Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Nghiên cứu tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư cơ bản cho phát triển nông nghiệp nông thôn thành phố Thái Nguyên
Cơ quan chủ trì Đại học Thái Nguyên
Cơ quan thực hiện Khối cơ quan Đại học Thái Nguyên
Loại đề tài Đề tài cấp cơ sở
Lĩnh vực nghiên cứu Kinh tế học
Chủ nhiệm(*) Nguyễn Trọng Bằng
Ngày bắt đầu 06/2009
Ngày kết thúc 04/2010

Tổng quan

1.1   KHÁI NIỆM, VAI TRÒ VÀ ĐẶC ĐIỂM ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP 

1.1.1   Khái niệm của đầu tư phát triển CSHT phục vụ sản xuất  nông nghiệp

1.1.1.1.    Khái niệm của CSHT phục vụ sản xuất  nông nghiệp

Hoạt động sản xuất vật chất nói chung cũng như các hoạt động của sản xuất nông nghiệp nói riêng tuy có sự khác biệt riêng trong từng ngành sản xuất nhưng bản chất của các hoạt động này là sự kết hợp sức lao động của con người với tư liệu sản xuất theo một công nghệ nhất định nhằm tạo ra được sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của con người và cho xã hội. Đối với những công nghệ sản xuất tiên tiến có mức độ chuyên môn hoá, hiện đại hoá cao thì sức lao động trực tiếp của con người được giảm bớt và thay vào đó là kỹ năng quản lý, vận hành, giám sát quá trình hoạt động của công nghệ cũng như các kỹ năng bảo trì, bảo dưỡng. Trong tư liệu sản xuất có một bộ phận cũng tham gia vào quá trình này với tư cách là cơ sở, phương tiện chung hoặc làm nền tảng mà nhờ đó các hoạt sản xuất và dịch vụ, thương mại được thực hiện. Bộ phận này được hiểu là cơ sở hạ tầng (CSHT). Sau đây là một số khái niệm về CSHT: 

Theo quan điểm triết học: Cơ sở hạ tầng là toàn bộ những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của một xã hội nhất định.

Cơ sở hạ tầng của một xã hội cụ thể bao gồm quan hệ sản xuất thống trị, quan hệ sản xuất tàn dư của xã hội cũ và quan hệ sản xuất mầm mống của xã hội tương lai trong đó quan hệ sản xuất thống trị bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo chi phối các quan hệ sản xuất khác. Nó quy định xu hướng chung của đời sống kinh tế xã hội. Bởi vậy CSHT của một xã hội cụ thể được đặc trưng bởi quan hệ sản xuất thống trị trong xã hội đó. Tuy vậy, quan hệ sản xuất tàn dư của xã hội cũ và quan hệ sản xuất của xã hội mầm mống cũng có những vai trò nhất định. (Giáo trình triết học Mác - Lênin – NXB chính trị quốc gia tháng 8 năm 2006, trang 296, 297).

Từ điển tiếng Anh Oxford định nghĩa cơ sở hạ tầng như sau: “cơ sở hạ tầng là một thuật ngữ tổng hợp để chỉ những bộ phận kết cấu, nền tảng cho việc phát triển nền kinh tế” [6].

Ngân hàng Thế giới nhận xét cách định nghĩa này chưa rõ ràng, thay vào đó Ngân hàng Thế giới đưa ra cách định nghĩa cơ sở hạ tầng bằng việc chỉ ra những lĩnh vực liên quan và cho rằng những tài sản vốn để hình thành những lĩnh vực này được xem là cơ sở hạ tầng [7].

Cách định nghĩa cơ sở hạ tầng như trên đã thể hiện rõ nghĩa hơn. Tuy nhiên, EPAC (Economic Planning and Advisory Commission - Hội đồng Kế hoạch và Tư vấn kinh tế) còn đưa ra một định nghĩa cơ sở hạ tầng cụ thể hơn. Theo EPAC cơ sở hạ tầng bao gồm “những tài sản cố định nhằm cung cấp các dịch vụ cơ bản trong một khoảng thời gian dài và trong thời gian đó Chính phủ đóng vai trò quan trọng thông qua một, một số hoặc tất cả các chức năng như kế hoạch, thiết kế, cấp vốn, xây dựng, vận hành và quản lý bằng pháp luật” [8].

 Khái niệm CSHT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là toàn bộ những phương tiện vật chất, kỹ thuật hoặc cơ sở làm nền tảng là một bộ phận trong tư liệu sản xuất mà nhờ đó đã tham gia thúc đẩy vào quá trình sản xuất và dịch vụ, thương mại đợc thuận lợi, mà thiếu nó thì các hoạt động sản xuất và dịch vụ, thương mại trở nên khó khăn hoặc không thực hiện được. (TS.Vũ Đình Thắng – Ths. Hoàng Văn Định, Giáo trình kinh tế phát triển nông thôn  - NXB thống kê năm 2002, trang 63. Trường đại học kinh tế quốc dân).

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của một xã hội phát triển là khái niệm dùng để chỉ tổng thể những phương tiện vật chất và thiết chế làm nền tảng cho kinh tế - xã hội phát triển. 

Hoạt động sản xuất nông nghiệp được tiến hành chủ yếu là ở các khu vực ven đô thị, các vùng nông thôn nơi mà CSHT yếu kém và đang bị xuống cấp trầm trọng vì chưa được quan tâm đầu tư nhiều. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, thương mại phải đa năng vừa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vừa phải đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của xã hội ở khu vực đó có nghĩa là cần phải phát triển một kết cấu CSHT phải đáp ứng được tất cả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, cơ sở hạ tầng hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cơ sở hạ tầng kinh tế (như hệ thống giao thông, nhà máy điện, nhà máy xử lý rác...) và cơ sở hạ tầng xã hội (như trường học, cơ sở y tế, trung tâm thương mại...)[9].

1.1.1.2.   Khái niệm về đầu tư phát triển CSHT phục vụ cho sản xuất  nông nghiệp

+ Khái niệm về đầu tư :

-            Đầu tư là sự hy sinh các nguồn lực ở hiện tại để tiến hành các hoạt động nhằm thu hút được các kết quả, thực hiện được những mục tiêu nhất định trong tương lai [Giáo trình kinh tế đầu tư].

Các nguồn lực sử dụng có thể là tiền, là tài nguyên thiên nhiên, là sức lao động và trí tuệ. Những kết quả đạt được có thể là sự gia tăng tài sản vật chất, tài sản tài chính hoặc tài sản trí tuệ và nguồn nhân lực có đủ điều kiện để làm việc với năng suất cao hơn cho nền kinh tế và cho toàn bộ xã hội.

-            Theo định nghĩa của Luật đầu tư: “Đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để hình thành tài sản và tiến hành hoạt động đầu tư theo quy định của Luật đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

+ Các hình thức đầu tư :

- Đầu tư trực tiếp: là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư.

- Đầu tư gián tiếp: là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các loại giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia đầu tư.

+ Hoạt động đầu tư: Là hoạt động của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư bao gồm các khâu: chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý dự án đầu tư.[Luật đầu tư 2005].

+ Vốn đầu tư: Là tiền và các tài sản hợp pháp khác để thực hiện các hoạt động đầu tư trên một địa bàn cụ thể,trong khoảng thời gian xác định.

+ Vốn đầu tư nhà nước là vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư phát triển của nhà nước và các nguồn vốn nhà nước khác.

+ Chủ đầu tư: Là tổ chức, cá nhân sở hữu vốn hoặc thay mặt chủ sở hữu hoặc người vay vốn và trực tiếp quản lý sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư.

+ Đầu tư phát triển là một phương thức của đầu tư trực tiếp. Hoạt động đầu tư này nhằm duy trì và tạo ra năng lực mới trong sản xuất kinh doanh dịch vụ và sinh hoạt đời sống của xã hội. Đây là hình thức đầu tư trực tiếp tạo ra tài sản mới cho nền kinh tế, đơn vị sản xuất và cung ứng dịch vụ. Hình thức đầu tư này đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế tại mỗi quốc gia.

Như vậy, đầu tư phát triển CSHT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là đầu tư xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ, thương mại có chức năng trung gian đảm bảo sự di chuyển của luồng thông tin, vật chất nhằm phục vụ các nhu cầu sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu dùng cho xã hội.

Đầu tư phát triển CSHT cũng được hiểu là việc thiết lập một mối quan hệ gắn kết bên trong của các nhân tố cấu trúc mà nó tạo ra được một sự hợp nhất để hỗ trợ phát triển cho toàn bộ cấu trúc đó thì CSHT là sự phân giap những dịch vụ cần thiết như là: cấp nước, vệ sinh môi trường, giao thông vận tải, năng lượng, công nghệ thông tin ... mà những yếu tố đó là cơ sở nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và của lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng.

Đầu tư phát triển CSHT cũng được hiểu là việc thiết lập một hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo cho một tổ chức là các đơn vị sản xuất và dịch vụ, thương mại các công trình sự nghiệp có chức năng di chuyển các luồng thông tin, vật chất nhằm phục vụ các nhu cầu có tính phổ biến của sản xuất và sinh hoạt của người dân trong xã hội để đạt được hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất.

1.1.2. Vai trò của đầu tư phát triển CSHT trong sản xuất  nông nghiệp   

Trong từng giai đoạn phát triển của sản xuất nông nghiệp nói riêng dựa trên một hệ thống kết cấu CSHT nhất định và phù hợp với giai đoạn phát triển đó. Tại Việt Nam thực tế quá trình phát triển của đất nước so với các ngành sản xuất vật chất khác thì CSHT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ít được quan tâm đầu tư cũng như cơ cấu đầu tư luôn thấp hơn rất nhiều lần so với các ngành khác như: công nghiệp, điện năng, viễn thông, giao thông.... Với xuất phát điểm là một nước nông nghiệp lạc hậu và bị tàn phá nặng nề sau các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc kéo dài, đầu tư phát triển CSHT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, thương mại và phát triển nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó tác động ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của toàn xã hội. Vai trò của phát triển CSHT nông nghiệp và nông thôn được thể hiện ở một số mặt chủ yếu sau đây: [.(TS.Vũ Đình Thắng – Ths. Hoàng Văn Định, Giáo trình kinh tế phát triển nông thôn  - NXB thống kê năm 2002, trang 63. Trường đại học kinh tế quốc dân).

1.1.2.1. Vai trò của CSHT trong sản xuất  nông nghiệp

a. Mức độ và trình độ phát triển kết cấu CSHT là một chỉ tiêu phản ánh và đánh giá trình độ phát triển nói chung của nông nghiệp - nông thôn

Khi nền kinh tế xã hội ngày càng phát triển theo kịp xu thế của thời đại ngày càng đòi hỏi sự đầu tư phát triển CSHT trở nên bức thiết, là điều kiện cần cho sự phát triển. Đối với hầu hết các quốc gia có nền sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp thì nhu cầu này đòi hỏi ở mức độ cao hơn rất nhiều. Trong điều kiện nền sản xuất nông nghiệp tự cung , tự cấp và trình độ  sản xuất chưa phát triển thì các yếu tố về CSHT còn đơn giản và yếu kém. Trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới đòi hỏi sự phát triển nhanh và hiện đại của CSHT về tất cả các mặt kinh tế và xã hội và không thể thiếu bất kỳ một yếu tố liên quan nào.   

b. Hệ thống kết cấu CSHT giữ vai trò quyết định trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn

            Trong giai đoạn hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang trong quá trình cần đẩy nhanh tốc độ phát triển sản xuất kinh tế hàng hoá lớn dựa trên cơ sở CNH-HĐH và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn. Tuy nhiên, với thực trạng yếu kém và lạc hậu của CSHT sản xuất nông nghiệp đã làm cản trở quá trình này ở mức độ cao và tác động xấu đến quá trình sản xuất và dịch vụ, thương mại nông nghiệp - nông thôn. Rõ nét nhất là hệ thống đường giao thông vận tải, thông tin liên lạc, điện năng, các công trình thuỷ lợi đầu mối,... một vùng hoặc một khu vực nào đó thiếu vắng CSHT này sẽ làm gián đoạn quá trình trao đổi và lưu thông hàng hoá, thông tin về giá cả thị trường thay đổi sẽ không được cấp nhật đầy đủ làm cho sản phẩm hàng hoá sản xuất ra không đáp ứng được với yêu cầu, thị hiếu tiêu dùng của xã hội dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu của thị trường kể cả về chất lượng, mẫu mã, chủng loại cũng như giá cả.   

c. Phát triển hệ thống CSHT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp - nông thôn một cách đồng bộ và toàn diện là cách thức để xoá bỏ sự chênh lệch trong quá trình phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn

            Đầu tư phát triển CSHT phục vụ cho sản xuất và phát triển nông nghiệp nông thôn trước hết là hệ thống đường giao thông nông thôn, thông tin liên lạc, điện năng, các công trình thuỷ lợi, các trại cung cấp giống và phân bón,... sẽ tạo được cơ sở cho việc tăng cường giao lưu kinh tế - văn hoá xã hội, phá bỏ sự khép kín của sản xuất nông nghiệp nông thôn truyền thống từ sản xuất mang tính tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá theo xu hướng thị trường.

            Phát triển CSHT nông thôn một cách đồng bộ và toàn diện là cách thức phân bố rộng khắp những thành tựu của sự phát triển khoa học kỹ thuật của nhân loại vào phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao giá trị cũng như chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá từ đó nâng cao trình độ tay nghề và nâng cao thu nhập cho người lao động, dần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, tạo lập được sự cân bằng về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng trong cả nước, đặc biệt là giữa thành thị và nông thôn.  

1.1.2.2. Vai trò của đầu tư phát triển CSHT phục vụ cho sản xuất  nông nghiệp

a. Vai trò của đầu tư phát triển: Đầu tư là nhân tố đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ở mọi thời đại. Vai trò của đầu tư được thể hiện ở hai mặt chính: (i) Trên góc độ toàn bộ nền kinh tế đất nước, đầu tư vừa là yếu tố tác động đến tổng cung vừa tác động đến tổng cầu. (ii) Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thương mại.   

Đầu tư (I) là một trong những bộ phận quan trọng của tổng cầu (AD = C + I + G + X - M). Vì vậy, khi quy mô đầu tư thay đổi cũng sẽ có tác động trực tiếp đến quy mô tổng cầu. Tuy nhiên, tác động của đầu tư đến tổng cầu là ngắn hạn. Khi tổng cung chưa kịp thay đổi, sự tăng lên của đầu tư sẽ làm cho tổng cầu tăng, kéo theo sự gia tăng của sản lượng và giá cả các yếu tố đầu vào. Trong dài hạn, khi các thành quả của đầu tư đã được huy động và phát huy tác dụng, năng lực sản xuất và cung ứng dịch vụ gia tăng thì tổng cung cũng sẽ tăng lên. Khi đó sản lượng tiềm năng sẽ tăng và đạt mức cân bằng trong khi giá cả của sản phẩm sẽ có xu hướng đi xuống. Sản lượng tăng trong khi giá cả giảm sẽ kích thích tiêu dùng và hoạt động sản xuất cung ứng dịch vụ của nền kinh tế. Đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn ta nhận thấy:

Về mặt cầu: Khi chính phủ đầu tư phát triển CSHT nông nghiệp sẽ làm tăng nhanh chóng nhu cầu về thị trường các yếu tố như xây dựng cơ bản, điện, nước, lao động ...

Về mặt cung: Khi chính phủ đầu tư phát triển CSHT nông nghiệp trước hết làm tăng cầu đối với thị trường các yếu tố xây dựng cơ bản khi đó sẽ làm cho cung về thị trường đó tăng lên theo quy luật cung cầu. Sau quá trình đó, khi các yếu tố CSHT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được hoàn thành sẽ là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh chóng và làm tăng cung về thị trường nông sản hàng hoá cả đầu vào và đầu ra.

