Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Hình thành và phát triển năng lực giảng dạy hóa học cho giáo viên trường trung học phổ thông miền núi
Cơ quan chủ trì Đại học Thái Nguyên
Cơ quan thực hiện Đại học sư phạm
Loại đề tài Đề tài cấp Bộ
Lĩnh vực nghiên cứu Giáo dục học - Tâm lý học
Chủ nhiệm(*) Hoàng Thị Chiên
Ngày bắt đầu 01/2010
Ngày kết thúc 12/2011

Tổng quan

1.1. Vấn đề các phẩm chất và năng lực cần có của người giáo viên nói chung, của người giáo viên hóa học nói riêng, là một trong các nội dung được đề cập rải rác trong từng chương, bài của các giáo trình các môn học về Tâm lý học sư phạm, Giáo dục học và Lý luận dạy học  bộ môn hóa học.

- Các giáo trình Giáo dục học của các tác giả như: Nguyễn Văn Hộ, Hà Thị Đức, ... đề cập đến những phẩm chất chung của người giáo viên.

- Các giáo trình Tâm lý học sư phạm, Tâm lý học dạy học của một số tác giả như: Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Quang Uẩn... đề cập các khái niệm năng lực, kỹ năng, nkyx năng dạy học, kỹ năng giao tiếp sư phạm...

- Các tác giả: Nguyễn Cương, Trịnh Văn Biều, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Mạnh Dung, Nguyễn Thị Sửu, Đặng Thị Oanh... đã bước đầu đề cập những yêu cầu về phẩm chất và kỹ năng cần có của người giáo viên hóa học trong các tài liệu của các môn học Lý luận dạy học hóa học, được sử dụng trong chương trình đào tạo GV, tiêu biểu là giáo trình Phương pháp dạy học hóa học trường phổ thông và đại học - Một số vấn đề cơ bản  (2007) của tác giả Nguyễn Cương.

            Các tác giả trên đều chú trọng đến những phẩm chất và kỹ năng dạy học với cách tiếp cận về nghề dạy học theo lý thuyết hoạt động, qua đó dạy học là một loại hoạt động đặc thù, chưa đề cập đến vấn đề phát triển kỹ năng nghề nghiệp theo cách tiếp cận năng lực thực hiện trong đào tạo nghề.

1.2. Vấn đề phẩm chất, năng lực giáo dục, năng lực thực hành nghề nghiệp của người giáo viên đã được xem xét theo cách tiếp cận CDIO, vận dụng vào quá trình đào tạo giáo viên từ 2010, trong đó tài liệu chính là: Cải cách và xây dựng chương trình đào tạo kỹ thuật theo phương pháp tiếp cận CDIO (Rethinking Engineering Education the CDIO Approach) do Hồ Tấn Nhựt và Đoàn Thị Minh Trinh biên dịch, trong đó vấn đề năng lực thực hành nghề nghiệp được xem xét theo cách tiếp cận đầu ra, tức là dựa theo những chuẩn của sản phẩm nghề nghiệp mà xây dựng quy trình phát triển năng lực thực hành nghề.

1.3. Các kỹ năng giảng dạy chương trình phổ thông được hướng dẫn cụ thể qua hệ thống tài liệu sách giáo viên Hóa học các lớp, sách hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kỹ năng (của NXB Giáo dục Việt Nam). Ngoài hệ thống tài liệu trên, nhiều tác giả đã biên soạn tài liệu hỗ trợ cho các kỹ năng giảng dạy của giáo viên trong các công việc cụ thể:

- Các tác giả: Cao Cự Giác, Vũ Anh Tuấn, Đặng Thị Oanh, Trần Trung Ninh... biên soạn một số tài liệu về hướng dẫn thiết kế bài học, như: Thiết kế bài học Hóa học (lớp 10, 11, 12) của Cao Cự Giác, Giáo án hóa học 10 (11, 12) của Vũ Anh Tuấn, ...

- Các tác giả: Ngô Ngọc An, Vũ Anh Tuấn, Phạm Đình Hiến, Phạm Văn Hoan, Đặng Xuân Thư, Trần Trung Ninh... biên soạn một số tài liệu về sử dụng bài tập trong các bài học...

            Tuy nhiên trong các tài liệu trên, các tác giả thường dựa vào kinh nghiệm thực tế của mình tập trung biên soạn theo hướng đưa ra những giáo án của từng bài học theo SGK dựa theo yêu cầu chuẩn KT - KN của chương trình. Các giáo án đều chưa được kiểm nghiệm qua thực nghiệm sư phạm, hầu hết đều chung chung, mang tính chất gợi ý cho GV thực hiện các thao tác dạy học cụ thể. Các kỹ năng dạy học hóa học chưa được hệ thống hóa, nhất là vấn đề năng lực và phát triển năng lực dạy học cho giáo viên hóa học hầu như không được đề cập đến trong các tài liệu này.  

