Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết
Tên Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc- Một diện mạo khái quát
Lĩnh vực Văn học
Tác giả Nguyễn T Minh Thu
Nhà xuất bản / Tạp chí Văn hoá nghệ thuật Số 10 Năm 2014
Số hiệu ISSN/ISBN
Tóm tắt nội dung

Bài viết  khảo sát trên 20 tổng tập, tuyển tập và tập truyện cổ của các dân tộc thiểu số đã được sưu tầm, biên soạn và xuất bản nhằm khái quát diện mạo, phân loại và phân tích đặc điểm của một số thể loại truyện kể dân gian tiêu biểu như thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích. Có thể thấy, truyện kể dân gian của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc còn được lưu giữ phong phú với các thể loại thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn và có mặt ở nhiều dân tộc từ những dân tộc đông dân cư như Tày, Thái, H’mông, Dao...đến những dân tộc ít cư dân hơn như Mảng, Giáy… Trong đó, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích là những thể loại có số lượng truyện kể nhiều hơn cả và đóng góp quan trọng cho văn học dân gian các dân tộc thiểu số nói chung.

Thần thoại là thể loại xuất hiện sớm nhất và cũng là thể loại gắn bó mật thiết với đời sống tín ngưỡng của các dân tộc. Hiện chúng tôi tập hợp và nghiên cứu trên 51 thần thoại của 10 dân tộc. Nội dung của thể loại này tập trung vào ba nhóm cơ bản sau: Thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ, các hiện tượng tự nhiên và muôn vật, Thần thoại kể về nguồn gốc loài người và các dân tộc, Thần thoại kể về công cuộc chinh phục tự nhiên và sáng tạo văn hóa. Đây cũng là ba chủ đề quan trọng của thần thoại các dân tộc Việt Nam nói chung. Trong mỗi nhóm nội dung, thần thoại các dân tộc miền núi phía Bắc đều thể hiện những điểm tương đồng và cũng không ít khác biệt so với thần thoại dân tộc Việt và một số dân tộc thiểu số ở các khu vực khác. 

Về truyền thuyết, so với thần thoại, số lượng truyện kể khiêm tốn hơn và sự phân bố ở các dân tộc cũng không đồng đều. Qua khảo sát tư liệu, chúng tôi thấy hiện còn lưu truyền 41 truyền thuyết của các dân tộc: Tày, Thái, H’mông, Dao, Mảng, Khơ mú trong đó phong phú hơn cả là truyền thuyết Tày. Truyền thuyết các dân tộc chủ yếu có nội dung kể về các nhân vật anh hùng lịch sử và giải thích tên gọi, sự tồn tại của những địa danh nơi các dân tộc sinh sống.

Về thể loại truyện cổ tích, chúng tôi hiện tập hợp được 283 truyện. Trong đó, truyện cổ tích thần kỳ chiếm tỷ lệ lớn nhất với 158 truyện, cổ tích sinh hoạt gồm 76 truyện và 49 truyện cổ tích loài vật. Số lượng thực tế có thể lớn hơn rất nhiều nhưng những truyện đã được sưu tầm, xuất bản ở trên chính là những truyện được lưu truyền phổ biến và lâu dài hơn cả. Tỷ lệ các loại truyện cổ tích này có những tương đồng và khác biệt nhất định với truyện cổ tích các dân tộc thiểu số vùng miền khác. ng ít khác biệt so với thần thoại dân tộc Việt và một số dân tộc thiểu số ở các khu vực khác. 

Có thể khẳng định rằng, truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc có số lượng phong phú, bao gồm đầy đủ các thể loại như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười và truyện ngụ ngôn, trong đó, thần thoại và truyện cổ tích chiếm số lượng nhiều hơn những thể loại còn lại. Các dân tộc thiểu số tuy thuộc nhiều ngữ hệ khác nhau nhưng do điều kiện sinh sống khá gần gũi nên nguồn truyện kể các dân tộc cũng có khá nhiều điểm tương đồng tạo nên những mẫu số chung biểu hiện trong nhiều kiểu truyện kể. Chúng ta có thể hiểu được quan niệm chung của đồng bào các dân tộc qua những thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc các dân tộc, qua những truyền thuyết được kể nhằm giải thích tên gọi và sự hình thành của các địa danh, qua nhiều kiểu truyện cổ tích kể về những số phận trong xã hội như  người mồ côi, người con riêng, người em út, người xấu xí đội lốt vật… Truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc có những tương đồng cơ bản với truyện kể dân gian dân tộc Việt và các dân tộc thiểu số ở các vùng miền khác. Sự tương đồng thể hiện trên nhiều phương diện như cơ cấu thể loại, đặc trưng nội dung và hình thức của các thể loại, các nhóm truyện và type truyện tiêu biểu trong mỗi thể loại, thậm chí là hệ thống motif chính trong các type truyện. Bên cạnh đó, nhân dân các dân tộc nơi đây cũng có những sáng tạo riêng nhất định thể hiện do ảnh hưởng bởi đời sống tín ngưỡng, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào mình.