Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam từ 1975 đến nay
Cơ quan chủ trì Đại học sư phạm
Cơ quan thực hiện Đại học sư phạm
Loại đề tài Đề tài cấp đại học
Lĩnh vực nghiên cứu Văn học
Chủ nhiệm(*) Cao Thị Thu Hoài
Ngày bắt đầu 04/2012
Ngày kết thúc 04/2014

Tổng quan

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU THUỘC LĨNH VỰC CỦA ĐỀ TÀI Ở TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC 

Trong nước

Việc nghiên cứu văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam trước và sau cách mạng tháng Tám cho đến nay đã xuất hiện một số công trình, bài viết, chủ yếu về một số tác giả, tác phẩm văn học miền núi như: Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (Lâm Tiến - Văn hóa dân tộc, 1995), Văn học và miền núi (Lâm Tiến - Văn hóa dân tộc, 2002), Nhà văn  dân tộc thiểu số Việt Nam - đời và văn (Nhiều tác giả - Văn hóa dân tộc, 2004), văn xuôi dân tộc và miền núi (Nhiều tác giả - Văn hóa dân tộc, 2002)… ; trong đó có khá nhiều ý kiến đánh giá xoay quanh vấn đề: sự phát triển của văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, cũng như các tác giả, tác phẩm tiêu biểu. Cụ thể như sau:

* Trong cuốn Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, nhà nghiên cứu Lâm Tiến nhận xét: “Việc đánh giá văn xuôi các dân tộc thiểu số không thể nhìn từ góc độ hình thành và phát triển tự thân của dân tộc ấy, mà phải được xem xét từ nhiều mặt, từ sự ảnh hưởng qua lại của các nền văn học và quá trình trưởng thành của từng nhà văn …”(tr 95). Tác giả đã khảo sát, phân tích khá tỉ mỉ đối tượng, phương pháp nghiên cứu văn học các dân tộc thiểu số, những vấn đề liên quan đến văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại và phác thảo diện mạo nền văn học hiện đại của họ. Ở phần II, khi bàn về vấn đề truyền thống và hiện đại, tác giả đã phân tích những ảnh hưởng theo chiều hướng tiếp thu tinh hoa văn học dân gian của các sáng tác văn học thiểu số hiện đại. Tác giả cũng đã chỉ ra một vài biểu hiện khác nhau khi sử dụng chất liệu truyền thống ấy ở những nhà văn người dân tộc thiểu số khác nhau. Đặc biệt, trong phần khảo cứu kho tàng văn học hiện đại của các nhà văn dân tộc, Lâm Tiến đã ít nhiều chỉ ra dấu tích của văn học dân gian trong sáng tác của các nhà văn người dân tộc thiểu số. Tác giả không chỉ khẳng định có sự tiếp thu tinh hoa dân tộc từ nguồn văn hóa, văn học dân gian mà còn đề cao vai trò của chất liệu dân gian trong các sáng tác văn học hiện đại. [14].

Cũng trong cuốn sách này, Lâm Tiến còn nhận định về tính truyền thống có trong sáng tác của một số nhà văn, nhà thơ dân tộc thiểu số: “Truyền thống văn hóa dân gian hàng ngàn năm và những điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội ở miền núi ảnh hưởng không nhỏ tới văn học các dân tộc thiểu số. Những dấu ấn đó thể hiện rất rõ trong tác phẩm của Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Vi Hồng…” [tr.196]. Đồng thời, ông cũng đưa ra lý do giải thích vì sao, văn xuôi các dân tộc thiểu số chưa thực sự phát triển trong giai đoạn đầu, do “rất ít các nhà văn dân tộc thiểu số phát biểu về quan điểm sáng tác của mình, cũng như chưa có được những bài phê bình và tiểu luận về văn học” (tr 224). Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định văn xuôi các dân tộc thiểu số đã tạo cho mình những sắc thái riêng khá đặc sắc.

* Trong Mấy suy nghĩ về nền văn học các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc, tác giả Khái Vinh khẳng định “truyện ngắn ở Việt Bắc - qua hơn mười năm nay - đó là sự thành công, khẳng định bước phát triển mới khá tốt đẹp của nền văn xuôi các dân tộc”, “nền văn học đó đang có đầy đủ những điều kiện và những tiền đề chưa bao giờ có trong lịch sử của nó để có những bước tiến vượt bậc, để ngày càng hoàn chỉnh các thể loại cần phải có của một nền văn học” [10, tr 119, 120].

