Thông tin chung
Tên đề tài (*) | Kết tử nghịch hướng trong lập luận tiếng Việt |
Cơ quan chủ trì | Đại học Thái Nguyên |
Cơ quan thực hiện | Đại học Khoa học |
Loại đề tài | Đề tài cấp đại học |
Lĩnh vực nghiên cứu | Văn học |
Chủ nhiệm(*) | Nguyễn Thị Thu Trang |
Ngày bắt đầu | 01/2012 |
Ngày kết thúc | 12/2013 |
Tổng quan
Ở Việt Nam, khoảng 20 năm trở lại đây, lý thuyết lập luận đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. - Năm 1993, tác giả Đỗ Hữu Châu trong cuốn Đại cương ngôn ngữ học, tập 2 (Nxb Giáo dục) đã trình bày những vấn đề cơ bản trong lý thuyết lập luận như: khái niệm lập luận; quan hệ lập luận; chỉ dẫn lập luận; lẽ thường trong lập luận... - Năm 2005, tác giả Nguyễn Đức Dân trong Nhập môn logic hình thức, logic phi hình thức (Nxb ĐHQG Hà Nội) tiếp tục trình bày những vấn đề như: đại cương về lập luận; mô hình khái quát; lập luận theo logic, theo logic tự nhiên; những vấn đề chung về chứng minh và bác bỏ; những sai lầm trong lập luận: ngộ biện và ngụy biện... - Năm 2009, tác giả Diệp Quang Ban trong cuốn Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo của văn bản (Nxb Giáo dục, Hà Nội) có bàn đến quan hệ lập luận - sự biểu hiện của mạch lạc trong văn bản. Trong công trình này, những vấn đề cơ bản như các bộ phận trong lập luận; các kiểu lập luận khái quát; quan hệ lập luận và một số vấn đề mới như lý thuyết mạng lập luận cũng được bàn tới. Các công trình nêu trên đều đã ít nhiều quan tâm nghiên cứu về kết tử lập luận. Tuy nhiên, ở mức độ chuyên sâu về kết tử phải kể đến một số luận văn thạc sĩ do GS. Đỗ Hữu Châu hướng dẫn tại trường ĐHSP Hà Nội như: - Trần Thị Lan (1994), Tìm hiểu kết tử đồng hướng lập luận trong tiếng Việt. Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội. - Nguyễn Minh Lộc (1994), Tìm hiểu kết tử nghịch hướng lập luận “NHƯNG” trong tiếng Việt. Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội. - Kiều Tập (1996), Các kết tử lập luận “nhưng”, “tuy…nhưng”, “thế mà/ vậy mà” và các topoi – cơ sở của lập luận. Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội. - Kiều Tuấn (2000), Các kết tử lập luận “thật ra/ thực ra”, “mà” và quan hệ lập luận. Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội. Một số kết quả nghiên cứu quan trọng đã đạt được của những công trình nghiên cứu nêu trên có thể kể đến như: Từ việc phân tích lập luận, các tác giả đã mô hình hóa cấu trúc các lập luận sử dụng kết tử đồng hướng, một số kết tử nghịch hướng (như: nhưng, tuy...nhưng, thực ra, mà...); phân tích quan hệ ngữ nghĩa giữa các thành phần luận cứ và kết luận trong các lập luận. Trên cơ sở đó, những nét cơ bản về đặc điểm và vai trò của kết tử trong lập luận tiếng Việt cũng đã bước đầu được làm sáng tỏ. Ngoài ra, một số vấn đề khác như lẽ thường hay sự thể hiện của các hành động ngôn từ trong lập luận, lập luận trong cặp thoại, lập luận trong các loại hình văn bản (tự sự, nghị luận, miêu tả) cũng đã được bàn đến. Ngoài những công trình tiêu biểu nêu trên, gần đây có nhiều bài viết khác về lập luận, kết tử lập luận cũng được đăng trên các tạp chí chuyên ngành như: - Trần Thị Giang, Kết cấu ngữ nghĩa của một số lập luận phức hợp. Tạp chí ngôn ngữ số 9, 2004. - Nguyễn Thị Hường, Tìm hiểu mạch lạc theo quan hệ nguyên nhân và quan hệ lập luận trong một số văn bản hành chính (cấp chính quyền cơ sở). Tạp chí ngôn ngữ, số 4, 2005. - Nguyễn Thị Thu Trang, Kết tử “vả lại” trong lập luận tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 04, 2010. - Nguyễn Thị Thu Trang, Vai trò của kết tử với việc tổ chức lập luận trong tiếng Việt. Tạp chí KH&CN, ĐH Thái Nguyên, tháng 8, 2010. - Nguyễn Thị Thu Trang, Kết tử nghịch hướng “tuy vậy/tuy thế” trong tiếng Việt. Kỷ yếu hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc 2010. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011. - Ngũ Thiện Hùng, Ngữ nghĩa – ngữ dụng của quán ngữ tình thái nhận thức “thảo nào”, “hóa ra”. Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 4, 2011. - Trần Thị Thùy Linh, Mô hình lập luận ưa dùng trong diễn ngôn quảng cáo. Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 8, 2011. Nhìn một cách tổng quát, mảng lập luận nói chung và kết tử lập luận nói riêng đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến nay số lượng các công trình liên quan chưa nhiều. Riêng về nhóm kết tử nghịch hướng các tác giả mới chỉ dừng lại ở một/ một vài kết tử. Kết quả nghiên cứu chưa cho phép khái quát nên đặc điểm chung của cả nhóm, đồng thời chưa chỉ ra đặc điểm riêng của từng kết tử. Tình hình nghiên cứu trên cho thấy việc triển khai đề tài Kết tử nghịch hướng trong lập luận tiếng Việt là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa lý luận sâu sắc. |
