Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp đã giới thiệu khái quát về vấn đề phái tính trong văn học ở từng giai đoạn và đưa ra những nhìn nhận ban đầu về vấn đề tính nữ trong văn học Việt Nam. Tác giả đã chỉ ra những khoảng trống trong phê bình nữ quyền ở Việt Nam hiện nay.
- Trên website www.tienve.org, tác giả Nguyễn Hưng Quốc đã có bài viết với nhan đề Nữ quyền luận và đồng tính luận. Bài viết đã khái quát sự phát triển, mục tiêu nghiên cứu, những nội dung chính, những khái niệm nền tảng và các khuynh hướng tư tưởng khác nhau của lý thuyết nữ quyền.
- Trên website www.damau.org đã dành hẳn một chuyên mục về Văn học nữ quyền để tập hợp những bài viết có liên quan đến lý thuyết nữ quyền và ứng dụng lý thuyết vào nghiên cứu văn học. Trong đó, một số bài viết có giá trị như: Tản mạn về vấn đề nữ quyền ở các nhà văn Nhật Bản của Phạm Vũ Thịnh; Tiểu thuyết Hương Hương Sastra Wangi và Văn chương khích động nữ quyền của Monica Arnez do Nguyễn Đức Nguyên dịch.
- Trên báo điện tử Vietnamnet, nhà phê bình Vương Trí Nhàn có bài viết Văn học sex: chấp nhận để tìm cách đổi khác; nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng có bài viết Tính dục trong văn học hôm nay và Dục tính và những ranh giới mong manh. Các bài viết này cũng đã động chạm đến vấn đề nữ quyền nhưng chưa thật triệt để.
- Năm 2006, đề tài khoa học Sự thức tỉnh của người phụ nữ trong văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX của Lê Ngọc Phương – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM đã lý giải sự ra đời của ý thức nữ quyền của nữ giới nước ta theo bối cảnh lịch sử - xã hội cụ thể và phân tích những cây bút nữ nổi bật trong thời kỳ này cả về phương diện nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật thể hiện.
- Năm 2007, luận văn thạc sĩ của Cao Hạnh Thủy trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP. HCM với đề tài Hồ Xuân Hương – tiếp cận quan điểm giới tính đã vận dụng lý thuyết về giới để xem xét Hồ Xuân Hương từ cuộc đời đến thơ ca. Đi theo hướng tiếp cận này, tác giả đã động chạm đến một số vấn đề liên quan đến nữ quyền nhưng chủ yếu vẫn là trên quan điểm giới.
- Năm 2008, luận văn thạc sĩ của Hồ Khánh Vân trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP. HCM với đề tài Từ lý thuyết phê bình nữ quyền nghiên cứu một số tác phẩm văn xuôi của các tác giả nữ Việt Nam từ năm 1990 đến nay là một công trình khoa học nghiêm túc, có giá trị. Tuy nhiên, tác giả chủ yếu vận dụng lý thuyết phê bình nữ quyền để nghiên cứu các tác phẩm truyện ngắn, kí, ít đề cập đến tiểu thuyết – đặc biệt là tiểu thuyết thế kỷ XXI (chỉ đề cập đến tiểu thuyết của nhà văn Thuận).
Điểm qua một số công trình nghiên cứu chúng ta có thể thấy rằng, lý thuyết nữ quyền đã được giới thiệu và vận dụng vào nghiên cứu văn học Việt Nam. Tuy nhiên, trong giới hạn khảo sát, với chừng ấy công trình cũng như giới hạn và điểm dừng của nó, chúng ta có thể khẳng định rằng cho đến thời điểm này, số lượng những công trình tiếp cận dưới góc nhìn nữ quyền luận còn rất hạn chế. Đây chính là hướng mở cho những đề tài nghiên cứu mới có nhiều triển vọng, hứa hẹn mang đến những phát hiện mới mẻ.
Tính cấp thiết
1. Tự bao đời nay, những câu nói như “Nữ nhi thường tình”, “Nữ sinh ngoại tộc”, “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”…đã ăn sâu vào trong tâm thức, trở thành một “nếp nghĩ” quen thuộc, hằn sâu trong ý thức của con người nhiều thế hệ. Thái độ “trọng nam khinh nữ” không chỉ bám rễ vào trong tư tưởng nhận thức qua hàng ngàn năm lịch sử mà nó còn phủ rộng trên phạm vi không chỉ một dân tộc, một quốc gia, một vùng miền. Và như một lẽ tất yếu, ngọn lửa của cuộc đấu tranh để giành lại quyền bình đẳng cho “một nửa thế giới” đã âm ỉ cháy và dần phát triển mạnh mẽ với tên gọi Nữ quyền luận – Chủ nghĩa nữ quyền (Feminism). Cuộc đấu tranh ấy diễn ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó, văn chương không phải là một trường hợp ngoại lệ.