Về mặt lý luận, hầu hết các tư tưởng, mô hình và lý thuyết về tăng trưởng kinh tế đều trực tiếp hoặc gián tiếp thừa nhận đầu tư và việc tích luỹ vốn cho đầu tư là một nhân tố quan trọng cho việc gia tăng năng lực sản xuất, cung ứng dịch vụ cho nền kinh tế. Từ các nhà kinh tế học cổ điển như Adam Smith trong cuốn "Của cải của các dân tộc" đã cho rằng "vốn đầu tư là yếu tố quyết định chủ yếu của số lao động hữu dụng và hiệu quả". Việc gia tăng quy mô vốn đầu tư sẽ góp phần quan trọng trong việc gia tăng sản lượng quốc gia và sản lượng bình quân mỗi lao động. Sang thế kỷ XX, nhiều tác giả của các lý thuyết và mô hình tăng trưởng như Nurkse, Arthur Lewis hay Rosentein-Rodan, Hirschman đều đánh giá vai trò của đầu tư có ý nghĩa nhất định đối với tăng trưởng và phát triển của các quốc gia. Theo mô hình Harrod-Domar, mức tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc trực tiếp vào mức gia tăng vốn đầu tư thuần.

 

Từ đó có thể suy ra:

 

Trong đó:

DY: Mức gia tăng sản lượng

DK: Mức gia tăng vốn đầu tư

I: Mức đầu tư thuần

K: Tổng quy mô vốn của nền kinh tế

Y: Tổng sản lượng của nền kinh tế

ICOR: là hệ số gia tăng vốn - sản lượng (Increametal Capital - Output Ratio).

Mối quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng thể hiện cũng rất rõ nét trong tiến trình đổi mới mở cửa nền kinh tế nước ta thời gian qua. Với chính sách đổi mới, các nguồn vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài ngày càng được đa dạng hoá và gia tăng về quy mô, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đạt được cũng rất thoả đáng. Cuộc sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận dân cư ngày càng được cải thiện. [Giáo trình kinh tế đầu tư]

Ngoài ra, đầu tư còn có tác động hai mặt đến sự ổn định và phát triển kinh tế của đất nước. Các nhà nghiên cứu kinh tế chỉ ra răng tỷ lệ đầu tư phải đạt tối thiểu từ 15% - 25% của GDP tuỳ thuộc vào ICOR (tổng vốn đầu tư/mức tăng GDP) của mỗi quốc gia. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy chỉ tiêu ICOR phụ thuộc mạnh vào cơ cấu kinh tế và hiệu quả đầu tư trong các ngành, các vùng lãnh thổ cũng như phụ thuộc vào hiệu quả của các chính sách kinh tế nói chung. Thông thường, hệ số ICOR nông nghiệp thấp hơn so với các ngành khác vì hiệu quả sản xuất thấp và sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và luôn tiềm tàng rủi ro.

Đầu tư CSHT phục vụ cho cho sản xuất nông nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong khu vực nông nghiệp - nông thôn. Do bị hạn chế về yếu tố đất đai, khả năng sinh học nên để đạt được tốc độ tăng trưởng 5% đến 6% là rất khó khăn. Như vậy, đầu tư quyết định quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Cơ cấu đầu tư theo vùng và theo lãnh thổ có tác dụng giải quyết sự mất cân đối về phát triển giữa các vùng lãnh thổ, đưa những vùng yếu kém phát triển thoát khỏi đói nghèo, giúp các khu vực phát huy được lợi thế so sánh về tài nguyên: đất đai, khí hậu tiểu vùng và làm động lực cho những khu vực khác cùng phát triển.

Đầu tư góp phần nâng cao năng lực cho khoa học và công nghệ tiên tiến. Đầu tư phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến là trọng tâm của CNH-HĐH, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và tăng cường khả năng công nghệ của đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới.   

 

b. Vai trò của đầu tư phát triển CSHT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp

Đầu tư phát triển CSHT tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển đa dạng và giảm bớt sự phụ thuộc vào thiên nhiên. Việc đầu tư các công trình thuỷ lợi có thể chủ động được nước tưới, tiêu để sản xuất lúa, ngô và các cây hoa màu khác làm thay đổi tập quán canh tác và thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

            Đầu tư phát triển CSHT như đường giao thông, thông tin liên lạc giúp cho việc giao lưu hàng hoá thuận lợi. Sản phẩm nông sản hàng hoá được làm ra có cơ hội tiêu thụ nhanh hơn trước đây với số lượng lớn.

            Đầu tư phát triển CSHT phục vụ cho chế biến, bảo quản các sản phẩm nông sản hàng hoá giúp cho sản phẩm nông nghiệp gia tăng được giá trị cũng như thời hạn bảo quản, từ đó làm tăng thu nhập cho người sản xuất và thu hút được lao động địa phương trong các lĩnh vực thu gom, chế biến, tiêu thụ. Ngoài ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo thì đầu tư phát triển CSHT nông nghiệp nông thôn còn giúp ổn định đời sống dân cư, nâng cao chất lượng và đời sống văn hoá của người dân nông thôn vùng sâu, vùng xa, người dân tốc thiểu số.

            Đầu tư CSHT cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến sẽ giúp cho sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh hơn bắt kịp với sự phát triển của các nước trên thế giới, tạo ra những đột phá mới dựa trên những tiến bộ khoa học về giống cây con, công nghệ canh tác, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh... Chuyển giao và ứng dụng trong điều kiện nước ta các thành tựu của khoa học mới trên thế giới đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất sạch an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường.

1.1.3. Đặc điểm của đầu tư phát triển CSHT sản xuất  nông nghiệp nông thôn

1.3.1.1. Đặc điểm của CSHT sản xuất  nông nghiệp nông thôn

Thứ nhất, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp thường trải trên một địa bàn rất rộng lớn, hệ thống này phục vụ cho rất nhiều đối tượng ngành nghề khác nhau cùng sử dụng nên nó phải mang tính phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội rất cao. Tức là tính chất hàng hóa công cộng rất cao, đa mục đích vì rất nhiều loại đối tượng cùng sử dụng và khai thác lợi ích hệ thống cơ sở hạ tầng này, ví dụ như: các doanh nghiệp, xí nghiệp thuộc mọi ngành nghề sản xuất kinh doanh, mọi cá nhân từ các thành phần kinh tế khác nhau…đều có nhu cầu sử dụng đường giao thông, điện, nước,…cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt đời sống.

Thứ hai, kết cấu cơ sở hạ tầng có tính hệ thống cao, vì kế cấu CSHT là một hệ thống liên kết phức tạp trên phạm vi cả nước không chỉ riêng cả ngành sản xuất nông nghiệp, với mức độ ảnh hưởng cao thấp khác nhau tới sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng nông thôn tới tận làng, xã. Các bộ phận này có mối liên kết với nhau trong khi tham gia vào hoạt động khai thác hiệu quả trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp nông thôn. Việc xây dựng và phát triển kết cấu CSHT phải dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu CSHT phải được kết hợp đồng bộ giữa các loại CSHT với nhau, đảm bảo việc giảm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng các công trình hạ tầng đa mục đích. Phát huy lợi thế tiềm năng của từng vùng kinh tế và liên vùng trong cả nước.

Sự hợp lý trong tổ chức sản xuất - xã hội của các ngành tạo ra sự tập trung hợp lý các nhu cầu riêng, là điều kiện cho chuyên môn hóa các hoạt động dịch vụ sản xuất. Ngoài ra, sự phát triển nền kinh tế hàng hóa, với sự mở rộng phạm vi kinh doanh ra ngoài phạm vi các lãnh thổ hẹp, truyền thống, ngoài phạm vi quốc gia, cũng cần hàng loạt các nhu cầu giao lưu trao đổi hàng hóa dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, thông tin,…Những nhu cầu trên đây ở thời đại phát triển của khoa học kỹ thuật cho phép được đáp ứng bằng các cơ sở hạ tầng dịch vụ hiện đại mà từng cơ sở sản xuất kinh doanh không thể nào đáp ứng được một cách có hiệu quả, phải cần có sự kết nối thống nhất của hệ thống cơ sở hạ tầng.

Thứ ba, tạo ra một hệ thống kết cấu cơ sở đồng bộ, hiện đại cho đời sống kinh tế - xã hội cũng là nhằm mục đích tổ chức khai thác và phân phối lợi ích tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý công bằng cho mọi thành viên trong cộng đồng, tạo sự phát triển đồng đều thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, tạo đà phát triển đi lên một cách bền vững của toàn bộ nền kinh tế - xã hội.

1.1.3.2. Đặc điểm của đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước

a) Đặc điểm đầu tư phát triển CSHT phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đầu tư cơ sở hạ tầng đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn đủ sức tái sản xuất mở rộng, sự vận động của của hệ thống cơ sở hạ tầng này sẽ đảm bảo sự gia tăng giá trị cao hơn giá trị đồng vốn bỏ ra theo thời gian để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của toàn bộ nền sản xuất và đời sống kinh tế xã hội. Trong giai đoạn phát triển mới hội nhập vào nền kinh tế - văn hóa - xã hội thế giới càng đòi hỏi việc đầu tư phát triển CSHT phải đáp ứng được các yêu cầu cho sự phát triển của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, an toàn, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Hoạt động đầu tư CSHT cho sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư CSHT đa ngành, đa mục đích. Ngoài việc đầu tư CSHT phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội còn phải đảm bảo việc phát triển bền vững để bảo vệ môi trường và sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở nên cạn kiệt và bị ô nhiễm hơn như tài nguyên nước, khí hậu, đất đai.

Việc đầu tư phát triển các công trình hạ tầng cần thiết tạo ra một kết cấu đồng bộ về cơ sở vật chất kỹ thuật cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy việc quản lý nguồn vốn này đòi hỏi phải tuân thủ các quy trình thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản chặt chẽ, kế hoạch phân bổ vốn phải hợp lý giữa các lĩnh vực phát triển hạ tầng với các hoạt động kinh tế - xã hội của từng chuyên ngành nhỏ trong sản xuất và dịch vụ nông ngiệp - nông thôn trong địa bàn từng vùng.

Thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo quy hoạch tổng thể là thực hiện tính đồng bộ, tính phối kết hợp các lọai công trình cơ sở hạ tầng ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn mang tính xã hội và nhân văn. Các công trình hạ tầng thường lớn, chiếm vị trí trong không gian. Tính hợp lý của các công trình này đem lại sự thay đổi lớn trong cảnh quan môi trường và có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến việc sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt của địa bàn dân cư nông thôn.

Các công trình hạ tầng cho nông nghiệp và nông thôn đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn nhưng lại rất khó thu hồi vốn.

Thêm nữa là, các công trình hạ tầng đều là những công trình xây dựng quy mô lớn và trên phạm vi rộng nên thường mang tính ấn tượng cao, biểu thị sự phồn thịnh và thường gắn với những cá nhân tổ chức thực hiện. Chính điều này việc đầu tư phát triển công trình hạ tầng sẽ dẫn tới việc “chạy dự án”, mục đích là tìm cách đầu tư công trình có quy mô lớn, nhưng không có giá trị sử dụng cho các hoạt động kinh tế và văn hóa - xã hội gây lãng phí nguồn lực cho sự phát triển kinh tế, dễ xảy ra nạn thất thoát, tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội [11].

Trong xây dựng mỗi loại công trình hạ tầng khác nhau có những nguồn vốn đầu tư khác nhau nên việc xây dựng, quản lý,vận hành sử dụng các công trình hạ tầng bền vững cần chú ý: Đảm bảo nguyên tắc là gắn quyền lợi với nghĩa vụ thực hiện phân cấp trong xây dựng, quản lý và sử dụng, vận hành và bảo dưỡng công trình cho từng cấp chính quyền địa phương tại địa bàn để khuyến khích việc sử dụng có hiệu quả hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng.

b) Đặc điểm đầu tư phát triển CSHT sản xuất nông nghiệp từ nguồn vốn ngân sách.

Đầu tư các công trình hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước là từ nguồn vốn tích lũy của Nhà nước nhằm mục đích làm thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu bằng nền sản xuất hiện đại có năng xuất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nông, lâm thủy sản trên thị trường trong và ngoài nước.

Vốn đầu tư được xem là ngân sách nhà nước (hoặc được coi là nguồn ngân sách nhà nước), bao gồm: Vốn từ ngân sách nhà nước cấp; Vốn đầu tư phát triển; vốn tín dụng đầu tư của phát triển nước bảo lãnh; vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; Vốn đầu tư nước ngoài gồm; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn các tổ chức phi chính phủ (NGO’s) nhưng thông qua chính phủ, vốn vay của các tổ chức tài chính thế giới mà nhà nước đứng ra bảo lãnh vay hoặc cho vay lại để đầu tư đều được xem là nguồn vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước.

Các công trình hạ tầng dịch vụ đầu tư cho mục tiêu phát triển công cộng như: đường giao thông, trường học, trạm xá, điện, thủy lợi, cấp nước,… thường khó thu hồi vốn và cần được nhà nước đầu tư bằng ngân sách. Các công trình đầu tư phục vụ trực tiếp cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp - nông thôn hiện nay vẫn đang được nhà nước đầu tư và đang có xu hướng chuyển dần sang hình thức xã hội hoá nhà nước và nhân dân cùng làm.

            Nhà nước cần chuyển sang khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tự bỏ vốn đầu tư nâng cấp, duy tu bảo dưỡng vào những công trình lớn của nhà nước trước đây cũng như đầu tư xây dựng mới để tự thân các nhà đầu tư tự lo đầu tư kinh doanh và chịu rủi ro với đồng vốn họ bỏ ra. Nhà nước chỉ là người quản lý giám sát quá trình đầu tư không trực tiếp tham gia vào quá trình đầu tư CSHT cho sản xuất kinh doanh, thực hiện đẩy nhanh quá trình xã hội hóa về đầu tư công trình hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

            Chính sự điều tiết của thị trường và các chính sách khuyến khích đầu tư của nhà nước sẽ hướng tới việc sử dụng vốn hiệu quả, tiết kiệm hơn cho các nhà đầu tư, từ đó hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý, có nghĩa sẽ khuyến khích người có vốn trong và ngoài nước (đặc biệt là tư nhân) là chủ đầu tư không chỉ đầu tư cho lĩnh vực sinh lãi nhanh ít rủi ro như thương mại, mà vẫn đầu tư cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật là những lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, rủi ro cao nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, hoặc không chỉ đầu tư tài chính, đầu tư chuyển dịch mà còn đầu tư phát triển hạ tầng.

Dựa vào đặc điểm lợi thế và tiềm năng của từng vùng kinh tế nông nghiệp thì đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sẽ ưu tiên cho loại hạ tầng nào tạo điều kiện phát huy cao độ lợi thế và tiềm năng của vùng, qua đó có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa bàn theo chiều hướng ngày càng phát triển bền vững. Đây cũng là đặc điểm riêng của hoạt động đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.

     Xu hướng đầu tư phát triển CSHT phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn hiện nay, thì nhà nước chỉ giữ vai trò chủ quản lý, kiểm tra giám sát, xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng phù hợp để huy động các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư phát triển và quản lý khai thác cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy nội dung “giám sát và đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của các công trình dự án đầu tư CSHT cho sản xuất nông nghiệp” đã trở thành một yêu cầu cấp thiết, trở thành công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu nhất để quản lý, giám sát các dự án đầu tư trong sản xuất nông nghiệp, làm cơ sở đề ra những quyết sách đầu tư thích hợp.

1.1.3.3. Vai trò của nhà nước trong quản lý các hoạt động đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp có nguồn vốn ngân sách.

            Mục tiêu của công tác quản lý đầu tư của nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm mục tiêu là bảo vệ quyền lợi của ngành nông nghiệp thống nhất trên phạm vi quốc gia, bảo vệ những lợi ích chung nhất cho mọi thành viên trong công đồng, đặc biệt là các lợi ích dài hạn.