Tính cấp thiết
- Ở Việt Nam, cho đến trước 1993, lý thuyết lập luận còn khá lạ lẫm với Việt ngữ học, kể cả các nhà nghiên cứu quan tâm đến ngữ dụng học. Khoảng 20 năm trở lại đây, lý thuyết lập luận đã được tìm hiểu nhiều hơn nhưng số lượng các công trình, bài viết liên quan còn khá hạn chế. - Trong lập luận, các kết tử (connecteurs) có vai trò rất quan trọng. Kết tử cùng với các tác tử (opérateurs) và các dấu hiệu giá trị học (marques axiologiques) được xếp vào nhóm các chỉ dẫn lập luận – những dấu hiệu có giá trị quy ước được các thành viên trong một cộng đồng ngôn ngữ chấp nhận. Hễ cứ xuất hiện những chỉ dẫn trên thì tất cả mọi người trong cùng một cộng đồng phải thống nhất rằng cái lập luận nghe được phải được hiểu như vậy và tổ chức lập luận sao cho phù hợp với chúng. Như vậy, tìm hiểu kết tử chính là khám phá bản chất của lập luận. Do đó, để tạo lập nên những lập luận chặt chẽ và giàu sức thuyết phục cũng như để hiểu được lập luận, hiểu được diễn ngôn, việc nghiên cứu hoạt động và chức năng của kết tử là vô cùng quan trọng và cần thiết. |
- Trong hệ thống kết tử tiếng Việt, kết tử nghịch hướng là nhóm có tần số sử dụng rất cao với bản chất rất phức tạp. Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ một vài kết tử như “nhưng”, “tuy...nhưng”, “thực ra/ thật ra”, “thế mà/ vậy mà”, “tuy vậy/ tuy thế” được quan tâm tìm hiểu. Kết quả nghiên cứu chưa cho phép khái quát lên đặc điểm chung của nhóm, đồng thời chưa làm sáng tỏ đặc điểm riêng của từng kết tử trong hoạt động thực hiện chức năng của chúng. Do đó, việc triển khai đề tài sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đào sâu lý thuyết về kết tử nói riêng, góp phần mở rộng lý thuyết về lập luận nói chung trong ngữ dụng học tiếng Việt.
Mục tiêu
- Mô hình hóa được cấu trúc của những lập luận sử dụng kết tử nghịch hướng trong tiếng Việt ở tất cả các dạng: dạng chuẩn và dạng biến thể. - Phân tích và chỉ ra được đặc điểm, vai trò của các kết tử nghịch hướng trong lập luận tiếng Việt. |
- Đưa ra được những định hướng, lưu ý cần thiết giúp người đọc/ người nghe lĩnh hội và tiếp nhận lập luận một cách sâu sắc, giúp cho người viết/ người nói tạo lập những lập luận chặt chẽ và giàu sức thuyết phục.
Nội dung
- Nghiên cứu những vấn đề lý thuyết đại cương về lập luận: khái niệm “lập luận”, các thành phần lập luận, quan hệ lập luận, chỉ dẫn lập luận, lẽ thường trong lập luận, các dạng lập luận thường gặp... - Nghiên cứu cấu trúc lập luận sử dụng kết tử nghịch hướng trong tiếng Việt ở tất cả các dạng: dạng điển hình, dạng biến thể (biến thể đảo vị trí, biến thể thiếu vắng vị trí, biến thể mở rộng thành phần...) - Nghiên cứu đặc điểm và vai trò của kết tử nghịch hướng trong lập luận tiếng Việt. Về đặc điểm, đề tài tìm hiểu về số lượng, vị trí, cấu tạo, chức năng và tần số sử dụng kết tử nghịch hướng. Về chức năng, đề tài tập trung phân tích sự chi phối của kết tử nghịch hướng đối với tổ chức lập luận trên các phương diện như: kết tử với số lượng các vị trí trong lập luận, kết tử với trật tự sắp xếp các thành phần lập luận, kết tử với quan hệ lập luận... |
Tải file Kết tử nghịch hướng trong lập luận tiếng Việt tại đây
PP nghiên cứu
Đề tài có sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cơ bản như sau: - Phương pháp phân tích diễn ngôn: Đây là phương pháp được vận dụng trong quá trình phân tích lập luận, xử lý những mẫu lập luận nằm ở đơn vị ngôn ngữ bậc câu và trên câu (đoạn văn, văn bản), đặc biệt hữu ích đối với những hiện dạng không đầy đủ thành phần luận cứ/ kết luận. - Phương pháp thống kê, phân loại: Phương pháp này được vận dụng trong quá trình khảo sát ngữ liệu, là cơ sở để rút ra những đánh giá, nhận xét khoa học về đối tượng. - Phương pháp so sánh, đối chiếu: Đây là phương pháp cần thiết để rút ra những đặc điểm chung của cả nhóm cũng như đặc điểm riêng của từng kết tử trong hoạt động thực hiện chức năng. |
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Được vận dụng thường xuyên trong quá trình nghiên cứu. Phân tích sẽ làm cơ sở cho việc tổng hợp thành những vấn đề cần đạt được trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu. Phương pháp tổng hợp sẽ nhằm quy nạp các vấn đề đã nghiên cứu một cách tổng quát sau khi đã luận giải chi tiết.
Hiệu quả KTXH
- Đề tài là tài liệu tham khảo và học tập cần thiết cho sinh viên ngành Văn, đặc biệt hữu ích cho sinh viên ở học phần Ngữ dụng học tiếng Việt. |
- Kết quả nghiên cứu của đề tài phục vụ trực tiếp cho chủ nhiệm đề tài hoàn thành tốt luận án tiến sĩ “Kết tử lập luận trong tiếng Việt”.
ĐV sử dụng
BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)