* Còn nhà thơ Nông Quốc Chấn thì đưa ra ý kiến: “Các dân tộc thiểu số cần xây dựng ngành văn xuôi bằng tiếng mẹ đẻ nữa. Có văn xuôi, các dân tộc thiểu số sẽ có thêm vũ khí mới mang nhiều khả năng và tác dụng để chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa một cách sắc bén hơn…; viết văn xuôi bằng nhiều thể: từ những bản tin, bài nghị luận đến các bài ghi chép, hồi ký, bút ký, truyện ngắn…” [2, tr 356, 357]

* Trong Nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam - đời và văn, các tác giả đã khái quát lại những gương mặt văn xuôi của các dân tộc thiểu số Việt Nam như Nông Minh Châu - người mở đầu nền văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Sa Phong Ba - người mở đầu cho văn xuôi Thái, Nông Viết Toại - nhà văn của dân tộc Tày - Nùng hay Y Điêng - người cán bộ cách mạng viết văn…[12].

* Cuốn Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam là một nghiên cứu chuyên sâu về văn học các dân tộc thiểu số ở mảng văn học truyền thống. Qua tìm hiểu đặc điểm xã hội – văn hóa, quá trình lịch sử của ngành nghiên cứu văn hóa các dân tộc ít người, tác giả Võ Quang Nhơn đã bước đầu rút ra những kết luận khoa học có cơ sở trong đó có kết luận về sự hình thành và phát triển văn học các dân tộc thiểu số trên cơ sở cái nền của sáng tác dân gian. Ông cho rằng: “Các tác phẩm từ chỗ là những sản phẩm tập thể của cả cộng đồng tiến đến được cá thể hóa trong sáng tác của từng cá nhân các nghệ sĩ, trí thức dân tộc, hoạt động hầu như có tính chất chuyên nghiệp (…) [7, tr.454].

    * Trong cuốn Văn học Thái Nguyên, Vũ Anh Tuấn khi giới thiệu khái quát cũng đã điểm qua một số tác phẩm của các tác giả sống và làm việc ở Thái Nguyên. Ông đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa sáng tác của các nhà văn, nhà thơ dân tộc thiểu số với văn học truyền thống. Chẳng hạn, khi giới thiệu về những đặc điểm cơ bản của văn xuôi Thái Nguyên nói chung trong đó có Vi Hồng, Vũ Anh Tuấn đã nhận xét: “Bắt đầu từ nhà văn Vi Hồng, cuộc sống tâm hồn con người miền núi đã được miêu tả một cách phong phú, sâu sắc, đa dạng. Với sự vận dụng tối đa vốn văn hóa dân gian, Vi Hồng đã sáng tạo và khởi xướng một cách viết mới về miền núi, mà có nhà văn đã nhận định đó là cách viết Hiện đại hóa dân gian. Sau này, không ít nhà văn người dân tộc ở Thái Nguyên và Việt Bắc ảnh hưởng Vi Hồng một cách sâu sắc và có hiệu quả.” [8, tr.18,19]

Cũng trong công trình nói trên, nhà lý luận phê bình Lâm Tiến đã có một bài nghiên cứu riêng về tiểu thuyết Thái Nguyên trong thời kỳ đổi mới (1986 - 2007) trong đó ông đặc biệt chú ý đến những tác phẩm của các nhà văn dân tộc thiểu số. Lâm Tiến đã chỉ ra dấu ấn của văn hóa, văn học dân gian trong sáng tác của họ. Theo ông, Vi Hồng chịu ảnh hưởng của văn học truyền thống ở kiểu tư duy trực tiếp cảm tính, lối ví von, so sánh, ước lệ và cách xây dựng nhân vật theo hai tuyến rõ rệt; còn Ma Trường Nguyên có lối viết giản dị, hồn nhiên và đầy chất trữ tình, Hà Đức Toàn lại nổi bật ở cách viết hình ảnh cụ thể, sinh động [tr. 13 ]…

* Ngoài các chuyên luận, các bài viết trên còn có một số đề tài, luận văn Cử nhân và Thạc sĩ nghiên cứu về những vấn đề ít nhiều có liên quan đến sự kế thừa và tiếp thu truyền thống trong văn học các dân tộc thiểu số, chẳng hạn, đề tài dự thi sinh viên NCKH toàn quốc đạt giải nhất của Nông Thị Quỳnh Trâm: Tính dân tộc trong tiểu thuyết Tháng năm biết nói của Vi Hồng [17]; Đề tài dự thi sinh viên NCKH  toàn quốc đạt giải khuyến khích của Ngô Thu Thủy: Giọng điệu trần thuật trong tác phẩm Đọa đầyLòng dạ đàn bà của nhà văn Vi Hồng [16]; Đề tài dự thi sinh viên NCKH  toàn quốc đạt giải ba của Phạm Thị Tú: Chất thơ trong tiểu thuyết của Vi Hồng [19]; ...