1.4. Vấn đề phát triển năng lực dạy học trong dạy học chương trình và SGK môn Hóa học trường THPT bước đầu được chủ nhiệm đề tài và những người tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu, có  một số kết quả nghiên cứu về vấn đề này, cụ thể qua các tài liệu:

- Hoàng Thị Chiên, Giáo dục môi trường trong dạy học hóa học, Tài liệu Bồi dưỡng thường xuyên cho GV THPT chu kỳ 2 (2005 - 2007).

- Hoàng Thị Chiên, Phùng Quốc Việt, Nâng cao năng lực cho giáo viên trong dạy học SGK lớp 10 - môn Hóa học, Tài liệu tập huấn bồi dưỡng GV cốt cán 4 tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Dự án THPT của Bộ GD&ĐT tại trường ĐHSP tháng 11  năm 2006

- Hoàng Thị Chiên, Phùng Quốc Việt, Nâng cao năng lực cho giáo viên trong dạy học SGK lớp 11 - môn Hóa học, Tài liệu tập huấn bồi dưỡng GV cốt cán 4 tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Dự án THPT của Bộ GD&ĐT tại trường ĐHSP tháng 11  năm 2007

- Dương Thị Tú Anh, Hoàng Thị Chiên, Đỗ Trà Hương, Phạm Thị Hà Thanh, Phạm Văn Thỉnh, Nâng cao năng lực cho giáo viên trong dạy học SGK lớp 12 - môn Hóa học, Tài liệu tập huấn bồi dưỡng GV cốt cán 4 tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Dự án THPT của Bộ GD&ĐT tại trường ĐHSP tháng 11  năm 2008.

   Tuy nhiên chưa có tác giả nào công bố kết quả nghiên cứu về vấn đề bồi dưỡng năng lực dạy học cho Giáo viên trong dạy học các nội dung môn Hóa học trường phổ thông (nói chung) và môn Hóa học trường THPT miền núi. 

Tính cấp thiết

         Đề tài được chọn xuất phát từ các lý do sau:

 2.1. Lý do thứ nhất: Dạy học là một nghề đặc biệt.

 2.1.1. Dạy học là một nghề đặc biệt, sự đặc biệt thể hiện rõ nhất ở vị trí và tính chất hoạt động của nhà giáo. Tuy ngày nay người ta có thể học bằng nhiều cách song con đường học tập với sự giảng dạy, chỉ đạo của GV vẫn là con đường mang lại  kết quả nhanh và tin cậy nhất. Chủ tịch HCM đã nói: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”, Luật GD thì ghi: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục”.

         Hoạt động của nhà giáo mang tính độc lập rất cao. Từ việc soạn bài, lên lớp, chấm bài, đánh giá người học … đều là hoạt động độc lập. Không những thế, hoạt động này vừa tác động vào nhận thức, vừa tác động vào tình cảm, tâm hồn của người học, giúp cho người học có phương pháp nhận thức kiến thức, trở thành những công dân tốt, những người lao động mới.

2.1.2. Đối tượng lao động của nhà giáo là con người với sự đa dạng và phức tạp vừa mang tính tự nhiên vừa mang tính xã hội.

 - Tuổi của người học: từ 3 tháng tuổi đến không giới hạn

- Cùng 1 lứa tuổi, người học cũng có nhiều sự khác biệt cả về điều kiện sống, cả về khả năng nhận thức, cả về tình cảm.

- Nhu cầu học khác nhau phụ thuộc vào điều kiện xã hội. Ở vùng thuận lợi HS có nhu cầu học thêm lớn, vùng khó khăn thì GV còn phải nghĩ cách thu hút HS đến trường…

- Người học một mặt chịu sự tác động của nhà giáo nhưng cũng có tác động ngược trở lại đối với nhà giáo.

2.1.3. Kết quả của hoạt động dạy và hoạt động học thường đến muộn, khó đo đếm được ngay như kết quả của một số hoạt động khác.

            Kết quả của dạy học không phải chỉ ở bảng điểm đẹp mà còn phải được đánh giá từ mục đích của giáo dục. Đó là nhằm hình thành, phát triển ở người học kiến thức, kỹ năng và thái độ đáp ứng nhu cầu của cuộc sống và lao động. Các kiến thức, kỹ năng, thái độ này được hình thành dần dần, kể cả đến khi việc học đã kết thúc, việc chuyển hóa chúng vào cuộc sống thực tiễn cũng có một độ “trễ” nhất định.

2.2. Lý do thứ hai: Dạy học là một nghề đặc biệt với những yêu cầu cao:

        Từ những điểm đặc biệt của việc dạy học trên đây dẫn đến yêu cầu đối với nhà giáo là rất cao. Trong khuyến nghị của UNESCO về vị thế của nhà giáo có đoạn viết “Dạy học phải được tôn trọng như một nghề nghiệp. Đây là một dạng dịch vụ công đòi hỏi GV phải chuyên về một kiến thức và kỹ năng chuyên môn, đạt được và tích lũy qua nghiên cứu không ngừng và nghiêm túc. Nó cũng đòi hỏi một năng khiếu cá nhân và trách nhiệm tập thể đối với giáo dục và bổn phận của học sinh”.