Đảm bảo thực hiện tốt nhất các mục tiêu chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong từng thời kỳ phải phù hợp với mục tiêu phát triển chung về kinh tế - xã hội của cả nước.

Vì đầu tư phát triển CSHT luôn đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, trong giai đoạn phát triển trước đây hầu hết các công trình đều đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Có nhiều hạn chế về chủ quan và khách quan nên việc quản lý vốn từ ngân sách nhà nước là rất yếu kém gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng, đầu tư không có hiệu quả, … đã xảy ra trong một thời gian quá dài.

Vai trò của Nhà nước trong việc phân bổ, quản lý điều hành, kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư này là rất quan trọng, có tính chất chuyên định trong việc thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ của ngành nông nghiệp hòa cùng một nhịp với cả nền kinh tế - xã hội. Vai trò đó được thể hiện trên các khía cạnh sau:

a) Quản lý Nhà nước trong điều hành nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển CSHT phục vụ sản xuất nông nghiệp

Vai trò và nhiệm vụ quản lý của nhà nước phải thể hiện rõ ràng gianh giới vừa là trọng tài, giám sát và vừa là người thực hiện, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với cơ sở gồm các đơn vị: Sự nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ để tránh được những tiêu cực rất dễ xảy ra trong nền kinh tế thị trường.

Riêng trong lĩnh vực đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thì vai trò quản lý của nhà nước cụ thể và trực tiếp hơn, tuy nhiên cũng không được quá chi tiết vì không thể quản lý chi tiết được và vi phạm quyền tự chủ của cơ sở. Quản lý nhà nước phải tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua các chiến lược, kế hoạch định hướng, luật pháp, quy chế, thông tin và điều hòa lợi ích xã hội.

Đảm bảo kiểm tra, giám sát chặt chẽ về quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng công trình theo quy hoạch và thiết kế kỹ thuật đúng tiến độ, thời gian, chất lượng công trình với chi phí hợp lý.

Thực hiện việc đánh giá hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế - xã hội những tác động, ảnh hưởng của công trình dự án đầu tư khi hoàn thành và đi vào khai thác sử dụng theo chu kỳ ngắn hạn và dài hạn.

b) Về cơ chế quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư.

Cơ chế quản lý đầu tư là sản phẩm chủ quan của cấp quyết định đầu tư (chủ thể quản lý đầu tư) trên cơ sở nhận thức và vận dụng các quy luật khách quan, chủ yếu là các quy luật kinh tế, phù hợp với các đặc điểm và điều kiện cụ thể của hoạt động đầu tư (đối tượng quản lý) là công cụ của chủ thể quản lý (chủ đầu tư) để điều khiển hoạt động đầu tư.

Cơ chế quản lý đầu tư thể hiện ở các hình thức tổ chức quản lý và phương pháp quản lý. Các bộ phận cấu thành chủ yếu của cơ chế quản lý đầu tư là hệ thống tổ chức bộ máy quản lý và quá trình điều hành quản lý, hệ thống kế họach đầu tư, hệ thống các chính sách và đòn bẩy kinh tế trong đầu tư. Như cơ chế quản lý kinh tế. Sử dụng vốn đầu tư với các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp, được quy định rất cụ thể.

c) Nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

            Hoạt động đầu tư phát triển ngành nông nghiệp mang tính liên ngành, có quan hệ quyết định đến quá trình hình thành và hoạt động của mỗi ngành, mỗi địa phương và ở các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, có liên quan trực tiếp đến việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản, đất đai, rừng, biển đến an ninh quốc phòng và sử dụng một nguồn vốn lớn của nhà nước do xã hội và người dân đóng góp, đó là:

- Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch định hướng, cung cấp thông tin, dự báo để hướng dẫn đầu tư. Xây dựng kế hoạch định hướng cho các địa phương và vùng lãnh thổ do ngành mình phụ trách, đảm bảo sự thống nhất trong việc đầu tư tập trung theo ưu tiên phát triển của ngành, và thông qua đó làm cơ sở hướng dẫn cho các nhà đầu tư.

- Xây dựng các cơ chế chính sách về quản lý đầu tư theo luật đầu tư xây dựng, luật bảo vệ môi trường, luật đất đai, đấu thầu,…của nhà nước hiện hành. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi và đúng khuôn khổ pháp luật, cạnh tranh bình đẳng theo đúng kế hoạch định hướng và dự báo kinh tế.

- Có chính sách điều hòa thu nhập giữa chủ đầu tư, chủ thầu xây dựng, người lao động và lực lượng dịch vụ, tư vấn thiết kế,…phục vụ đầu tư. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với người lao động trong lĩnh vực thực hiện đầu tư.

- Quản lý việc sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên nước một cách hợp lý, bảo vệ môi trường, quản lý việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, và CSHT xã hội phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn.

- Tổ chức hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trực thuộc theo đúng chức năng, nhiệm vụ điều tiết của các sản phẩm của ngành sản xuất nông nghiệp.

            - Xây dựng chính sách cán bộ lĩnh vực đầu tư, quy định chức năng, tiêu chuẩn hóa cán bộ. Bồi dưỡng cán bộ và xử lý vấn đề cán bộ thuộc thẩm quyền nhà nước.

- Thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, chống các hiện tượng tiêu cực, lãng phí trong đầu tư.

            - Đảm bảo đáp ứng đầu tư phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với cả nước.

            - Có các giải pháp quản lý đồng bộ trong việc sử dụng vốn cấp từ ngân sách nhà nước cho từng ngành và lĩnh vực, từ xác định chủ trương đầu tư, cân đối vốn, quy hoạch, thiết kế thi công tổng dự toán xây dựng công trình, nghiệm thu quyết toán công trình và cả quá trình vận hành và bảo dưỡng sau đầu tư. Quản lý việc sử dụng các nguồn vốn khác để có thể lồng ghép, phối hợp đầu tư của các chương trình, dự án trên cùng một địa bàn, đảm bảo cân đối nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của ngành một cách tiết kiệm, tránh đầu tư dàn trải kém hiệu quả, đảm bảo tính bền vững và phát huy tối đa hiệu quả sử dụng của công trình đầu tư.

- Nghiên cứu vận dụng những kinh nghiệm tốt, phù hợp hoàn cảnh Việt Nam của các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là những nước có nền kinh tế phát triển dựa trên sản xuất nông nghiệp và nông thôn làm điểm xuất phát. Xây dựng hệ thống cơ sở chính sách, phương thức quản lý đầu tư phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế, mở rộng hợp tác đầu tư phát triển với các nước. Đồng thời có chủ trương đúng đắn trong quan hệ hợp tác, chuẩn bị nguồn lực về tài chính, vật chất, lao động phù hợp với chủ trương của nhà nước, của ngành về đầu tư hợp tác với nước ngoài.

1.2 NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP.

            Như trên đã trình bày, do đặc điểm đầu tư phát triển trong ngành sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn thường kém hấp dẫn, nhiều rủi ro, lãi suất thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài,…đồng thời là lĩnh vực sản xuất phụ thuộc vào nhiều biến động thời tiết thất thường, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh,… Hơn nữa, hoạt động đầu tư trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn thường tiến hành trên một phạm vi không gian rộng là những nơi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thấp, địa hình địa lý phức tạp. Điều này làm tăng thêm tính phức tạp của việc quản lý, giám sát và điều hành các công việc của từng giai đoạn đầu tư xây dựng các công trình cũng như thời gian khai thác các công trình đầu tư.

Các nhóm nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, gồm:

1.2.1. Nhân tố về quy hoạch và kế hoạch

Kế hoạch hóa phát triển kinh tế - xã hội là một phương thức quản lý kinh tế của nhà nước. Xét về bản chất, nó là hoạt động có ý thức của nhà nước trên cơ sở nhận thức khách quan nhằm định hướng phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc dân cũng như xác định các giải pháp lớn, để thực hiện định hướng đó với hiệu quả kinh tế - xã hội lớn nhất.

Khác với thời kỳ phát triển trước đây, kế hoạch hóa được hình thành từ đòi hỏi khách quan của thị trường, xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Thoát ly thị trường, kế hoạch chứa đựng các yếu tố không khả thi. Một kế hoạch đúng là kế hoạch đó phản ánh được lợi ích của các bên tham gia thị trường. Mặt khác, thị trường có thể giải quyết các vấn đề ngắn hạn, lâu dài, bền vững, toàn cục. Vì vậy phải sử dụng kế hoạch như một công cụ để nhà nước hướng dẫn thị trường và điều chỉnh thị trường nhằm kết hợp giữa lợi ích ngắn hạn với lợi ích dài hạn, giữa phát triển trước mắt với phát triển bền vững của đất nước, hoạt động cũng không nhằm ngoài quy luật phát triển đó.

            Song, chất lượng của các dự án quy hoạch nói chung cần phải quan tâm trong một mối quan hệ tổng thể thống nhất, xử lý liên ngành, liên vùng và luận chứng của các phương án, các điều kiện thực hiện quy hoạch cần được chỉ rõ; quy hoạch về tổ chức lãnh thổ tránh tình trạng chồng chéo, không ăn khớp quy hoạch sai sẽ gây lãng phí lớn cho nền kinh tế.

Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, những dự án đầu tư lớn và các dự án hợp tác đầu tư với nước ngoài chỉ được xem xét khi phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Công tác quy hoạch phải được nghiên cứu thường xuyên, các quy hoạch phải được cập nhật, điều chỉnh kịp thời với tình hình và điều kiện thực tế.

            Qua nghiên cứu và phân tích phương thức quản lý các chương trình/dự án cấp Bộ quản lý có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cấp, thì vai trò và trách nhiệm của chủ thể đầu tư (thường gọi là cơ quan Chủ quản) của Bộ, ngành đều thể hiện không rõ, chủ yếu giao cho các Ban quản lý dự án thực hiện chức năng quản lý nhà nước với các chủ đầu tư chương trình dự án, nên khi có công trình không đạt chất lượng, hiệu quả đầu tư phát huy không hết hoặc thậm chí sau khi bàn giao vào sử dụng thì không hoạt động được, việc quy trách nhiệm là rất khó khăn.

Trong đề xuất các giải pháp đổi mới công tác đầu tư Luận án sẽ phân tích sâu vai trò, trách nhiệm quản lý của Chủ thể quản lý của cơ quan cấp Bộ ngành chỉ kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả công trình sau đầu tư thể hiện được mối quan hệ tương tác nhau một cách có hệ thống đồng bộ giữa năng suất chất lượng của sản xuất nông nghiệp với các công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư trên địa bàn.

Tóm lại, các giải pháp thích hợp gắn vai trò trách nhiệm với quyền sở hữu tài sản được nhà nước đầu tư với Chủ đầu tư dự án cụ thể (từ việc lựa chọn ưu tiên đầu tư đến quản lý vận hành thực sự có hiệu quả cả về mặt tài chính cũng như về giá trị kinh tế - xã hội cho người dân sống trong vùng dự án, cũng như hài hòa lợi ích với các dự án chương trình khác trong toàn vùng và cả nước.

1.2.2. Nhân tố về tổ chức thực hiện

Hiện nay, Nhà nước đã có một loạt các cải cách trong việc chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, qua tổng hợp và phân tích số liệu thu thập qua các nguồn và kênh thông tin khác nhau có thể nhận định chung về tình hình quản lý đầu tư đến thời điểm hiện nay còn có nhiều hạn chế như sau:

- Về cơ chế quản lý đầu tư: Công tác quản lý đầu tư của các Bộ ngành theo đúng chức năng và nhiệm vụ và phạm vi quản lý đầu tư được giao còn rất lỏng lẻo, công tác kiểm tra và giám sát hoạt động đầu tư các đơn vị cơ sở do mình phụ trách có nhiều sơ hở dẫn đến việc đầu tư không đúng hướng phát triển chung của ngành và xã hội, không đúng với quy hoạch chất lượng, đầu tư kém, đầu tư phân tán, tiến độ triển khai chậm, kém hiệu quả, thất thoát lãng phí nhiều, nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản kéo dài …

- Về công tác chuẩn bị, lựa chọn thẩm định dự án đầu tư có thủ tục rườm rà, phức tạp nhưng kết quả lựa chọn được những dự án đầu tư có tính khả thi rất thấp (tỉ lệ dự án trình phải duyệt phải sửa đổi bổ sung lại nội dung là 17,5%), chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế của sản xuất.

Công tác thực hiện đầu tư: Có trên 5% tổng số dự án thực hiện dự án có sai phạm các thủ tục đầu tư, trong đó chủ yếu là chậm trễ và tiến độ phê duyệt

Quản lý, vận hành dự án sau đầu tư (quản lý hậu dự án) chưa được tiến hành, hầu như tất cả các chương trình dự án sau khi kết thúc đầu tư khi bàn giao đưa vào sử dụng cho một cơ quan, đơn vị, tập thể…thì không được kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư về mặt kinh tế - xã hội, mức độ ảnh hưởng của các công trình đầu tư đến năng suất, chất lượng của sản xuất và dịch vụ nông nghiệp.

Tóm lại, cần tiếp tục có những giải pháp tích cực hơn trong quản lý đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là giai đoạn quản lý hậu đầu tư cần phải nghiên cứu xem xét lại và học tập kinh nghiệm của các nước có các điều kiện phát triển tương tự như Việt Nam trước đây.

1.3 NỘI DUNG CỦA ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN

            1.3.1 Hệ thống cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp - nông thôn 

Nội dung đầu tư phát triển CSHT nói chung cho các ngành sản xuất nói chung cũng như trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn được nghiên cứu và phân tích theo các giai đoạn dưới đây.

Chuẩn bị đầu tư

Thực hiện đầu tư

Vận hành kết quả đầu tư

(SX, KD, DV)

Nghiên cứu phát hiện các cơ hội đầu tư

Nghiên cứu tiền khả thi sơ bộ lựa chọn dự án

Nghiên cứu khả thi (lập dự án - LCKT

KT)

Đánh giá và quyết định (thẩm định dự án)

Hoàn tất các thủ tục để triển khai thực hiện đầu tư

Thiết kế và lập dự toán thi công xây lắp công trình

Thi công xây lắp công trình

Chạy thử và nghiệm thu sử dụng

Sử dụng chưa hết công suất

Sử dụng công suất ở mức cao nhất

Công suất giảm dần và kết thúc dự án












Trong 3 giai đoạn trên đây, giai đoạn chuẩn bị đầu tư tạo tiền đề và quyết định sự thành công hay thất bại ở giai đoạn sau, đặc biệt là đối với giai đoạn vận hành kết quả đầu tư. Chẳng hạn đối với các dự án có thể gây ô nhiễm môi trường (sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu...) khi chọn địa điểm nếu đặt ở gần khu dân cư đông đúc, đến lúc đưa dự án vào hoạt động mới phát hiện và phải xử lý ô nhiễm quá tốn kém, đưa chi phí đầu tư vượt quá dự kiến ban đầu có khi rất lớn. Nếu không có vốn bổ sung, buộc phải đình chỉ hoạt động.

Ví dụ khác, khi nghiên cứu thị trường do dự đoán không sát tình hình cung - cầu sản phẩm của dự án trong đời dự án nên đã xác định sai giá cả và xu hướng biến động giá cả. Đến khi đưa dự án vào hoạt động, giá cả sản phẩm trên thị trường thấp hơn so với dự đoán. Doanh nghiệp có dự án buộc phải bán sản phẩm với giá thấp (có khi thấp hơn cả giá thành) và có khi phải ngừng sản xuất (trong khi chưa thu hồi đủ vốn) hoặc đầu tư bổ sung để thay đổi mặt hàng...

Do đó đối với giai đoạn chuẩn bị đầu tư, vấn đề chất lượng, vấn đề chính xác của các kết quả nghiên cứu, tính toán và dự đoán là quan trọng nhất. Trong quá trình soạn thảo dự án phải dành đủ thời gian và chi phí theo đòi hỏi của các nghiên cứu.

Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư sẽ tạo tiền đề cho việc sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của dự án ở giai đoạn thực hiện đầu tư (đúng tiến độ, không phải phá đi làm lại, tránh được những chi phí không cần thiết khác...) và vận hành các kết quả đầu tư. Điều này cũng tạo cơ sở cho quá trình hoạt động của dự án được thuận lợi, nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư và có lãi (đối với các dự án sản xuất kinh doanh), nhanh chóng phát huy hết năng lực phục vụ dự kiến (đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng và dịch vụ xã hội).

Trong giai đoạn thứ hai, vấn đề thời gian là quan trọng hơn cả. Ở giai đoạn này, vốn đầu tư của dự án được chỉ ra và nằm khê đọng trong suốt những năm thực hiện đầu tư. Đây là những năm vốn không sinh lời. Thời gian thực hiện đầu tư càng kéo dài, vốn ứ đọng càng nhiều, tổn thất càng lớn. lại thêm những tổn thất do thời tiết gây ra đối với vật tư, thiết bị chưa hoặc đang được thi công đối với các công trình đang được xây dựng dở dang. Đến lượt mình, thời gian thực hiện đầu tư lại phụ thuộc nhiều vào chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, vào việc quản lý quá trình thực hiện đầu tư, quản lý việc thực hiện những hoạt động khác có liên quan trực tiếp đến các kết quả của quá trình thực hiện đầu tư đã được xem xét trong dự án đầu tư.

Giai đoạn ba: Vận hành các kết quả của giai đoạn thực hiện đầu tư (giai đoạn sản xuất kinh doanh đơn vị hay giai đoạn vận hành khai thác của dự án: đời của dự án) nhằm đạt được các mục tiêu của dự án. Nếu các kết quả do giai đoạn thực hiện đầu tư tạo ra đảm bảo tính đồng bộ, giá thành thấp, chất lượng tốt, đúng tiến độ, tại địa điểm thích hợp, với quy mô tối ưu thì hiệu quả hoạt động của các kết quả này và mục tiêu của dự án chỉ còn phụ thuộc trực tiếp vào quá trình tổ chức quản lý hoạt động các kết quả đầu tư. Làm tốt công việc của giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức quản lý phát huy tác dụng của các kết quả đầu tư. Thời gian phát huy tác dụng của các kết quả đầu tư. Thời gian phát huy tác dụng của các kết quả đầu tư còn được gọi là đời của dự án hay tuổi thọ kinh tế của công trình, nó gắn với đời sống của sản phẩm (do dự án tạo ra) trên thị trường.

Hệ thống cơ sở hạ tầng theo ngành là sự phân chia kết cấu cơ sở hạ tầng các bộ phận theo đặc trưng đối tượng và nội dung phục vụ của từng ngành sản xuất, dịch vụ riêng rẽ, không phụ thuộc vào địa bàn phân bố đối tượng phục vụ. Ví dụ như: hạ tầng giao thông, hạ tầng cấp điện và nước, hạ tầng dịch vụ công cộng. Nếu phân chia theo cấp quản lý thì có thể có các cách phân chia kết cấu cơ sở hạ tầng sau:

   + Cơ sở hạ tầng kinh tế.

   + Cơ sở hạ tầng xã hội.

Thuộc loại thứ nhất là loại cơ sở hạ tầng kỹ thuật có quan hệ trực tiếp với quá trình sản xuất hàng hoá như: cấp điện và nước, cơ sở sửa chữa, máy móc thiết bị, trung tâm giao dịch về tài chính ngân hàng, thông tin liên lạc…

Thuộc loại thứ hai bao gồm các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các nhu cầu giải trí của đại bộ phân dư cư như: Bệnh viện, trường học, rạp chiếu phim, nhà hát, sân vận động, công viên, thư viện, viện bảo tàng, nhà văn hoá...

1.3.2. Hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng theo lãnh thổ

            Kết cấu cơ sở hạ tầng như đã biết là thiết lập mối quan hệ bên trong tổng thể các cơ sở vật chất kỹ thuật, được tổ chức thành các đơn vị kinh doanh, các đơn vị sự nghiệp và các cơ sở dịch vụ. Hệ thống CSHT theo lãnh thổ là sự phân chia đối tượng phục vụ chung cho mọi ngành sản xuất và mọi đối tượng dân cư trong đời sống vật chất tinh thần và văn hóa xã hội trong vùng lãnh thổ đó.

Do đó cần được phân bố theo lãnh thổ theo các nguyên tắc của phân bố lực lượng sản xuất và dân cư, phù hợp với đối tượng mà nó phuc vụ và với điều kiện sinh thái đặc trưng của từng vùng, lãnh thổ. Hệ thống đa hệ của kết cấu cơ sở hạ tầng về phương diện này là hệ thống theo lãnh thổ của kết cấu cơ sở hạ tầng, tạo ra cơ cấu theo vùng lãnh thổ của nó. Cơ cấu theo vùng lãnh thổ của kết cấu cơ sở hạ tầng là một quan niệm về sự phân chia kết cấu cơ sở hạ tầng thành các bộ phận có địa bàn phục vụ riêng, trên đó tập trung các đối tượng mà bộ phận đó của kết cấu cơ sở hạ tầng đó có nhiệm vụ phục vụ.

- Ngoài hệ thống  kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp như trên, còn có những yếu tố cơ sở hạ tầng dịch vụ cho sinh hoạt của dân cư địa bàn, liên quan trực tiếp đến phát triển nguồn nhân lực con người cho việc phát triển bền vững và dài hạn, bao gồm: Hệ thống giáo giục, y tế, văn hóa, hệ thống chợ, hệ thống cấp nước sạch nông thôn,…được gọi chung là hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng xã hội nông thôn.

1.3.3 Giới hạn nội dung nghiên cứu sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu sau đây:

            - Đầu tư CSHT sản xuất nông nghiệp trên hai mặt trồng trọt và chăn nuôi như: giao thông nội đồng, chuồng trại, cơ sở nghiên cứu, nhân giống và cung ứng giống; hệ thống bảo vệ thực vật, thú y, và trạm kiểm dịch động, thực vật, kiểm tra chất lượng nông sản hàng hóa và vật tư nông nghiệp, cấp nước, các hoạt động khuyến nông, các chương trình dự án đầu tư phát triển cho sản xuất nông nghiệp nông thôn...

- Đầu tư CSHT lâm nghiệp (lâm sinh) chủ yếu là cho trồng rừng như: Đường giao thông cho khai thác vận xuất, đường tuần tra bảo vệ rừng, kho bãi gỗ, vườn ươm và các công trình phòng chống thiên tai, bảo vệ rừng.

- Đầu tư CSHT thủy lợi: Các công trình đầu mối hồ, đập, hệ thống tưới tiêu, đê điều và các công trình phòng chống lụt bão khác.

- Đầu tư CSHT dịch vụ khác như đầu tư: máy móc, trang thiết bị, hệ thống kho bảo quản sau thu hoạch, phòng thí nghiệm và khu thực nghiệm sản xuất, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại (chợ đầu mối, các cảng, kho tàng, thông tin,…). Nghĩa là những đầu tư cho một số hoạt động sản xuất và dịch vụ ở đầu vào và đầu ra của ngành nông, lâm, thuỷ sản.

1.3.4 Một số phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế của đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp

1.3.4.1 Đánh giá hiệu quả kinh tế trong đầu tư xây dựng CSHT phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

Hoạt động đánh giá hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp hiện chủ yếu đang áp dụng bộ tiêu chí được xây dựng theo những phương pháp và nguyên tắc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội thông dụng đã có, nhưng tựu chung lại thì việc đánh giá hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đang sử dụng một số phương pháp sau:

Các kết quả ngành trồng trọt và chăn nuôi

Thu được do đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại

Etc =

Số vốn đầu tư mà ngành trồng trọt và chăn nuôi

đã thực hiện để tạo ra kết quả

 

Etc được gọi là hiệu quả khi Etc>Etc,0

Trong đó: Etc,0 là chỉ tiêu hiệu quả tài chính định mức, hoặc của các kỳ khác đã đạt của ngành chọn làm căn cứ so sánh, hoặc của đơn vị khác đã đạt tiêu chuẩn hiệu quả.

Để phản ánh hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội ngoài hiệu quả về  mặt tài chính cho việc đầu tư CSHT phục vụ sản xuất nông nghiệp cần có một hệ thống các tiêu chí đánh giá thống nhất bao gồm nhiều chỉ tiêu và chỉ số liên quan. Mỗi một tiêu chí phản ánh một khía cạnh tổng hợp (mang tính định lượng nhiều hơn) về tính hiệu quả sử dụng trong một thời gian nhất định. Trong đó chỉ tiêu biểu hiện bằng tiền được sử dụng phổ biến nhất. Tuy vậy, tiền có giá trị thay đổi theo thời gian nên khi sử dụng các chỉ tiêu bằng tiền, cần chú ý tới yếu tố trượt giá, mất giá của nó để tính toán hiệu quả đầu tư tài chính được sát với thực tế.

Công trình cơ sở hạ tầng cho sản xuất và dịch vụ nông nghiệp và kinh tế nông thôn thường là công trình sử dụng đa mục đích, đa mục tiêu do sự đầu tư tổng hợp của nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế và xã hội khác nhau. Do đó, khi tính toán hiệu quả đầu tư cần phải đứng trên giác độ chung để xem xét đánh giá, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh kinh tế xã hội của vùng, tỉnh hoặc liên vùng liên tỉnh trong một quốc gia.

 

1.3.4.2 Đánh giá hiệu quả kinh tế trong đầu tư CSHT sản xuất nông nghiệp ở Ấn Độ

    Ở Ấn Độ để tính toán mối tương quan giữa năng suất của sản xuất nông nghiệp với các hạng mục cơ sở hạ tầng nông nghiệp các nhà nghiên cứu đã sử dụng công thức sau [22]:

     AGINij=

    (sau đây gọi tắt là công thức Ấn Độ )

  Trong đó, AGINij : Tổng số điểm tính toán được của các hạng mục cơ sở hạ tầng hạng i của bang thứ j;

  i : là số hạng mục cơ sở hạ tầng i=(1;8); j là số bang j=(1;21);

Xij=( -), điểm chuẩn của hạng mục i tại bang thứ j;

Trong đó, , X1= thủy lợi, X2= giao thông, X3= điện(làng), X4= Bơm nước, X5= cơ quan tài chính, X6= biết đọc biết viết, X7= các điều chỉnh của thị trường, X8= cơ quan thú y;

 và  là giá trị trung bình và độ lệch chuẩn của chỉ tiêu nghiên cứu;

 : hệ số tương quan (hệ số tin cậy), giữa năng suất sản xuất nông nghiệp và hạng mục thứ i của cơ sở hạ tầng nông nghiệp;

Chỉ số chấp nhận ADOPT cũng được thực hiện theo các cách tương tự;

Tuy nhiên, muốn nghiên cứu hai chỉ số này về hiệu quả sản xuất nông nghiệp (AGP) và tác dụng qua lại của chúng, ta phải lập những phương trình hồi quy sau đây:

 AGP               =   a + bAGINP

 AGP               =   a + bADOPT  

ADOPT          = a + bAGINP 

Trong đó: AGP: hiệu quả sản xuất nông nghiệp;

AGINP  : chỉ số tổng hợp của cơ sở hạ tầng nông nghiệp

ADOPT : chỉ số tổng hợp của hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện đại;

 a,b là những thông số mà người ta ước lượng;

  (chi tiết tính toán các chỉ sổ ở Ấn Độ tham khảo phụ lục 1, trang 79)

Dựa vào công thức này, ta có thể tính toán ra hệ số tương quan tới năng suất nông nghiệp, dựa trên các giá trị cao thấp khác nhau này đối với từng hạng mục công trình để sắp xếp tính điểm từ cao đến thấp. Kết quả tính toán sẽ được tìm ra những vùng, tỉnh được đầu tư phát triển CSHT lớn nhưng có năng suất sản xuất nông nghiệp thấp chứng tỏ hiệu quả đầu tư của vùng thấp và ngược lại. Kết quả tính toán còn có thể chỉ ra được vùng được đầu tư ít nhưng vẫn cho năng suất cao,… các kết quả tính toán đó sẽ giúp cho các nhà quản lý cấp vĩ mô và vi mô, nhà đầu tư phát triển có căn cứ và lựa chọn các giải pháp phù hợp cho việc điều chỉnh, bổ sung các hoạt động đầu tư phát triển của mình.

Để có số liệu tính toán của công thức này cần dựa trên bộ tiêu chí với 12 loại chỉ tiêu khác nhau, độ chính xác của phép tính phụ thuộc vào nguồn số liệu thống kê trong ít nhất là trên 10 năm liên tục.

Do hệ thống định mức tiêu chuẩn để đo đếm, so sánh ở những nước khác nhau thì có những quan điểm và phương pháp tiếp cận trong cách đánh giá hiệu quả đầu tư có thể khác nhau, nhưng về cơ bản sử dụng một bộ tiêu chí thống nhất trong việc đánh giá mối tương quan giữa năng suất nông nghiệp với các hạng mục hạ tầng cụ thể trong sản xuất, dịch vụ nông nghiệp là có thể áp dụng được. Tuy vậy, có thể có những điều chỉnh nhỏ để có thể áp dụng vào Việt Nam.

1.4. KINH NGHIỆM VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG CHO PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP Ở CÁC NƯỚC TRONG KHU VỰC CHÂU Á.

            Nông nghiệp của các nước trong khu vực châu Á nói chung và đặc biệt là một số nước có đặc điểm tương đồng với Việt Nam như về: đất đai, khí hậu, dân cư và văn hóa,…trong đó, một số nước đã phát triển đi trước Việt Nam có nhiều kinh nghiệm phát triển sản xuất nông nghiệp cần tổng kết học tập những bài học bổ ích để áp dụng vào Việt Nam. Khi đưa dự đoán về mức tăng trưởng của Việt Nam (theo ngân hàng thế giới bình quân khoảng 7%) là đặt Việt Nam trong thế so sánh với Trung Quốc hiện nay và Đài Loan những năm trước đây. Đó là hai nền kinh tế ngay cạnh và có cơ cấu kinh tế không khác biệt lắm so với Việt Nam. Ví dụ như: Đài Loan có mức thu nhập bình quân đầu người như Việt Nam hiện nay, họ đã tăng trưởng trên 11% trong suốt 10 năm liền tuy lượng đầu tư chỉ chiếm 25% GDP. Hiện nay mức đầu tư phát triển bình quân trong 5 năm( 2001-2005) của VN là 37% GDP, tương đương với hơn 1/3 tổng sản lượng nhưng mức tăng trưởng khoảng trên 7%. Rõ ràng là Đài Loan đã sử dụng vốn đầu tư hiệu quả hơn nhiều so với Việt Nam.

            Tình hình đầu tư phát triển CSHT của các nước trong khu vực châu Á, đặc biệt là những nước có nền nông nghiệp phát triển nói chung hiện nay đang theo xu hướng xã hội hoá về đầu tư, khuyến khích ưu tiên cho các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư cho mọi lĩnh vực công nghiệp, điện lực, thông tin,…theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường là phát triển hàng hoá lớn chất lượng cao giá thành hạ.

            Hiệu quả thấp của đầu tư công là một trong những yếu tố khiến tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với tiềm năng, từ thực tế hạn chế đó các nước châu Á có nền nông nghiệp phát triển từ lâu đã thay đổi phương thức đầu tư, hình thức sở hữu các tài sản có nguồn gốc ngân sách nhà nước để huy động nhiều nguồn vốn khác nhau ngoài ngành nông nghiệp, từ mọi thành phần kinh tế đặc biệt là kinh tế tư nhân. Cơ cấu kinh tế hợp lý thì trong đó GDP nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp và có xu hướng giảm, phát triển nông nghiệp có xu hướng chuyển sang phát triển nông nghiệp sinh thái lấy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bảo vệ môi trường là chính.

