Thông tin chung
Tên đề tài (*) | Nghiên cứu sự phát triển ngữ nghĩa của một số từ ngữ chỉ cảm giác trong tiếng Việt theo giả thuyết nghiệm thân |
Cơ quan chủ trì | Đại học Thái Nguyên |
Cơ quan thực hiện | Đại học sư phạm |
Loại đề tài | Đề tài cấp đại học |
Lĩnh vực nghiên cứu | Văn học |
Chủ nhiệm(*) | Hoàng Điệp |
Ngày bắt đầu | 01/2015 |
Ngày kết thúc | 12/2016 |
Tổng quan
Tính cấp thiết
3.1. Từ lâu, những vấn đề liên quan đến ngữ nghĩa đã hấp dẫn các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học. Các nhà ngữ nghĩa học đã tiến hành xác định bản chất nghĩa của từ ngữ, các kiểu nghĩa, các kiểu chuyển nghĩa cũng như nguyên nhân của sự biến đổi nghĩa của từ ngữ. Cũng đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu ngữ nghĩa một cách có hệ thống. Dù thế, “cho đến nay ngữ nghĩa học vẫn là một trong những lĩnh vực khó nhất của ngôn ngữ học và đi vào ngữ nghĩa học chúng ta như đi vào một đại dương mênh mông của những ý kiến khác nhau” (Nguyễn Thiện Giáp). Nhưng lại cũng chính vì thế mà ngữ nghĩa học đang còn là một địa hạt hứa hẹn nhiều thành tựu nghiên cứu ở phía trước.
3.2. Ngôn ngữ học tri nhận (Cognitive Linguistics) là một "trường phái mới của ngôn ngữ học hiện đại, tiến hành nghiên cứu ngôn ngữ trên cơ sở vốn kinh nghiệm và sự cảm thụ của con người về thế giới khách quan cũng như cái cách thức mà con người tri giác và ý niệm hóa các sự vật và sự tình của thế giới khách quan đó" (Lý Toàn Thắng, Ngôn ngữ học tri nhận, từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt; tr.16). Có thể nói, ngôn ngữ học tri nhận là hướng nghiên cứu mới của khoa học ngôn ngữ, đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học thế giới, trở thành "nét đặc trưng của ngôn ngữ học thế giới ở giai đoạn hiện nay".
Trong ngôn ngữ học tri nhận, nghiệm thân (embodiment) là một khái niệm vô cùng quan trọng. Nếu ngôn ngữ học truyền thống cho rằng ngôn ngữ mở ra cánh cửa cho ta đến với thế giới khách quan quanh ta, thì theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận, ngôn ngữ là cửa sổ để đi vào thế giới tinh thần, trí tuệ của con người, là phương tiện để khám phá những bí mật của các quá trình tư duy. Và tư duy cũng như ngôn ngữ, đều mang tính nghiệm thân, nghĩa là "những cấu trúc dùng để kết nối hệ thống ý niệm của chúng ta đều nảy sinh từ những trải nghiệm thân thể và được hiểu theo những cách trải nghiệm thân thể; ngoài ra, hạt nhân hệ thống ý niệm của chúng ta bắt rễ trực tiếp từ tri giác chuyển động thân thể, cùng sự trải nghiệm về những đặc trưng vật lí và xã hội" (Lakoff 1987: xiv). Nhấn mạnh vào tính nghiệm thân như là nền tảng cho tư duy, một số tác giả như Lakoff và Johnson dùng thuật ngữ "triết học trong thân xác" hay "triết học của sự trải nghiệm" (philosophy in the flesh), khẳng định vai trò của những trải nghiệm nghiệm thân như là "nền tảng cho tất cả những gì chúng ta có thể biểu đạt, suy nghĩ, thấu hiểu và giao tiếp" (Lakoff and Johnson 1999: xi).
Hiểu theo cách rộng nhất, giả thuyết nghiệm thân quan niệm: sự trải nghiệm về thân thể, về nhận thức và về xã hội của con người là cơ sở cho hệ thống ý niệm và hệ thống ngôn ngữ của chúng ta. (Tim Rohrer 2007: 27). Như vậy, theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận, những trải nghiệm mang tính nghiệm thân là cơ sở cho sự phát triển ngữ nghĩa trong ngôn ngữ.
Vì vậy, áp dụng lí thuyết này để nghiên cứu tiếng Việt, đặc biệt là nghiên cứu về ngữ nghĩa tiếng Việt, theo chúng tôi, là việc làm cần thiết và hữu ích.
