Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Nghiên cứu giá trị văn hóa truyền thống trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương
Cơ quan chủ trì Khối cơ quan Đại học Thái Nguyên
Cơ quan thực hiện Đại học sư phạm
Loại đề tài Đề tài cấp đại học
Lĩnh vực nghiên cứu Văn học
Chủ nhiệm(*) Dương Thu Hằng
Ngày bắt đầu 01/2013
Ngày kết thúc 12/2014

Tổng quan

- Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, thế giới đã và đang trở thành một cái làng toàn cầu global village về mọi phương diện (Jurgen Osterhammel & Niels P. Petersson, 2003, Globalization: A Short History, translated by Dona Geyer, Princeton University Press, USA). Riêng bình diện văn hóa, toàn cầu hóa làm cho nhân loại trên khắp thế giới trở nên giống nhau hay khác nhau hơn, là câu hỏi thường được đặt ra trong các cuộc trao đổi về toàn cầu hóa văn hóa. Không thể phủ nhận một sự thật trong thực tế hội nhập ngày nay, một số giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một và mất đi.

- Văn học là một thành tố quan trọng của văn hoá. Các sáng tác văn học, đặc biệt là văn học cổ, trở thành những chứng tích văn hóa chân thực để các thế hệ mai sau hiểu về những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhìn lại di sản văn học thời trung đại, không ít nhà thơ đã sắm vai trò “người giữ lửa” cho những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nước nhà, trong số đó có Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến và Tú Xương.

 - Là ba tác giả tiêu biểu của giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương lâu nay là địa hạt thu hút nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước (M. Ponchon, S. Aubaret, P. Janeau, Nguyễn Quảng Tuân, Xuân Diệu, Cao Tự Thanh, Đỗ Lai Thuý, Trần Nho Thìn…). Tuy vậy, cho đến nay, các giá trị văn hoá truyền thống trong sáng tác của ba tác giả này chưa trở thành đối tượng nghiên cứu chính của bất cứ công trình nghiên cứu nào. Vì vậy, đề tài này nếu được thực hiện sẽ có ý nghĩa không nhỏ trong việc giáo dục thế hệ trẻ nói riêng và trong hành trình hội nhập hiện nay của văn hóa, văn học dân tộc nói chung.

10.3. Danh mục các công trình đã công bố thuộc lĩnh vực của đề tài của chủ nhiệm và những thành viên tham gia nghiên cứu (họ và tên tác giả; bài báo; ấn phẩm; các yếu tố về xuất bản)

- Của chủ nhiệm đề tài:

1. Dương Thu Hằng (2003), Về chữ NGHĨA trong tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Tạp chí Nghiên cứu giáo dục số 72.

2. Dương Thu Hằng (2006), Chữ quốc ngữ - phương tiện canh tân văn hoá của Trương Vĩnh Ký, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, số 3.        

3. Dương Thu Hằng (2008), Trương Vĩnh Ký - người kiến tạo không gian tinh thần mới, Tạp chí Hội nhà văn, số 12.

4. Dương Thu Hằng (2009), Tìm hiểu ngôn ngữ trong Chuyện đời xưa (1866) của Trương Vĩnh Ký, tạp chí Khoa học và Công nghệ, ĐH Thái Nguyên, số 3.

5. Dương Thu Hằng (2009), Hiện trạng văn tự và đời sống văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, số 4.

6. Dương Thu Hằng (2009), Thông loại khoá trình: chuyên san văn hoá - giáo dục đầu tiên ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 6.

7. Dương Thu Hằng – Đinh Thị Hồng Nhung (2011), Xuân và Tết trong thơ Tú Xương, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 1.

8. Dương Thu Hằng (2011), Bàn thêm về vai trò truyền bá chữ quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, ĐH Thái Nguyên, số 5.

9. Dương Thu Hằng (2011), Học - một giải pháp của hiện đại và văn minh, nhìn từ Khuyến học của Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản) và Văn minh tân học sách của các nhà nho duy tân Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu văn học, số 10

Tính cấp thiết

     Mỗi tác phẩm văn học đích thực đều mang trong nó những giá trị văn hóa cụ thể của một dân tộc, một vùng miền, một đất nước. Giá trị đó cho thấy tác phẩm văn học không chỉ toát lên vẻ đẹp ngôn từ mà còn cả vẻ đẹp tâm hồn qua cách ứng xử và cách tiếp nhận, xử lý cuộc sống của một dân tộc hay một cộng đồng người nhất định. Nói cách khác, giá trị văn hóa trong tác phẩm văn chương cho phép hiểu rộng hơn giá trị của tác phẩm qua hệ thống hình tượng, hình ảnh; tạo ra những suy tư liên hệ so sánh với các loại hình nghệ thuật khác cũng như với các nền văn hóa khác... Vì vậy, nghiên cứu giá trị văn hóa truyền thống trong các tác phẩm văn học thời trung đại là việc làm cần thiết trong giai đoạn giao lưu, hội nhập sôi động hiện nay.