    Vì vậy, việc đầu tư phát triển CSHT phục vụ sản xuất nông nghiệp từ nguồn vốn ngân sách nhà nước là rất hạn chế, mà trở thành nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó nhà nước có vai trò điều phối nguồn vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển nền nông nghiệp sinh thái bảo vệ môi trường chung cho toàn bộ nền kinh tế xã hội phát triển bền vững. Đề tài thực hiện nghiên cứu đánh giá kinh nghiệm đầu tư phát triển CSHT phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 1996-2005 của một số nước trong khu vực châu Á.

1.4.1 Thực trạng đầu tư phát triển và các hình thức sở hữu CSHT trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và trong phục vụ sản xuất nông nghiệp của Ấn Độ

Một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu và được thực hiện ổn định trong nhiều thập kỷ qua trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong đầu tư phát triển CSHT phục vụ sản xuất và dịch vụ nông nghiệp của Ấn Độ là việc ban hành chính sách ưu tiên, mở rộng các hình thức sở hữu tài sản có nguồn gốc sở hữu của nhà nước cho các thành phần kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển sản xuất các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư CSHT về: năng lượng, giao thông vận tải, cấp và thoát nước, thông tin liên lạc.

Lĩnh vực đầu tư phát triển CSHT thì Ấn Độ là một trong những nước dẫn đầu trong khu vực Nam Á. Việc đầu tư tập trung trước hết vào khâu giống  lúa, rau quả, và giống gia súc, phân bón và thủy lợi, tiếp theo là cơ giới hóa.Ví dụ như đã nâng được diện tích canh tác ổn định lâu dài từ 28,3% lên đến 42,9% (từ 1994 đến 2002), sản lượng ngũ cốc tăng khoảng 200kg/ha trong khoảng 10 năm từ 1994 đến 2002. Đàn trâu, bò cũng tăng nhanh khoảng 0,1%/năm giai đoạn 1986- 1996.

Từ năm 1990- 2004, có 4 hình thức sở hữu thành phần tư nhân tham gia đầu tư cho 4 lĩnh vực trên là 152 dự án với cam kết đầu tư là 39,51 triệu USD đã được kết toán.Trong đó, ngành giao thông vận tải và thông tin liên lạc nhận được đầu tư lớn nhất là hình thức sở hữu có điều kiện, mà một pháp nhân hoặc một công ty liên doanh tiến hành xây dựng và điều hành một tài sản mới trong một giai đoạn lý thuyết theo hợp đồng ký.Tài sản đó có thể trở lại tài sản công sau thời gian đã thỏa thuận. Loại hình sở hữu này chiếm khoảng 81 % tổng số dự án và 86% tổng số dự án phát triển các dự án cơ sở hạ tầng với sự tham gia  của các thành phần tư nhân trong nước. Loại hình sở hữu nhượng quyền có điều kiện có 16 dự án, hình thức sở hữu này tư nhân có toàn quyền tham gia quản lý điều hành một xí nghiệp sở hữu nhà nước trong thời gian nhất định và chịu toàn bộ chi phí đầu tư, nâng cấp sửa chữa rủi ro trong thời gian đó. Tuy nhiên tổng vốn của hình thức sở hữu này lại chỉ bằng khoảng 1/4 so với tổng vốn có hình thức sở hữu toàn phần (tư nhân hóa).

Bảng 1.1 Các dự đầu tư phát triển CSHT ở Ấn Độ (1990-2004)

Ngành

Hình thức sở hữu

Nhượng quyền có điều kiện

Tư nhân

 

Có điều kiện

 

Theo hợp đồng

 

TTổng số

Năng lượng

1

10

53

0

64

Thông tin liên lạc

0

2

32

0

34

Giao thông vân tải

15

0

36

1

52

Cấp thoát nước

0

0

2

0

2

Tổng

16

12

123

1

152

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, năm 2005

1.4.2 Thực trạng đầu tư phát triển và các hình thức sở hữu CSHT trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và trong phục vụ sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc

Trung Quốc tuy là nước đi sau về công nghiệp hóa phục vụ sản xuất trong ngành nông nghiệp nhưng cũng đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong đầu tư phát triển giống cây trồng, giống vật nuôi, cơ giới hóa nông nghiệp. Giống lúa lai của Trung Quốc đã góp phần đưa năng xuất, sản lượng lúa lên cao sản lượng lương thực tăng rất nhanh gần gấp đôi trong khu vực các nước đang phát triển 4,756 tấn/ha (năm 2002), đảm bảo tự cung cấp đủ cho nhu cầu hơn 1,2 tỷ người và còn thừa để xuất khẩu. Về cơ giới hóa nông nghiệp, số lượng máy kéo và máy nông nghiệp tăng nhanh và chủ yếu là sử dụng máy móc trong nước sản xuất. Mức độ cơ giới hóa làm đất của Trung Quốc năm 1995 đã đạt 55% diện tích gieo trồng.

    Từ năm 1990-2004, Trung Quốc đã có nhiều dự án với sự tham gia của các thành phần kinh tế, với việc đa dạng hóa các loại hình sở hữu nhà nước và tư nhân đầu tư tập trung vào 4 lĩnh vực là: năng lượng, vận tải, thông tin liên lạc, cấp thoát nước phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Trong các lĩnh vực đầu tư này có 406 dự án, với cam kết 66,955 triệu USD. Trong đó ngành năng lượng được đầu tư nhiều nhất. Một trong những hình thức sở hữu có nhiều dự án thì hình thức sở hữu phổ biến nhất là sở hữu có điều kiện (205 dự án, vốn 26,780 tỷ USD). Tuy nhiên, trong tổng số 406 dự án thì có khoảng 18% đầu tư của các ngành, hoặc hủy bỏ, hoặc là không thực hiện dự án đã cam kết trong năm 2004(bảng 1.4)

Bảng 1.2: Các dự án ĐTPT CSHT Trung Quốc (1990 - 2004)

Ngành

Hình thức sở hữu

Nhượng quyền có điều kiện

Tư nhân

Có điều kiện

Theo hợp đồng

Tổng số

Năng lượng

2

58

132

0

192

Thông tin liên lạc

0

4

0

0

4

Giao thông vận tải

72

29

48

1

150

Cấp thoát nước

27

4

25

4

60

Tổng

101

95

205

5

406

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, năm 2005.

Với nền kinh tế Trung Quốc theo nhận định của một số nhà kinh tế thì trong những thập kỷ tới Trung Quốc sẽ là thị trường trọng tâm xuất khẩu hàng hóa nông lâm sản Việt Nam, từ năm 2002 trở lại đây, kinh tế Trung Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng từ 8,5% đến 9,5%/năm. Trong mấy thập kỷ qua hàng trăm triệu nông dân Trung Quốc đã chuyển sang các ngành nghề khác (khoảng 200 triệu dân đã chuyển từ nghề nông sang các ngành nghề khác hoặc ra các đô thị làm ăn), đời sống vật chất,văn hóa, tinh thần người nông dân đã được nâng cao rõ rệt.

Tổng kết trong 15 năm tỷ lệ đầu tư phát triển CSHT của các thành phần tư nhân ở Trung Quốc thấp hơn Ấn Độ. Hiện theo số liệu đánh giá của Ngân hàng thế giới thì Trung Quốc đang nằm trong vị trí trung bình của nhóm thu nhập thấp của thế giới, mức thu nhập bình quân đầu người (GNI/người,theo giá USD hiện hành) là 1.100 USD/người trong khi mức bình quân trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương là 2.091 USD/người; mức tiêu dùng điện năng (kwh/người) là 893 thấp hơn so với mức bình quân của các nước thu nhập trung bình là 1.466; dân số tiếp cận với nguồn nước sạch là 75% cao hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với nhóm thu nhập trung bình là 85% người dân được dùng nước sạch; về sử dụng phương tiện thông tin (điện thoại) là 328 máy/1000 người, mức sử dụng này so với các nước trong khu vực Châu Á nói chung là cao hơn nhưng so với khối các nước phát triển thì mới chỉ bằng khoảng 1/4 (1240 máy/1000) (bảng 1.5)

Động lực cho sự tăng trưởng này là các chính sách kinh tế của Trung Quốc như: chính sách phát hành trái phiếu xây dựng, chính sách khuyến khích tiêu dùng trong nước, hoàn thuế xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu kinh tế, cổ phần, tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước,…Trong số các chính sách đạt hiệu quả, phải kể đến chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc. Sự phát triển của các doanh nghiệp này chính là động lực phát triển kinh tế đất nước. Trong những năm qua doanh nghiệp nhà nước được cải cách mạnh mẽ làm cho một lượng lớn nhân công dôi ra và số nhân công này được bổ sung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ có chính sách hỗ trợ, đến cuối năm 2004 đã có 3,6 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó số doanh nghiệp vừa là 1,7 triệu. Ngoài ra còn có khoảng 2,7 triệu hộ kinh doanh cá thể.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc hiện đóng góp 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo ra 75% số việc làm chiếm 45% tổng thu thuế và 60% kim nghạch xuất khẩu của cả nước. Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đi vào vào chuyên môn hóa khá cao, tập trung vào các ngành chế biến nông sản thực phẩm, may mặc, dày dép,… Lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ thực sự đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển ở Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lực lượng doanh nghiệp này.Trong đó có việc sửa đổi hiến pháp trong việc bảo vệ lợi ích và tài sản của doanh nghiệp tư nhân, xây dựng sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Năm 2000, Trung Quốc ban hành Luật thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tháng 2/2005, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành văn kiện về Định hướng chính sách phát triển doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Theo đó, quy định doanh nghiệp tư nhân tham gia vào những lĩnh vực độc quyền của Nhà nước.

Việc đơn giản thủ tục hành chính cũng được chú trọng. Thời gian hoàn thành thủ tục đối với việc đăng ký hộ kinh doanh cá thể là trong 1 ngày và 1 tuần cho doanh nghiệp tư nhân. Trước đây nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua không quá 49% cổ phần doanh nghiệp, nay không hạn chế tỷ lệ này, trừ một số ngành Quốc phòng.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là từ khi gia nhập WTO, hệ thống quản lý bộ máy nhà nước ở Trung Quốc đã được cải cách mạnh mẽ. Các ngành, các địa phương đều tổ chức lại bộ máy quản lý, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ doanh nghiệp là chính.

Bảng 1.3. Các chỉ số cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Chỉ số

Trung Quốc

Mức trung bình vùng

Mức b/q thu nhập

Mức b/q nước phát triển

Thu nhập b/q đầu người

(GNI/ng, current US$)

1,100

2,091

1,675

29,310

Tiêu thụ năng lượng (kwh/ng)

893

1,466

1,309

8,688

Cải tạo nguồn nước(% dân số)

75

72

85

100

TTLL(trên 1000 người)

328

186

252

1,240

                                Nguồn: Ngân hàng Thế giới, năm 2005.

Mặc dù đạt được những thành tựu nói trên, song nền kinh tế Trung Quốc cũng bộc lộ những tồn tại. Do kết cấu hạ tầng và nhà cửa tăng cao nên phải giải tỏa nhiều đất đai, làm cho lực lượng lao động dôi dư có nhiều hướng tăng lên. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến các cơn sốt về vật liệu xây dựng. Một số ngành có dấu hiệu tăng trưởng “nóng”. Trước thực trạng này, từ cuối năm 2003, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một số chính sách vĩ mô điều chỉnh nền kinh tế như: Nâng mức dự trữ bắt buộc của các Ngân hàng, giảm phát hành trái phiếu xây dựng để hạn chế đầu tư của chính phủ. Việc chuyển đất nông nghiệp sang mục đích khác được kiểm soát chặt chẽ,…

Trong sản xuất nông nghiệp, để hạn chế tốc độ giảm sút sản lượng, Chính phủ nước này đã ban hành chính sách khuyến khích sản xuất lương thực, áp dụng giá “sàn” đối với gạo; áp dụng thí điểm miễn 100% thuế đất nông nghiệp trong cả nước. Ngoài ra còn có chính sách trợ cấp cho nông nghiệp thông qua chương trình giống nông nghiệp, máy móc, trang thiết bị.

1.4.3. Thực trạng đầu tư phát triển và các hình thức sở hữu CSHT trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và trong phục vụ sản xuất nông nghiệp của Thái Lan

Ở khu vực Đông Nam Á Thái Lan là nước dẫn đầu về đầu tư trang thiết bị máy móc nông nghiệp và đạt mức cơ giới hóa cao nhất so với các nước trong khu vực (thời điểm 1995). Đầu tư được tập trung cao độ nhằm nâng cao diện tích tưới lúa nước tăng bình quân năm 2,4%. Dẫn tới năng suất ngũ cốc tính đến năm 2002 là 4,1 tấn/ha đứng đầu khu vực. Đầu tư về giống mới trồng trọt và chăn nuôi. Thái Lan hiện là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo giá thành và chất lượng cao, là nước dẫn đầu trong khu vực về phát triển chăn nuôi bò sữa tốc độ tăng bình quân năm khoảng 13,3%. Những thập kỷ cuối thế kỷ 20 đầu tư phát triển CSHT  cho sản xuất nông nghiệp và nông thôn ở Thái Lan đã góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn hướng tới chiếm lĩnh được thị trường xuất khẩu nông sản của thế giới.

Bảng 1.4: Các dự án ĐTPT CSHT ở Thái Lan (1990-2004)

Ngành

Hình thức sở hữu

Nhượng quyền có điều kiện

Tư nhân

Có điều kiện

Theo hợp đồng

Tổng số

Năng lượng

0

4

49

0

53

Thông tin liên lạc

0

0

8

0

8

Giao thông vận tải

4

1

8

3

16

Cấp thoát nước

1

1

2

0

4

Tổng

5

6

67

3

81

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, năm 2005

Trong đó đầu tư dưới hình thức sở hữu có điều kiện là phổ biến nhất (giống với Ấn Độ và Trung Quốc) và ngành công nghệ thông tin được tài trợ nhiều nhất 10,642 triệu USD/22,946 triệu đô la, với tổng số 8/7 dự án thuộc hình thức này.

            Trong 15 năm thực hiện đầu tư đa sở hữu (1990-2004) có 81 số dự án và 89% tổng vốn đầu tư các dự án đầu tư phát triển CSHT có sự tham gia của các thành phần tư nhân trong nước, phần còn lại do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Tuy nhiên, trong tổng số 81 dự án (đầu tư từ các ngành sơ cấp) này có cam kết nhưng hủy bỏ hoặc không quyết toán được vốn đầu tư (thấp nhất trong nhóm 3 nước). Nếu xét trên góc độ đầu tư tư nhân từ các thứ cấp có tác động gián tiếp hoặc trực tiếp đến đầu tư phát triển CSHT trên 4 lĩnh vực đầu tư trên trên thì có đến 81 dự án với kinh phí cam kết là 25,745 triệu đô la từ 1990-2004.

Bảng 1.7: Các chỉ số cơ sở hạ tầng của Thái Lan.

Chỉ số

Thái Lan

Mức trung bình vùng

Mức b/q thu nhập

Mức b/q nước phát triển

Thu nhập b/q đầu người

(GNI/ng, current US$)

2,190

2,191

1,675

29,310

Tiêu thụ năng lượng(kwh/ng)

1,508

1,508

1,309

8,688

Cải tạo nguồn nước(% dân số)

84

72

85

100

TTLL(trên 1000 người)

365

186

252

1,240

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, năm 2005

Kết quả đầu tư trong 15 năm (1990-2004), Thái Lan thuộc vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nhóm thu nhập trung bình thấp. Thu nhập bình quân đầu người (GNI/người, theo giá USD hiện hành) là 2.190 cao hơn các nước vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nhưng nếu so với các nước phát triển thì còn thấp hơn khoảng 13 lần, một khoảng cách quá lớn nhưng mức tiêu thụ điện năng thì chỉ thấp hơn khoảng 6 lần với các nước phát triển; mức người dân được tiếp cận với nước sạch chiếm 84% cao nhất trong khu vực các nước Đông Á và Thái Bình Dương gần bằng với các nước thu nhập trung bình trên thế giới. Có 365 máy điện thoại/1000 dân cao nhất trong các nước cùng khu vực, cao hơn cả các nước nhóm thu nhập trung bình, nhưng mới bằng 1/3 nước phát triển (OECD).