3.3. Thực tiễn sự phát triển ngữ nghĩa của từ ngữ tiếng Việt có vô số những trường hợp cần phải được nhận thức và lí giải để tìm ra cái cơ chế mang tính quy luật về bản chất chuyển nghĩa của chúng. Trong đó, sự phát triển ngữ nghĩa của những từ ngữ chỉ sự trải nghiệm giác quan (vị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác, thị giác) khiến chúng tôi thực sự quan tâm. Nhóm từ ngữ chỉ cảm giác này đều có nghĩa ẩn dụ từ vựng để biểu thị những ý niệm khác, tức các thuộc tính có được do trải nghiệm giác quan đều được xem là miền nguồn để biểu đạt những thuộc tính thuộc các miền đích khác. Xem xét những cách nói:
- Vị giác: Món ăn này NGON -> Điểm vậy là NGON; Xe này còn NGON...
- Xúc giác: Đệm này rất ÊM -> Giọng nói ÊM RU; Vấn đề ấy có vẻ ÊM rồi...
- Khứu giác: Mùi hoa này HẮC -> Cô ấy HẮC lắm...
- Thính giác: Lớp học này lúc nào cũng ỒN ÀO -> Anh ta giải quyết công việc một cách khá ỒN ÀO...;
- Thị giác: Chiếc hộp bị MÉO -> Sự thật đã bị bóp MÉO; Suy nghĩ của nó rất MÉO MÓ...
…
Theo giả thuyết nghiệm thân, chính sự trải nghiệm của con người là cơ sở cho những ẩn dụ như vậy. Chẳng hạn, ở ví dụ trên, qua TRẢI NGHIỆM VỊ GIÁC, chúng ta thấy có sự tương đồng giữa cảm giác hài lòng, thỏa mãn khi ăn một món ăn hợp khẩu vị (Món ăn này NGON) với cảm giác hài lòng khi đạt được một điểm số tốt (Điểm vậy là NGON) hoặc có được một chiếc xe tốt (Xe này còn NGON)...
Vậy, sự phát triển ngữ nghĩa của nhóm từ ngữ chỉ cảm giác được hình thành và phát triển theo những con đường nào và tại sao như vậy?…Chúng tôi cho rằng, việc thực hiện đề tài này sẽ tìm ra được câu trả lời cho điều đó.
Trên đây là một số lý do chủ yếu cho thấy tính cấp thiết của đề tài “Nghiên cứu sự phát triển ngữ nghĩa của một số từ ngữ chỉ cảm giác trong tiếng Việt theo giả thuyết nghiệm thân” mà chúng tôi đề xuất.
Mục tiêu
- Xác định cơ sở nghiệm thân cho sự phát triển ngữ nghĩa của một số từ ngữ chỉ cảm giác trong tiếng Việt. Từ đó, góp phần khẳng định bản chất của con đường chuyển nghĩa trong ngôn ngữ bắt nguồn từ những trải nghiệm nghiệm thân của con người.
- Qua trải nghiệm cảm giác của 5 giác quan của con người, bước đầu đề cập đến những nét đặc trưng trong cách nhìn, cách nghĩ, cách tư duy của người Việt về cuộc sống.
- Cung cấp thêm tri thức về ngữ nghĩa học nói chung, cơ chế hình thành nghĩa của nhóm từ ngữ chỉ cảm giác trong tiếng Việt nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngôn ngữ trong nhà trường các cấp.
Nội dung
- Khảo cứu những vấn đề lí luận có liên quan đến đề tài: ngôn ngữ học tri nhận và lý thuyết nghiệm thân của ngôn ngữ học tri nhận.
- Thống kê, miêu tả sự phát triền ngữ nghĩa của một số từ ngữ chỉ cảm giác trong tiếng Việt (dựa trên 5 giác quan của con người).
- Nghiên cứu, phân tích, lí giải cơ sở nghiệm thân của các ý niệm hình thành con đường chuyển nghĩa của các từ ngữ chỉ cảm giác trong tiếng Việt.
- Chỉ ra những nét đặc trưng văn hóa, tư duy của người Việt thông qua con đường trải nghiệm cảm giác.
PP nghiên cứu
Hiệu quả KTXH
- Giáo dục, đào tạo: Hướng dẫn thành công 02 luận văn và 02 đề tài NCKH của sinh viên theo hướng nghiên cứu của đề tài. Nâng cao năng lực nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài và những người tham gia.
- Kinh tế, xã hội: Góp phần nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy những nét đẹp của ngôn ngữ dân tộc Việt; ngôn ngữ văn hóa Việt cho thế hệ trẻ trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
ĐV sử dụng
BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)