2. Trong văn học Việt Nam, những năm gần đây, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học thường hay nhắc đến những cụm từ như: trào lưu nữ quyền, âm hưởng nữ quyền, ý thức phái tính, tính nữ hay lối viết nữ trong văn chương…Mặc dù còn nhiều tranh cãi về vấn đề có hay không chủ nghĩa nữ quyền trong văn học Việt Nam nhưng chưa một ai có thể phủ nhận sự lớn mạnh của bộ phận văn học nữ cũng như sự xuất hiện của hàng loạt những tác phẩm cất cao tiếng nói bênh vực, bảo vệ nữ giới. Bộ phận văn học này chịu tác động (có thể trực tiếp hoặc gián tiếp) không nhỏ của những tư tưởng cũng như lý thuyết nữ quyền.
3. Đặc biệt, Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI ghi nhận sự đổi thay lớn lao trong văn học, nhất là ở thể loại tiểu thuyết – một thể loại trung tâm có khả năng “ôm trùm” đời sống văn học. Trong số những cây bút tiểu thuyết tiêu biểu ở đầu thế kỉ XXI, chúng tôi nhận thấy những nhà văn nữ chiếm số lượng khá đông đảo. Nếu ở thế kỷ XX, các cây bút nữ mới ghi dấu ở lĩnh vực thơ ca, truyện ngắn, kí… thì bước sang thế kỷ mới, họ đã có một sự chuyển mình mạnh mẽ và khắc họa ấn tượng sâu đậm ở thể loại tiểu thuyết. Các cây bút nữ đã lựa chọn tiểu thuyết như một phương tiện hữu hiệu nhằm thể hiện “bản sắc” cá nhân cũng như sự thức nhận mạnh mẽ về vấn đề nữ quyền. Với sự nhạy cảm, tinh tế, đầy nữ tính nhưng cũng không kém phần sắc sảo và quyết liệt, trên từng hành trình của tiểu thuyết, các nhà văn nữ đã thể hiện ý thức nữ quyền với nhiều sắc thái và cung bậc khác nhau - khi thì kín đáo sâu sắc, lúc lại mạnh mẽ táo bạo. Bên cạnh tiểu thuyết nữ, cũng có một số tiểu thuyết của nam giới cùng “đồng lòng” lên tiếng nói góp phần thể hiện sâu sắc hơn dấu ấn nữ quyền trong văn học giai đoạn này. Vì thế, việc tìm hiểu, cắt nghĩa, đánh giá về vấn đề nữ quyền là việc làm không thể thiếu nhằm góp phần phác họa diện mạo tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI. Đó cũng là một hướng nghiên cứu phù hợp, giàu triển vọng, đem lại nhiều thành tựu mới mẻ, có giá trị khoa học cao.
4. Mặc dù vậy, ở Việt Nam, do những khoảng trống về lí luận cũng như rào cản về ngôn ngữ và hệ tư tưởng… vấn đề nữ quyền mới chỉ được đặt ra trong khoảng chục năm trở lại đây và số lượng những công trình nghiên cứu văn học dưới góc nhìn nữ quyền luận vẫn còn khá ít ỏi. Trong khi đó, trên thế giới, việc nghiên cứu, phê bình nữ quyền trong văn học đã trở thành một trong những khuynh hướng chính, phát triển mạnh mẽ từ nửa cuối thế kỷ XX. Sự tồn tại lâu bền cùng những đóng góp thiết thực của nó trong nghiên cứu văn học đã góp phần khẳng định việc nghiên cứu văn học dưới góc nhìn nữ quyền luận là một hướng tiếp cận hữu ích, đưa đến những kiến giải và phát hiện mới mẻ, có giá trị.
Trên đây là những lí do, khiến cho việc triển khai đề tài nghiên cứu Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI dưới góc nhìn nữ quyền luận trở nên cấp thiết
Mục tiêu
Nội dung
PP nghiên cứu
Hiệu quả KTXH
ĐV sử dụng
BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)