Những vấn đề trên của ba nền kinh tế nông nghiệp có quy mô tương đối lớn trên thế giới và riêng khu vực châu Á, là những nước dẫn đầu về phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, có nhiều tác động ảnh hưởng nhất định đến sản xuất nông nghiệp và nông thôn Việt Nam, có nhiều vấn đề đặt ra với các nhà nghiên cứu kinh tế nông nghiệp và kinh tế nông thôn cần nghiên cứu, tìm hướng đi đúng trong việc phát triển nông nghiệp và nông thôn nói chung và trong đầu tư phát triển CSHT phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, tạo được những đột phá trong nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất và dịch vụ nông nghiệp - nông thôn, nhất là trong giai đoạn phát triển mới, đủ sức cạnh tranh và hội nhập vào nền kinh tế thị trường hàng hóa chất lượng cao của khu vực và thế giới.

            Tóm lại, phần phân tích trên đề tài tập trung phân tích bản chất của đầu tư phát triển CSHT phục vụ sản xuất nông nghiệp qua đó chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng của đầu tư phát triển CSHT trong phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn.

- Thông qua phân tích thực trạng và kinh nghiệm 15 năm đầu tư phát triển CSHT dưới 4 loại hình thức sở hữu của 3 nước trong khu vực là Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan, những tác động tích cực trong việc nâng cao chất lượng sống của người dân thông qua các chỉ số phát triển cơ sở hạ tầng về: thu nhập bình quân đầu người, tiêu thụ năng lượng điện, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, thông tin liên lạc đều ở mức cao hơn Việt Nam.

- Tổng kết một số bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách đa dạng hóa các hình thức sở hữu công trình cơ sở hạ tầng, khuyến khích các thành phần tham gia đầu tư phát triển CSHT thị trường hóa về đầu tư, đặc biệt là sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài. Hình thức sở hữu đáng được quan tâm nhiều nhất và hiện đang có nhiều dự án đầu tư với tổng số vốn chiếm phần lớn của ba nước như trên đã trình bày đáng được chúng ta nghiên cứu áp dụng.

Hình thức sở hữu có điều kiện, là một pháp nhân, một liên doanh hỗn hợp tư nhân và Nhà nước hoặc tư nhân với tư nhân tiến hành xây dựng và quản lý điều hành một tài sản hoàn toàn mới trong một giai đoạn đã ký kết trong hợp đồng dự án. Hợp đồng đó có thể bàn giao lại cho nhà nước quản lý sau một thời gian thỏa thuận trước. Thuộc hình thức sở hữu này có 4 kiểu dự án khác nhau:

i) Xây dựng cho thuê và sở hữu, một nhà đầu tư tư nhân hoặc liên doanh xây dựng một công trình lớn và chịu mọi rủi ro, sau đó chuyển giao lại cho nhà nước và cho thuê lại, cùng chấp nhận hình thức đa sở hữu trong một thời gian thỏa thuận trước. Nhà nước thường đảm bảo lợi ích thông qua các hợp đồng thu chi dài hạn cho việc cung cấp tài sản hoặc đảm bảo thu nhập tối thiểu cho việc lưu thông hàng hóa.

 ii) Xây dựng, sở hữu, chuyển giao hoặc xây dựng, sở hữu điều hành, chuyển giao. Một pháp nhân xây dựng một tài sản mới, chịu rủi ro, sở hữu và điều hành tài sản đó, sẽ tiến hành bàn giao tài sản đó vào cuối của thời kỳ đã thỏa thuận. Nhà nước thường đảm bảo lợi ích thông qua các hợp đồng thu chi dài hạn cho việc cung cấp tài sản hoặc đảm bảo thu nhập tối thiểu cho việc lưu thông hàng hóa.

iii) Xây dựng, sở hữu điều hành. Một nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng và điều hành nó. Nhà nước thường đưa ra những đảm bảo về thu nhập thông qua các hợp đồng thu chi dài hạn cho phần lớn việc sử dụng tài sản hoặc đảm bảo thu nhập tối thiểu cho việc lưu thông hàng hóa.

iv) Thương mại một nhà đầu tư bỏ vốn vào đầu tư xây dựng mới một tài sản mới theo nhu cầu thị trường mà trong đó nhà nước không có đảm bảo bất kỳ một điều kiện nào. Nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm kinh doanh lỗ lãi với công trình mình đầu tư (ví dụ, như một nhà máy kinh doanh năng lượng).

  - Trong đầu tư phát triển CSHT nói chung và phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông thôn nói riêng cần có tập trung ưu tiên đầu tư phát triển theo quy hoạch vùng, tỉnh đã thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Lựa chọn hạng mục, công trình đầu tư cơ sở hạ tầng phải phát huy được lợi thế tiềm lực về tài nguyên thiên nhiên của từng vùng, tỉnh khí hậu. Đầu tư phát triển chuyển giao khoa học công nghệ: giống cây con, trang thiết bị cơ sở vật chất kỹ thuật,… phải được ứng dụng kịp thời trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới.

Tính cấp thiết

Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, hợp tác, đầu tư đa phương diện với cộng đồng quốc tế. Với xuất phát điểm là một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất hàng hoá nghèo nàn sau chiến tranh đã đem lại thách thức, khó khăn to lớn cho toàn dân tộc. Sau khi giành được độc lập, thống nhất đất nước, nền kinh tế Việt Nam luôn phải đối mặt với sự thiếu thốn triền miên về lương thực thì đến nay Việt Nam đã phát triển thành một đất nước có nền nông nghiệp khá phát triển không những đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và còn là đất nước có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đứng đầu thế giới. Hiện tại chúng ta xuất khẩu gạo xếp thứ 2 thế giới chỉ sau Thái Lan, đứng đầu thế giới về xuất khẩu cao su, cà phê, hồ tiêu, hạt điều và các sản phẩm thuỷ sản đông lạnh, đồng thời cũng hình thành được một số vùng sản xuất hàng hoá tập chung như lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, cà phê ở Tây Nguyên, các vùng nguyên liệu chè ở trung du và miền núi phía Bắc, các trang trại – nông trường cao su ở Đông Nam Bộ, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản ở Miền Trung v.v...

Trong bối cảnh phát triển kinh tế chung của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khu vực nông nghiệp bao gồm các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản đã đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy vậy, trong những năm tới, ngành nông nghiệp nước ta vẫn phải tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, phải đổi mới và cải thiện mạnh mẽ về chất lượng để nâng cao chất lượng của sản phẩm phục vụ tiêu dùng và đáp ứng các tiêu chí ngày càng khắt khe của xuất khẩu, tăng cường khả năng cạnh tranh và thâm nhập sâu rộng vào thị trường thế giới.

Để thực hiện được nhiệm vụ đó trong điều kiện hiện nay khi Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO và khi đó các tiêu chí về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các hoạt động thương mại phải tuân thủ theo đúng cam kết của các nước thành viên WTO. Do đó, yêu cầu bức bách đối với ngành nông nghiệpViệt nam nói chung và thành phố Thái Nguyên nói riêng trong những năm tới phải tập chung đầu tư nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau để phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng (CSHT) hiện đại phục vụ tốt nhất cho sản xuất hàng hoá và chế biến các sản phẩm nông sản. Đầu tư CSHT dịch vụ cho sản xuất chế biến hàng hoá với quy mô vừa và nhỏ, hệ thống kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý chất thải là một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng để nông nghiệp nông thôn nước ta tiếp tục phát triển nhanh với chất lượng và hiệu quả cao hơn, bền vững hơn và có thể ứng phó kịp thời với những thay đổi bất thường của thời tiết, dịch bệnh, thị trường trong nước và thế giới.

Nhìn nhận và đánh giá lại trong giai đoạn phát triển vừa qua, nhà nước đã có nhiều cố gắng tăng mức ngân sách hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Tuy nhiên càng về sau tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn ngày càng giảm so với các ngành kinh tế khác. Cơ cấu đầu tư chậm được điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu phát triển của cơ cấu kinh tế mới. Năng lực và cơ chế quản lý vốn đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, cơ cấu đầu tư giữa các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản cũng như sự phối hợp trong quản lý từ trung ương đến địa phương trong kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn hàng năm còn chưa phù hợp, bộc lộ nhiều điểm yếu kém và sát với thực tế.

Tất cả các vấn đề tồn tại trên đang là những tố làm cản trở quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn nước ta nói chung và của thành phố Thái Nguyên nói riêng. Để hướng tới một nền sản xuất  nông nghiệp hàng hoá bền vững phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với chất lượng, giá trị và hiệu quả cao hơn đòi hỏi phải phát triển CSHT đáp ứng được các yêu cầu của sản xuất  nông nghiệp hàng hoá. Vì vậy, nghiên cứu, phân tích thực trạng đầu tư CSHT phục vụ sản xuất  nông nghiệp để tìm ra những giải pháp thích hợp trong xây dựng những chính sách, cơ chế nhằm tạo ra động lực mới, huy động mọi nguồn lực của tất cả các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển CSHT phục vụ cho sản xuất  nông nghiệp nông thôn để đáp ứng yêu cầu của CNH-HĐH là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Việc lựa chọn đề tài: “Nghiên cứu tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư cơ bản cho phát triển nông nghiệp nông thôn thành phố Thái Nguyên” làm đề tài nghiên cứu là kịp thời góp một phần trước những yêu cầu thực tế khách quan của thực tiễn phát triển sản xuất  nông nghiệp, nông thôn tại thành phố Thái Nguyên

Mục tiêu

  1. Mục tiêu nghiên cứu

1.1. Mục tiêu chung

Hệ thống hoá và làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về CSHT và đầu tư phát triển CSHT phục vụ cho sản xuất  nông nghiệp. Trong đó tập chung nghiên cứu đầu tư phát triển CSHT nông nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT) trực tiếp quản lý. Rút ra những bài học từ thực tiễn nghiên cứu tại địa phương để phát triển cho những giai đoạn sau đó.

1.2.           Mục tiêu cụ thể

Phân tích và đánh giá thực trạng về đầu tư CSHT phục vụ cho sản xuất  nông nghiệp bao gồm các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản từ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT) trực tiếp quản lý từ năm 2005 đến nay, rút ra những kết quả đạt được và những tồn tại.

Đề xuất các giải pháp thực hiện đổi mới phương pháp quản lý sau đầu tư, chính sách đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư cho đầu tư phát triển CSHT phục vụ cho phát triển nông nghiệp và nông thôn nhằm phát huy được hiệu suất và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư góp phần vào phát triển sản xuất  nông nghiệp trong giai đoạn mới.

Nội dung

2.2.      THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TẠI ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 

2.2.1.     Khái quát quá trình phát triển kinh tế và sản xuất  nông nghiệp Thái Nguyên giai đoạn 2007 – 2009

Nông nghiệp nông thôn Thái Nguyên đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ trong thời gian vừa qua. Kết quả đáng ghi nhận đó được thể hiện qua số liệu sau đây đã giúp cho người dân không những chủ động được vấn đề về lương thực mà còn phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá:

Bảng 2.6: Một số kết quả sản xuất cây lương thực của Thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2007-2009

Lúa

Đơn vị tính

Năm

% tăng trưởng 2009/2008

2007

2008

2009

Sản lượng

tấn

23.422

25.029

26.095

4,26%

Diện tích

ha

5.501

5.959

5.837

-2,05%

Năng suất

tấn/ha

4,26

4,20

4,47

6,44%

 

 

Ngô

 





Sản lượng

tấn

4.191

4.971

3.759

-24,38%

Diện tích

ha

995

1.246

969

-22,23%

Năng suất

tấn/ha

4,21

3,99

3,88

-2,76%

 

 

Khoai

 





Sản lượng

tấn

3.501

3.616

3.041

-15.90%

Diện tích

ha

721

742

595

-19.81%

Năng suất

tấn/ha

4,86

4,87

5,11

4.88%

 

 

 

 

 

 

Sắn

 

 

 

 

 

Sản lượng

tấn

2,051

2,885

2,381.0

-17.47%

Diện tích

ha

201.0

224.0

159.0

-29.02%

Năng suất

tấn/ha

10.20

12.88

14.97

16.27%

Nguồn: Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên 2009

Do tốc độ phát triển nhanh chóng của đô thị hoá nên quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. So với năm 2008 thì tất cả các diện tích đất dành cho các cây trồng chính như lúa, ngô, khoai, săn đều bị mất bớt đi một phần diện tích để nhường chỗ cho các khu công nghiệp, các khu tái định cư... Chỉ riêng cây lúa có được sự tăng trưởng 4,26% là do diện tích canh tác chỉ bị giảm 2,05% trong khi đó với sự phát triển không ngừng của tiến bộ khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào thâm canh tăng năng suất giúp cho năng suất cây lúa tăng thêm 6,44% so với năm 2008. Các loại cây trồng khác như ngô, khoai, sắn đều bị giảm sút về sản lượng bởi sự tăng thêm về năng suất nhỏ hơn rất nhiều sự giảm sút về diện tích đất canh tác.

            Bên cạnh đó, phân tích các thống kê về cây chè, loại cây đã đi vào sản xuất hàng hoá tại thành phố Thái Nguyên trong những năm gần đây để thấy được sự thay đổi theo chiều hướng nào:

Bảng 2.7: Kết quả sản xuất cây chè thuộc khu vực Thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2007-2009

Cây chè

 

Đơn vị tính

 

Năm

% tăng trưởng

2007

2008

2009

Sản lượng

tấn búp tươi

10.846

12.211

13.040

6,79%

Diện tích

ha

1.134

1.161

1.207

3,96%

Năng suất

tấn/ha

9,56

10,52

10,80

2,72%

Nguồn: Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên 2009

            Có sự khác biệt giữa cây chè so với các cây lương thực kể trên đó là diện tích thâm canh cây chè đang có xu hướng tăng lên liên tục qua các năm. Bên cạnh những diện tích trồng cây lâu năm như vải, nhãn, keo, bạch đàn đã được các hộ dân chuyển đổi sang trồng chè cùng với sự đầu tư của các chương trình dự án trong việc cải tạo các nương chè già cỗi đã làm cho diện tích trồng chè tăng lên nhanh chóng. Năng suất cây chè cũng được cải thiện đáng kể đã làm cho sản lượng chè búp tươi của thành phố Thái Nguyên tăng lên 6,79% so với năm 2008.

2.2.2. Phân tích thực trạng đầu tư phát triển CSHT phục vụ cho sản xuất  nông nghiệp thời kỳ 2007 – 2009

2.2.2.1. Quy mô và cơ cấu vốn đầu tư CSHT phục vụ cho sản xuất  nông nghiệp giai đoạn 2007 – 2009

So với các ngành kinh tế xã hội khác, tổng số vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn. Số liệu bảng 2.8 dưới đây sẽ phân tích cụ thể hơn nhận định trên.