    Cuộc giao lưu bắt buộc, tất yếu với thực dân Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX đã đánh dấu một giai đoạn lịch sử “khổ nhục nhưng vĩ đại”, “đau thương mà hùng tráng” của dân tộc ta. Văn học giai đoạn này, với tính chất “bản lề”/giao thời của nó cũng có một vị trí hết sức đặc biệt trong tiến trình văn học sử Việt Nam. Một số đặc điểm mang tính phi truyền thống như ngôn ngữ sáng tác, tính thời sự, tính hiện thực, tính duy lý, cái tôi trữ tình… đã tạo tiền đề cho văn học Việt Nam dịch chuyển từ quỹ đạo văn hóa văn chương phương Đông sang quỹ đạo văn hóa văn chương phương Tây, dọn đường cho thời kỳ hiện đại của nền văn học Việt Nam. Trên cơ sở học cũ để biết mới, những thành công và hạn chế của văn học giai đoạn này có ý nghĩa không nhỏ trong hành trình hội nhập hiện nay của văn hóa, văn học dân tộc.

     Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương là ba tác giả tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX. Tác phẩm của họ, ngoài những giá trị về nội dung và nghệ thuật văn học thường được nhắc đến, còn là nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa của một thời nhiều biến động, đổi thay. Những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của lục tỉnh Nam Kỳ trong văn chương Đồ Chiểu, đồng bằng Bắc bộ trong sáng tác của Tam Nguyên và phố thị thành Nam trong thi phẩm của Mộng Tích được thể hiện như thế nào là những vấn đề mà đề tài sẽ đi sâu nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu này sẽ hữu ích trong việc giảng dạy và học tập văn học trung đại Việt Nam nói chung, văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX nói riêng.

     - Đề tài được thực hiện sẽ là một tài liệu tham khảo tốt, hữu ích và cần thiết cho sinh viên ngành Ngữ văn các hệ đào tạo.

Mục tiêu

- Chỉ ra sự độc đáo của vẻ đẹp văn hóa truyền thống trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương.

- Cung cấp thêm tri thức, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tác phẩm văn học của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương trong nhà trường các cấp. 

- Khẳng định những đóng góp của ba nhà văn này đối với văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX nói riêng và nền văn hóa, văn học nước nhà nói chung.

Nội dung

Ngoài phần mở đầu, kết luận, thư mục tham khảo, đề tài gồm 3 chương chính:

Chương 1: Những vấn đề lí luận và thực tiễn liên quan đến đề tài

Ở chương này, chúng tôi sẽ đề cập tới các vấn đề như một số khái niệm về văn hoá, văn hoá truyền thống, vùng văn hoá, thời đại, tác giả, tác phẩm văn học liên quan đến đề tài. Từ đó, thuyết giải về giá trị văn hóa truyền thống và vị trí, ý nghĩa của nó trong tác phẩm văn học, đặc biệt là các tác phẩm văn học trung đại.

Chương 2: Những giá trị văn hoá truyền thống cơ bản trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương

Trong chương này, chúng tôi tập trung nghiên cứu, phân tích để chỉ ra những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của lục tỉnh Nam Kỳ trong văn chương Đồ Chiểu, đồng bằng Bắc bộ trong sáng tác của Tam Nguyên và phố thị thành Nam trong thi phẩm của Mộng Tích.

Chương 3: Vai trò của giá trị văn hoá truyền thống trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương

Tại chương 3 chúng tôi sẽ chỉ rõ diện mạo, vị trí và đóng góp của những giá trị văn hóa đặc trưng này đối với mỗi tác phẩm cụ thể, với sự nghiệp sáng tác của mỗi tác giả cũng như đối với nền văn học Việt Nam giai đoạn giao thời và tiến trình lịch sử văn học dân tộc. 

Tải file Nghiên cứu giá trị văn hóa truyền thống trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương tại đây

PP nghiên cứu

Đề tài sử sụng kết hợp phương pháp nghiên cứu liên ngành, đặc biệt là văn hoá học; phương pháp khảo sát, thống kê, phân tích, so sánh …

Hiệu quả KTXH

  1. HIỆU QUẢ (giáo dục và đào tạo, kinh tế - xã hội)

-          Khoa học công nghệ: Đề tài hoàn thành sẽ góp một góc nhìn mới về các tác giả đã trở nên quen thuộc của một giai đoạn văn học đặc biệt. 

-          Thông tin: Cung cấp những thông tin về giá trị văn hoá truyền thống trong sáng tác của các tác giả Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương.

-          Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực: Hướng dẫn 01 học viên làm luận văn thạc sĩ và  02 sinh viên làm đề tài NCKH chuyên ngành Ngữ văn theo hướng của đề tài.

-          Nâng cao năng lực nghiên cứu của những người tham gia, đặc biệt với chủ nhiệm đề tài.

-          Bổ sung 01 tài liệu tham khảo phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập của học viên, sinh viên chuyên ngành Ngữ văn.

ĐV sử dụng

Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm - ĐHTN

STT Tên đơn vị Người đại diện
1 khoa Ngữ Văn - Trường Đại học Sư phạm - ĐHTN PGS.TS. Đào Thuỷ Nguyên
2 Viện Văn học - Viện Hàn lâm khoa học VN PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp
STT Tên người tham gia
1 Hoàng Điệp
2 Ths. Ngô Thị Thu Trang
3 Ths. Nguyễn Thị Hạnh Phương
4 Ths. Hoàng Mai Quyên

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*