Yêu cầu đối với nhà giáo có thể khái quát thành 3 điểm chính:

         Thứ nhất: Yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp.

         Nghề nào cũng cần đạo đức song nghề dạy học yêu cầu cao hơn về đạo đức. Nhà giáo phải là tấm gương cho HS. Hơn thế nữa dân ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, nhà giáo là của xã hội nên xã hội không chấp nhận nhà giáo vi phạm đạo đức.

         Yêu cầu về đạo đức nhà giáo bao gồm yêu cầu về đạo đức công dân (nói chung) và đạo đức nghề nghiệp (nói riêng). Đó là lòng yêu nghề, say mê với nghề nghiệp, tình yêu thương, tôn trọng người học, sự công bằng, công tâm trong thực hiện công việc, đánh giá người học, lòng tự trọng, trách nhiệm…

         Thứ hai: Đòi hỏi cao về năng lực của nhà giáo

           Năng lực của nhà giáo bao gồm sự hiểu biết xã hội, chuyên môn sâu sắc trên nền kiến thức chung phong phú, phương pháp giảng dạy, giáo dục phát huy được những tiềm năng của người học, năng lực sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh trong công việc, năng lực quản lý quá trình hoạt động của tập thể và cá nhân người học, năng lực tự học, tự làm mới và phát triển nghề nghiệp của mình, năng lực tổng kết, đánh giá…

         Thứ ba: Đòi hỏi cao về phong cách làm việc.

          Phong cách, quan hệ giản dị, gần gũi mọi người. Cách làm việc tỉ mỉ, kiên nhẫn. Mỗi người học là một nhân cách khác nhau, nếu nhà giáo không gần gũi, tỉ mỉ thì không hiểu người học, không có cách dạy phù hợp, tác động giáo dục sẽ hạn chế.

           Người học là trẻ em còn non nớt nên nhà giáo phải có sự kiên trì, nhất là đối với những em có cá tính hoặc hạn chế về thể chất và tinh thần.

2.3. Lý do thứ ba: Hóa học là môn học đặc thù.

 Hóa học là môn học đặc thù có những tính chất rất riêng trong phương pháp nhận thức và phương pháp dạy học, đòi hỏi người giáo viên hóa học phải có những năng lực và kỹ năng đặc thù tương ứng. 

         Thực trạng trong những năm gần đây, kết quả các đợt tập huấn và bồi dưỡng GV cho thấy thực trạng chất lượng dạy học của đội ngũ GV hóa học tại các tỉnh miền núi chưa cao, dẫn đến chất lượng dạy học hóa học tại nhiều trường THPT ở miền núi còn thấp, điều này được phản ánh trong kết quả các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào đại học, các hoạt động khảo sát chất lượng GV... Thực tế cho thấy người GV giữ vai trò quan trong  trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Đối với các giáo viên hóa học, chương trình các môn học ở trường sư phạm thuộc Khối kiến thức giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế về việc rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, chủ yếu vẫn là các giờ học lý thuyết. Vì vậy nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên hóa học các trường THPT miền núi là nhu cầu cấp thiết để cải thiện chất lượng dạy học hóa học trường phổ thông miền núi.

Mục tiêu

       Xây dựng nội dung và quy trình bồi dưỡng năng lực và các kỹ năng dạy học trên lớp trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn hóa học các trường Trung học phổ thông miền núi.

Nội dung

- Xây dựng cơ sở lý luận về các kỹ năng dạy học trên lớp và kỹ năng dạy học hoá học của GV.

- Điều tra thực trạng về năng lực và kỹ năng của GV hoá học miền núi.

- Đề xuất quy trình bồi dưỡng năng lực dạy học và rèn luyện kỹ năng DHHH cho GV và cho SV miền núi

- Triển khai thực nghiệm sư phạm

Tải file Hình thành và phát triển năng lực giảng dạy hóa học cho giáo viên trường trung học phổ thông miền núi tại đây

PP nghiên cứu

Đề tài sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu sau:

  1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết:

- Phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa tài liệu.

- Phương pháp giả thuyết.

b. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn:

  - Quan sát sư phạm, điều tra giáo dục học, tổng kết kinh nghiệm để khảo sát thực tiễn giáo dục.

   - Thực nghiệm sư phạm.

 - Lấy ý kiến chuyên gia

Hiệu quả KTXH

Kết quả nghiên cứu của đề tài có những đóng góp vào những biến đổi xã hội: Hướng cho xã hội có cách nhìn mới về sản phẩm của Giáo dục và Đào tạo, quy trình đào tạo GV và những hiệu ứng xã hội đối với quá trình đào tạo nghề dạy học.

ĐV sử dụng

- Khoa Hóa học - Trường ĐHSP

- Khoa GD Trung học cơ sở  - trường ĐHSP

- Giáo viên môn hóa học các trường THPT

STT Tên đơn vị Người đại diện
1 Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hà
STT Tên người tham gia
1 Nguyễn Thị Tâm
2 Chu Mạnh Nhương
3 Đào Tiến Lưu

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*