 

Bảng 2.8: Quy mô vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2007-2009

Đơn vị tính: triệu đồng

Năm

Nông nghiệp

Công nghiệp

Xây dựng

Y tế, giáo dục

Giao thông, vận  tải

2007

1.886

32.906

22.920

28.671

21.125

2008

5.300

9.409

55.650

26.050

14.000

2009

8.100

15.919

60.700

56.700

21.909

Tổng

15.286

58.234

139.270

111.421

57.034

Nguồn: Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên 2009

Qua bảng số liệu trên ta nhận thấy vốn đầu tư cho phát triển CSHT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp qua các năm ở tỷ lệ rất thấp so với các ngành kinh tế khác. Năm 2007 vốn đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 1.886 triệu đồng chiếm 1,8% trong tổng số vốn đầu tư phát triển của tỉnh Thái Nguyên. Cao nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển cho ngành công nghiệp. Năm 2008 đã có sự thây đổi đáng kể trong cơ cấu vố đầu tư phát triển của tỉnh Thái Nguyên. Vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm 4,8% trong khi đó nguồn vốn đầu tư phát triển lại chủ yếu tập chung vào lĩnh vực xây dựng với 50.4% tổng số vốn đầu tư phát triển của toàn tỉnh. Bước sang năm 2009 không thấy có sự khác biệt nhiều trong phân bổ cơ cấu vốn đầu tư phát triển. Tổng số vốn đầu tư cho lĩnh vực nông thôn nông thôn chỉ chiếm 5%. Cao nhất vẫn là nguồn ngân sách đầu tư cho xây dựng chiếm tỷ lệ 37,2%. Một khác biệt đó là vốn đầu tư cho y tế, giáo dục chiếm tỷ lệ khá cao là 34,7% tổng số vốn đầu tư phát triển năm 2009 cao hơn rất nhiều lần con số 9,7% cơ cấu vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp.

Biểu 2.1: Quy mô và cơ cấu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế qua các năm

 Nguồn: Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên năm 2009

Nếu xem xét riêng nguồn vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn ta nhận thấy cơ cấu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2007-2009 chủ yếu tập chung cho hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp với 81,2% tương đương với 12.412,1 triệu đồng . Không thấy có sự đầu tư cho lĩnh vực thuỷ sản bởi nét riêng của tỉnh Thái Nguyên đó là tỉnh miền núi do đó các hoạt động về thuỷ sản không phát triển cho đến thời điểm nghiên cứu.

Biểu đồ 2.2: Cơ cấu vốn đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2007-2009

 

Nguồn: Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên năm 2009

Nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp tập chung chủ yếu vào việc bê tông hoá các tuyến đường nội đồng và các tuyến đường liên thôn, xã; một phần xây dựng kênh mương dân nước tưới, tiêu nội đồng của các xã, phường vệ tinh bao quanh khu vực thành phố Thái Nguyên. Quy mô và cơ cấu được thể hiện rõ thông qua bảng số liệu sau:

Bảng 2.9: Quy mô và cơ cấu vốn đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2007-2009

Đơn vị tính: triệu đồng

STT

Hạng mục đầu tư

Vốn đầu tư

Cơ cấu %

1

Đường giao thông nông thôn

10.292

62,86

2

Các công trình thủy lợi

4.081

24,93

3

Các công trình thủy sản

0

0,00


Nghiên cứu khoa học

2.000

12,22

Tổng cộng

16.373

100%

Nguồn: Phòng kinh tế thành phố Thái Nguyên 2009

Qua bảng 2.4 ta thấy trong tổng số 16.373 triệu đồng từ vốn đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn có đến 10.292 triệu đồng chiếm 62,86% dành cho xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn và đường bê tông nội đồng. Số vốn 4.081 triệu đồng sử dụng cho xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ như các trạm bơm điện nhỏ, kênh mương nội đồng, các đập ngăn nước, hồ chứa nước tưới tiêu... Ngoài ra, ngân sách dành cho các công trình nghiên cứu khoa học của thành phố Thái Nguyên trong giai đoạn 2007-2009 cho các đề tài khoa học là 2.000 triệu đồng phục vụ cho các ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông, lâm nghiệp.

2.2.2.2. Thực trạng đầu tư phát triển cho từng lĩnh vực CSHT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ nguồn vốn của chính phủ do Bộ Nông nghiệp & PTNT quản lý

2.2.2.2.1. Cơ sở hạ tầng thuỷ lợi

Đầu tư cho hệ thống thuỷ lợi được đặc biệt chú trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Theo số liệu quan sát qua các năm 2007, 2008 và 2009 chúng ta có bảng số liệu sau:

Bảng 2.10: Đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ giai đoạn 2007-2009

Đơn vị tính: triệu đồng

STT

Tên công trình giao thông nông thôn

Năm thực hiện

Vốn đầu tư

Chủ đầu tư

1

Đập Suối Cốc Cam Giá

2007

335

UBND

P. Cam Giá

2

Hồ chứa nước Khuôn năm xã Phúc Xuân

2007

20

UBND xã Phúc Xuân

3

Sửa chữa kênh N4 xã Phúc Trìu

2008

150

UBND xã Phúc Trìu

4

Hệ thống kênh tưới trạm bơm Gốc Vải xã Cao Ngạn

2008

894

UBND xã Cao Ngạn

5

Xây dựng trạm bơm điện xóm Nhân Hoà xã Thịnh Đức

2008

422

UBND xã Thịnh Đức

6

Sửa chữa đập tràn và xây dựng đường vào hồ Cây Sy - Phúc Xuân

2008

10

UBND xã Phúc Xuân

7

Kênh mương nội đồng các xã toàn thành phố Thái Nguyên

2009

2.250

UBND các phường, xã


Trạm bơm điện Đồng Vung - Đồng Hỷ

2007

386

Sở NN&PTNT

Tổng


4.467


Nguồn: Phòng kinh tế thành phố Thái Nguyên 2009

Trong đó, danh mục (7) các hạng mục đầu tư cho các công trình thuỷ lợi nhỏ được thống kê chi tiết như bảng dưới đây:

Bảng 2.11: Đầu tư xây dựng kênh mương và các công trình thuỷ lợi nhỏ giai đoạn 2007-2009

Đơn vị tính: triệu đồng

 

STT

Địa điểm đầu tư

 

Tổng số vốn

 

Trong đó

 

Chủ đầu tư

Vốn cấp QSD đất

Vốn vay tín dụng

1

Phường Quang Vinh

120

50

70

UBND Phường Quang Vinh

2

Phường Túc Duyên

150

50

100

UBND Phường Túc Duyên

3

Phường Trung Thành

150

50

100

UBND Phường Trung Thành

4

Phường Tân Thành

130

50

80

UBND Phường Tân Thành

5

Phường Hương Sơn

150

50

100

UBND Phường Hương Sơn

6

Phường Cam Giá

150

50

100

UBND Phường Cam Giá

7

Xã Quyết Thắng

250

50

200

UBND Xã Quyết Thắng

8

Xã Lương Sơn

300

50

250

UBND Xã Lương Sơn

9

Xã Thịnh Đức

150

50

100

UBND Xã Thịnh Đức

10

Xã Phúc Trìu

200

50

150

UBND Xã Phúc Trìu

11

Xã Phúc Xuân

150

50

100

UBND Xã Phúc Xuân

12

Xã Cao Ngạn

300

50

250

UBND Xã Cao Ngạn

13

Xã Đồng Bẩm

50

0

50

UBND Xã Đồng Bẩm

Tổng

2.250

600

1.650


Nguồn: Phòng kinh tế thành phố Thái Nguyên năm 2009

Tổng số vốn đầu tư cho phát triển các công trình thuỷ lợi nhỏ bao gồm các trạm bơm điện, hệ thống kênh mương nội đồng bằng bê tông hoá sau khi hoàn thành sẽ cải thiện cho công tác tưới, tiêu cho thâm canh các loại cây lương thực chủ đạo như trên 65 nghìn ha lúa, 22 nghìn ha ngô, 7.600 nghìn khoai, sắn và một phần đáp ứng công tác tưới nước cho các diện tích chè cao sản thuộc các xã Phúc Trìu, Quyết Thắng.

2.2.2.2.2. Cơ sở hạ tầng đường giao thông phục vụ cho nông nghiệp - nông thôn

Trong giai đoạn 2007-7009 tại khu vực thành phố Thái Nguyên chỉ có năm công trình đường giao thông nông thôn phục vụ cho nhu cầu đi lại và vận chuyển các nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và lưu thông hàng hoá tạo điều kiện thuận lợi cho bà con các xã trong các công việc nhà nông và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

 

 

Bảng 2.12: Các công trình giao thông nông thôn giai đoạn 2007-2009

Đơn vị tính: triệu đồng

STT

Tên công trình giao thông nông thôn

Năm thực hiện

Vốn đầu tư

Chủ đầu tư

1

Đường liên xã Quyết Thắng - Phúc Trìu

2007

1.523

UBND xã

Quyết Thắng

2

Đường tràn liên hợp Tân Cương - Đá Mài

2007

295

UBND xã

Tân Cương

3

Cân vênh vá láng đường đi Huống Thượng

2008

426

UBND Phường Túc Duyên

4

Đường bê tông xóm Tân Thái xã Tân Cương

2008

2.098

UBND xã

Tân Cương

5

Đường giao thông nông thôn cho các xã phường

2009

5.950

UBND các phường, xã

Tổng cộng


10.292


Nguồn: Phòng kinh tế thành phố Thái Nguyên năm 2009

            Uỷ ban nhân dân thành phố Thái Nguyên giao cho các UBND các xã, phường làm chủ đầu tư. Nguồn vốn do ngân sách của tỉnh cấp được trích ra từ thuế sử dụng đất và thuế chuyển quyền sử dụng đất. Cơ cấu vốn đầu tư cho đường giao thông nông thôn theo quyết định số 5245/QĐ-UBND ngày 03/8/2009 của UBND thành phố Thái Nguyên bao gồm 40% do ngân sách nhà nước cấp (2.400 tỷ đồng) và 60% vốn vay tín dụng ưu đãi từ ngân hàng đầu tư & phát triển Việt Nam (3.350 tỷ đồng) trong tổng số 5.950 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho hệ thống đường giao thông các xã, phường trong toàn khu vực thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2007-2009. Với tổng số vốn đầu tư phát triển là 10.292 triệu đồng cho hạ tầng giao thông nông thôn đã bê tông hoá được trên 90% các tuyến đường liên thôn, liên xã trong khu vực thành phố và các xã trực thuộc thành phố quan lý.

2.2.2.2.3. Cơ sở hạ tầng lâm nghiệp

Chỉ có duy nhất một công trình được đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp tại khu vực thành phố Thái Nguyên đó là công trình xây dựng Hạt kiểm lâm huyện Đồng Hỷ với số vốn đầu tư là 2.370 triệu đồng do chi cục kiểm lâm huyện Đồng Hỷ làm chủ đầu tư. Công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2010. Công trình sau khi hoàn thành sẽ là tạo thêm một vành đai bảo vệ, kiểm soát các hoạt động vận chuyển buôn bán trái phép các sản phẩm từ rừng như gỗ, động vật quý hiếm... về tiêu thụ tại thành phố Thái Nguyên và vận chuyển đi các tỉnh khác.

Do các diện tích đất có rừng đều phân bố ở khu vực các huyện như Định Hoá, Đại Từ, Võ Nhai... nên chỉ sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh Thái Nguyên chứ không phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư phát triển của thành phố Thái Nguyên. Do đó trong giới hạn của đề tài không cập nhật các số liệu đầu tư phát triển của tỉnh Thái Nguyên đối với các khu vực khác ngoài thành phố Thái Nguyên.

2.2.2.2.4. Một số đề án đang thực hiện trong phạm vi thành phố Thái Nguyên

a) Đề án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2006 – 2010

Đề án với mục tiêu nhằm hỗ trợ các hộ chăn nuôi phát triển số lượng đàn gia súc, gia cầm với quy mô trang trại chăn nuôi tập trung tại thành phố Thái Nguyên để từng bước phát triển lĩnh vực chăn nuôi trở thành sản xuất hàng hoá đem lại thu nhập và việc làm cho người chăn nuôi. Sau hai năm triển khai trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã hình thánh các vùng chăn nuôi tập trung ở một số xã trên địa bàn ở khu vực ngoại thành như các xã: Tân Cương, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Lương Sơn, Cao Ngạn... Đến hết năm 2009, số cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên hiện có 60 cơ sở tăng 120% so với năm 2008 (54 cơ sở) và tăng 271% so với năm 2007 (24 cơ sở) từng bước đưa ngành chăn nuôi tại thành phố Thái Nguyên trở thành việc sản xuất hàng hoá. Kết quả là số lượng gia súc, gia cầm tăng lên rõ rệt qua các năm như bảng 2.7 dưới đây:

Bảng 2.13: Số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên

STT

Loại gia súc

Đơn vị tính

Năm

Tăng trưởng (%)

2007

2008

2009

08/07

09/08

1

Đàn trâu

Con

6.150

6.800

7.120

111%

105%

2

Đàn bò

Con

4.980

5.300

5.680

106%

107%

3

Đàn lợn

Con

55.000

59.000

61.200

107%

104%

4

Đàn gia cầm

Con

430.000

570.000

590.000

133%

104%

Nguồn: Phòng kinh tế thành phố Thái Nguyên 2009

Qua bảng số liệu trên ta nhận thấy số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên tăng lên liên tục qua các năm. Cụ thể số lượng của đàn trâu tăng từ 6.150 con năm 2007 lên 7.120 con trong năm 2009. Số lượng của đàn bò cũng tăng từ 4.980 con lên 5.680 con trong năm 2009. Số lượng của đàn lợn cũng đạt được tốc độ tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng đạt 7% năm 2008 so với năm 2007 và 4% năm 2009 so với năm 2008. Đặc biệt số lượng gia cầm có được tốc độ tăng trưởng tuyệt đối trong năm 2008 so với năm 2007 làm tăng số lượng gia cầm từ 430.000 con lên 570.000 con. Tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại trong năm 2009 do một số nguyên nhân khách quan không có lợi cho người chăn nuôi như giá cả các loại thức ăn tăng lên nhanh trong khi đó giá bán không thể tăng kịp với giá các loại nguyên liệu đầu vào cộng với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh đã làm cho người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Đề án triển khai được 05 mô hình theo chính sách hỗ trợ của tỉnh với tổng số tiền là 132,775 triệu đồng được chia ra làm ba giai đoạn: Năm 2007 là 35,5 triệu đồng, năm 2008 là 50 triệu đồng và năm 2009 là 50,775 triệu đồng. Đề án sau bốn năm hoạt động đã lai tạo được 507 con bò lai sind có trị giá ước tính khoảng 3,5 tỷ đồng mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người chăn nuôi.

Thực hiện Quyết định số 2345/2006/QĐ-UBND ngày 22/08/2006 của UBND thành phố Thái Nguyên về việc ban hành đề án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2006 - 2010, trạm khuyến nông thành phố Thái Nguyên phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các nội dung như sau:

Đối với chăn nuôi trâu, bò:

-                Hỗ trợ trồng cỏ với tổng diện tích là 150 sào cho các hộ nuôi từ 3 - 5 con trâu, bò trở lên. Kinh phí hỗ trợ 70 nghìn đồng/sào.

-                Tổ chức 5 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng và chữa bệnh.

-                Phòng trừ dịch bệnh: Phối hợp với Trạm thú y thành phố Thái Nguyên tổ chức tiêm phòng dịch theo kế hoạch chung của thành phố Thái Nguyên.

Đối với chăn nuôi lợn:

-                Tổ chức 5 lớp tập huấn về các kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt chú ý tới các bệnh như: Bệnh tai xanh, Lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng...

Đối với chăn nuôi gia cầm:

-                Tổ chức 01 lớp tập huấn về các kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh phổ biến trên gia cầm.

-                Học tập kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Ninh về nội dung “ chăn nuôi gà an toàn sinh học”.

Nhận xét: Đề án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2006 – 2010 đã đạt được một số kết quả quan trọng sau đây:

-                Thông qua các lớp tập huấn, nâng cao được kỹ năng chăn nuôi cho các hộ dân tham gia dự án. Cụ thể đó là nâng cao được kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại cũng như môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi.

-                Tạo ra mô hình chăn nuôi tập chung từ đó giúp các chi cục thú y thuận lợi hơn trong quá trình kiểm soát dịch bệnh...

-                Đem lại hiệu quả thiết thực cho người chăn nuôi thông qua các lớp huấn luyện về kỹ năng phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để chủ động hạn chế việc gia súc, gia cầm bị chết vì bệnh dịch.

-                Tạo ra tâm lý tốt để nhân dân yên tâm đầu tư vào phát triển ngành chăn nuôi thực sự lớn mạnh trong thời gian tới.

b) Đề án xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2006 – 2010.

Đề án chọn lựa 05 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phân bố tại bốn hướng cửa ngõ thành phố Thái Nguyên và một cơ sở tại trung tâm thành phố Thái Nguyên để hỗ trợ vốn, kỹ thuật nhằm phát triển mô hình giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để quản lý về nguồn gốc cũng như chất lượng của sản phẩm trước khi tiêu thụ ra thị trường. Sau đây là các cơ sở được chọn lựa tại thành phố Thái Nguyên trong đề án:

Bảng 2.14: Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trong đề án

STT

Tên cơ sở

Địa chỉ

Quy mô

1

Nguyễn Văn Dũng

Phường Tân Lập

Từ 200 đến 1000 con/ngày

2

Nguyễn Văn Kiên

Phường Túc Duyên

3

Lê Thị Chung Liên

Phường Quang Trung

4

Phạm Văn Hùng

Phường Tân Long

5

Chung Hiền

Phường Hoàng Văn Thụ

Nguồn: Phòng kinh tế thành phố Thái Nguyên năm 2009

Kinh phí hỗ trợ được chia làm hai giai đoạn: Năm 2008 là 50 triệu đồng, năm 2009 là 50,775 triệu đồng.

Căn cứ theo quyết định số 3129/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt đề án xây dựng mạng lưới thú y cấp cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên, để việc chăm sóc bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thay đổi cơ chế đã ban hành trong đề án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Cơ chế đã ban hành: “Hỗ trợ kinh phí cho trưởng ban thú y cấp xã, phường hoạt động mức 150.000 đến 200.000 đồng/tháng” và điều chỉnh thành: “Hỗ trợ kinh phí cho trưởng ban thú y cấp xã, phường hoạt động mức 0,8 so với mức lương tối thiểu hiện hành" để cho các trưởng ban thú y cấp cơ sở có đủ kinh phí để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình [1].

 

c) Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2007 – 2010.

            Căn cứ theo các quyết định: Quyết định số 107/2008/QĐ – TTG ngày 30/07/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau quả, chè an toàn đến năm 2015; Quyết định số 4013/QĐ-BNN-KHCN;  Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN; Quyết định số 1121/QĐ-BNN-KHCN; Quyết định số 84/QĐ-BNN; Quyết định số 99/QĐ-BNN của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc ban hành các quy trình, quy định, quản lý và cơ chế chính sách sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tốt cho rau quả, chè búp tươi an toàn; cho các chương trình dự án khuyến nông, Căn cứ theo quyết định số 2681/2007/QĐ-UBND; quyết định số 3129/QĐ-UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật cho một số loại cây trồng, vật nuôi; quyết định số 03/2007/QĐ-UBND ngày 10/04/2007 của hội đồng nhân dân thành phố Thái Nguyên về việc phê duyệt đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2007-2010, quyết định số 894/2007/QĐ-UBND ngày 23/04/2007 UBND thành phố Thái Nguyên về việc ban hành đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2007-2010, đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn do trạm khuyến nông thành phố Thái Nguyên thực hiện với tổng kinh phí thực hiện là 254.304 ngàn đồng trong đó nhà nước hỗ trợ là 120 triệu đồng, kinh phí đối ứng của dân là 134.304 ngàn đồng với các nội dung thực hiện như sau (Chi tiết trong phần phụ lục):

  1. Tổ chức tập huấn 12 lớp về kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho các hộ sản xuất rau của 07 xã phường trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
  2. Tổ chức thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn tại các phường Quang Vinh, Túc Duyên và phường Cam Giá trên diện tích đã được quy hoạch rộng 10ha.
  3. Tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình để khác phục những tồn tại trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, thành phố Thái Nguyên đã bổ sung thêm các cơ chế hỗ trợ cho công tác tiêu thụ đối với các hộ dân tham gia dự án sản xuất và tiêu thu rau an toàn như sau:

-                Đối với mô hình trình diễn sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau an toàn thành phố Thái Nguyên hỗ trợ 60% kinh phí cho xây dựng nhà lưới, nhà sơ chế, các công trình phụ trợ và giới thiệu sản phẩm rau an toàn.

-                Thành phố Thái Nguyên hỗ trợ kinh phí cho việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất rau an toàn như sau: 100% cho cấp mới lần đầu, 70% cho cấp lần 2 và 50% cho cấp lại các lần tiếp theo.

-                Thành phố hỗ trợ 100% kinh phí cho việc kiểm tra thực hiện các quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn, lấy mẫu phân tích, hội thảo, tổng kết chỉ đạo hàng năm.

-                Khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư cho sản xuất rau an toàn, hoa quả, chè an toàn được ưu tiên thuê đất, hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai và được hưởng mức ưu đãi cao nhất về tiền sử dụng đất, giá thuê đất theo các quy định hiện hành.

Nhận xét:

-                Dự án làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm cho người trồng rau. Đó là cung cấp cho người tiêu dùng các loại rau xanh có chất lượng cao, an toàn để bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng. Tạo ra công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ dân tham gia dự án.

-                Dự án sẽ được nhiều hộ dân trong tỉnh đến tham quan, học tập và làm theo để nhân rộng mô hình ra trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên.

-                Cung cấp cho thành phố Thái Nguyên các loại rau xanh an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

-                Tạo ra được các khu vực trồng rau riêng biệt để thuận lợi cho công tác bảo vệ thực vật, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

d) Đề án sản xuất hoa tươi chất lượng cao thành phố Thái Nguyên năm 2009

Căn cứ quyết định số 04/2007/QĐ-UBND ngày 10/04/2007 của hội đồng nhân dân thành phố Thái Nguyên về việc phê duyệt đề án phát triển sản xuất hoa tươi chất lượng cao thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2007-2010, quyết định số 895/2007/QĐ-UBND ngày 23/04/2007 UBND thành phố Thái Nguyên về việc ban hành đề án phát triển sản xuất hoa tươi chất lượng cao giai đoạn 2007-2010, đề án phát triển sản xuất hoa tươi chất lượng cao do trạm khuyến nông thành phố Thái Nguyên xây dựng kế hoạchvà thực hiện với tổng kinh phí thực hiện là 401.3400 ngàn đồng trong đó nhà nước hỗ trợ là 180 triệu đồng, kinh phí đối ứng của dân là 221.400 ngàn đồng với các nội dung thực hiện như sau (Chi tiết trong phần phụ lục):

-                Hỗ trợ nông dân 40% tiền mua giống cho các loại hoa: Hoa Lily, hoa đồng tiền, hoa Layơn, hoa Loa kèn với tổng số tiền là 147,6 triệu đồng.

-                Kinh phí tập huấn kỹ thuật cho 12 lớp là 19,2 triệu đồng.

-                Kinh phí tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình là 5,260 triệu đồng.

-                Kinh phí quản lý đề án bao gồm: Kiểm tra, nghiệm thu, vật tư văn phòng phẩm là 7,940 triệu đồng.

Nhận xét:

-                Sự thành công của dự án sẽ mở ra hướng sản xuất kinh doanh mới cho các hộ dân tham gia dự án. Tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cao, ổn định cho các hộ dân tham gia dự án.

-                Dự án sẽ được nhiều hộ dân trong tỉnh đến tham quan, phát tài liệu để học tập và làm theo để nhân rộng mô hình.

-                Cung cấp cho thành phố Thái Nguyên hoa tươi chất lượng cao với giá thành cạnh tranh cho các ngày lễ lớn, các hội nghị, các nhu cầu cá nhân... tại thành phố Thái Nguyên.

e) Phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2007-2010.

Căn cứ theo quyết định số 107/2008/QĐ-TTG ngày 30/07/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau quả và chè an toàn đến năm 2015; căn cứ theo quyết định số 1121/QĐ-BNN-KHCN, quyết định số 84/QĐ-BNN của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc ban hành quy trình thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt cho chè búp tươi an toàn, về quy chế chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho rau quả và chè an toàn; Căn cứ quyết định số 05/2007/QĐ-UBND ngày 10/04/2007 của hội đồng nhân dân thành phố Thái Nguyên về việc phê duyệt đề án phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2007-2010, quyết định số 896/2007/QĐ-UBND ngày 23/04/2007 UBND thành phố Thái Nguyên về việc ban hành đề án phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương giai đoạn 2007-2010, đề án phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương thành phố Thái Nguyên do trạm khuyến nông thành phố Thái Nguyên xây dựng kế hoạch và thực hiện. Thành lập ban chỉ đạo sản xuất của thành phố Thái Nguyên gồm có đồng chí phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban với tổng kinh phí thực hiện là 665,800 triệu đồng trong đó nhà nước hỗ trợ là 332,160 triệu đồng, kinh phí đối ứng của dân là 343,640 triệu đồng với các nội dung thực hiện như sau (Chi tiết trong phần phụ lục):

-                Kinh phí trợ giá cho giống chè giống mới là 61,560 triệu đồng.

-                Hỗ trợ tôn sao chè bằng INOX số lượng 80 cái là 2 triệu đồng.

-                Kinh phí tập huấn kỹ thuật trồng mới, thâm canh, sản xuất ủ phân hữu cơ, chế biến, quản lý chất lượng các sản phẩm chè, đào tạo IPM là 48 triệu đồng.

-                Công tác nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu, văn phòng phẩm là 12,510 triệu đồng.

Ngoài ra, thành phố sẽ hỗ trợ 100% kinh phí cho việc kiểm tra thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn, lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc BVTV, chất lượng chè... cấp giấy chứng nhận chè an toàn cho người trồng chè trong khu vực quy hoạch dành cho sản xuất chè đặc sản Tân Cương với quy mô 800ha (Bao gồm các xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Quyết Thắng, Phúc Hà).

Nhận xét:

-                Đề án đã giúp bà con trong vùng quy hoạch trồng mới được 30ha chè cành giống mới, trồng phục hồi 50ha chè cành giống mới tăng diện tích thâm canh chè đặc sản lên 800ha.

-                Tập huấn cho người trồng trè các biện pháp kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, bảo vệ và chế biến các sản phẩm chè đặc sản Tân Cương theo hướng chè sạch, an toàn.

-                Xây dựng được vùng chè nguyên liệu tập trung để thực hiện việc sản xuất chè an toàn nhằm làm tăng giá trị của sản phẩm và khẳng định thương hiệu đối với người tiêu dùng trong nước và thị trường thế giới. Tăng thu nhập cho người trồng chè.

-                Sản phẩm được cấp giấy chứng nhận chè sạch, an toàn nên làm tăng giá bán do đó làm tăng thu nhập cho người trồng chè.

-                Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách của Đảng và nhà nước, cơ chế của tỉnh, thành phố Thái Nguyên trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ các sản phẩm chè đặc sản Tân Cương Thái Nguyên. 

-                Thông qua các lớp tập huấn và hướng dẫn thực địa đã làm thay đổi giống chè cũng như thói quen chăm sóc, thu hái và chế biến của bà con, do đó làm tăng kỹ năng thâm canh tăng năng suất và chất lượng cho người tham gia các lớp tập huấn.

Tải file Nghiên cứu tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư cơ bản cho phát triển nông nghiệp nông thôn thành phố Thái Nguyên tại đây

PP nghiên cứu

1.5   PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.5.1.     Phương pháp thu thập số liệu

Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp: Phương pháp này được sử dụng để hệ thống hoá và tóm tắt về cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn có liên quan đến đề tài này. Ngoài ra, thu thập số liệu thứ cấp về vốn đầu tư cũng như tiến độ giải ngân, lãi suất của các khoản đầu tư phát triển CSHT phục vụ cho cho nông nghiệp và phát triển nông thôn tại phòng Kinh tế thành phố Thái Nguyên, cục thống kê và các phòng ban khác ở tỉnh Thái Nguyên, Số liệu đầu tư từ các ngân hàng đầu tư & phát triển Việt Nam, ngân hàng nông nghiệp & PTNT thành phố Thái Nguyên ... Nguồn gốc của các tài liệu này đều được chú thích rõ ràng sau mỗi biểu số liệu.

Phương pháp điều tra số liệu sơ cấp: Trong giai đoạn I của đề án, đề tài chưa tiến hành điều tra thực địa vì hạn chế về mặt thời gian. Để đánh giá được hiệu quả của các công trình đầu tư phát triển CSHT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tác giả sẽ tiến hành điều tra thực địa và sử dụng các phần mềm thông kê để phân tích và đưa ra những nhận xét mang tính khoa học.

1.5.2.     Phương pháp xử lý thông tin

Thông tin và các số liệu sau khi thu thập được sẽ được tác giả cập nhật và tính toán tùy theo mục đích và nội dung nghiên cứu, phân tích của đề tài trên chương trình Excel 2007 của Microsoft.

Sử dụng phần mềm xử lý thống kê xã hội SPSS 15.0 (Statistical Package For Social Sciences) để xử lý thống kê và xem xét mối tương quan giữa các chỉ tiêu nghiên cứu đồng thời kiểm định các giả thiết thống kê định lượng, định tính trong mô hình phân tích để cung cấp tư liệu cũng như các luận cứ khoa học phục vụ cho công tác tổng hợp nghiên cứu của đề tài.

1.5.3.      Phương pháp phân tích đánh giá

Phương pháp thống kê mô tả: Là phương pháp nghiên cứu các hiện tượng kinh tế xã hội vào việc mô tả sự biến động cũng như xu hướng phát triển của hiện tượng kinh tế xã hội thông qua số liệu thu thập được. Phương pháp này được dùng để tính, đánh giá các kết quả thu thập được từ các số liệu thứ cấp và sơ cấp.

Phương pháp phân tích so sánh: Xử lý số liệu tính toán ra các chỉ tiêu số tương đối nhằm chỉ rõ nguyên nhân biến động của hiện tượng nghiên cứu. Phương pháp này dùng để so sánh đánh giá hiệu quả của đầu tư trước và sau khi có hoạt động đầu tư phát triển CSHT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

 Phương pháp phân tổ thống kê: Mục tiêu của việc phân tổ trong nghiên cứu là làm cho sự đồng nhất trong cùng một nhóm và sự khác biệt giữa các nhóm tăng lên. Tác giải đã phân tổ các hộ điều tra theo tiêu chí: Trước và sau khi đầu tư phát triển CSHT, có và không đầu tư phát triển CSHT giữa các khu vực trong địa bàn thành phố Thái Nguyên để tiến hành phân tích đánh giá xem có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê đối với các chỉ tiêu nghiên cứu giữa hai khu vực như: Thu nhập bình quân, số lao động thất nghiệp...  [18].

1.5.4.     Phương pháp chuyên gia, chuyên khảo

Phối hợp và tham gia ý kiến của các chuyên gia giàu kinh nghiệm về đánh giá tác động và hiệu quả của công tác đầu tư phát triển CSHT nói chung và CSHT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng thông qua các buổi thảo luận, lấy ý kiến trong khi trao đổi trực tiếp để đưa ra các tiêu chí nghiên cứu. Tham khảo thêm ý kiến của một số chuyên gia, giám đốc các sở ban ngành, chủ đầu tư về các vấn đề chính sách, thực tế và kinh nghiệm liên quan đến đầu tư CSHT phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Tận dụng sự tham vấn rộng rãi của các bên liên quan trong quá trình kiểm chứng, đánh giá và xây dựng các báo cáo chuyên đề và trong quá trình đọc, bình luận, đánh giá các phát hiện, phân tích và đề xuất giúp đề tài có hướng nghiên cứu khoa học có thể tiếp cận đúng hướng và có giá trị nghiên cứu dự báo phù hợp với tình hình thực tế và sẽ diễn ra trong tương lai.

Hiệu quả KTXH

ĐV sử dụng

STT Tên đơn vị Người đại diện
STT Tên người tham gia

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*