 Các công trình khoa học trên ít nhiều đều quan tâm đến mối quan hệ tự nhiên và tất yếu giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong sáng tác của các tác giả dân tộc.

  • Gần đây trong Hội thảo về nhà về nhà văn Vi Hồng do khoa Ngữ văn trường ĐHSP – Thái Nguyên kết hợp với Hội văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức (năm 2006), có một số bài nghiên cứu bàn về tính truyền thống và sáng tạo trong sáng tác của nhà văn này. Trước hết, phải kể đến bài: Bản sắc văn hoá Tày trong truyện ngắn Vi Hồng của hai tác giả Trần Thị Việt Trung và Nguyễn Thị Thanh Thuỷ. Các tác giả bài viết đã khảo sát trên các phương diện nội dung và nghệ thuật tác phẩm Vi Hồng và đi đến nhận định: Bản sắc văn hoá Tày thể hiện khá đậm nét ở đề tài, nội dung phản ánh, hình tượng nhân vật và một số đặc điểm nghệ thuật khác trong truyện ngắn của Vi Hồng. Các tác giả đã phát hiện ra chất trữ tình sâu lắng trong nội dung tác phẩm, vẻ đẹp khoẻ khoắn mộc mạc trong hình tượng nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, hình ảnh so sánh giàu chất dân gian miền núi trong tác phẩm Vi Hồng và khẳng định ông là một trong những nhà văn người dân tộc thiểu số tiêu biểu của văn học hiện đại Việt Nam [18].
  • Tìm hiểu cách vận dụng ngôn ngữ dân gian trong truyện ngắn Vi Hồng, tác giả Hà thị Liễu đã đưa ra nhận xét: Vi Hồng ưa thích và sử dụng với một mật độ khá dày các thành ngữ - tục ngữ dân gian trong sáng tác của mình và đã đem lại hiệu quả biểu đạt tích cực. Tác giả nhấn mạnh rằng sự tiếp thu, kế thừa các yếu tố văn hoá, văn học dân gian là một trong những con đường để tác phẩm của Vi Hồng đi vào công chúng miền núi một cách hiệu quả hơn. [18] .

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, tất cả những công trình nghiên cứu, những bài viết, ý kiến trên mới chỉ bước đầu phác thảo được diện mạo của văn xuôi các dân tộc thiểu số (qua một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu) mà chưa chỉ ra được tiến trình hình thành cũng như các giai đoạn phát triển của văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi Phía Bắc Việt Nam.

Ngoài ra, những công trình trên chưa đi sâu tìm hiểu các tác phẩm ở phương diện nội dung thi pháp, cũng như chưa đặt các sáng tác đó vào một hệ thống chỉnh thể trong mối quan hệ với văn học Việt Nam hiện đại. Thêm vào đó, những yếu tố làm nên nét riêng, nét độc đáo, dễ khu biệt về mặt phong cách nghệ thuật của các nhà văn dân tộc thiểu số cũng chưa được các tác giả khai thác.

             Những khoảng trống trên chính là những gợi ý hết sức quý báu giúp chúng tôi định hướng, triển khai nghiên cứu đề tài Văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam từ 1975 đến nay. Chúng tôi hi vọng rằng, đề tài sẽ là một công trình mang tính khái quát về toàn bộ nền văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam và sẽ góp một tiếng nói quan trọng vào việc khẳng định những giá trị và thành tựu của văn xuôi nói riêng và toàn bộ nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại nói chung.

 Danh mục các công trình liên quan (Họ và tên tác giả; Nhan đề bài báo, ấn phẩm; Các yếu tố về xuất bản)

   a) Của chủ nhiệm và những người tham gia thực hiện đề tài :

       1. Cao Thị Thu Hoài, Yếu tố kì ảo trong sáng tác Võ Thị Hảo (Qua tiểu thuyết Giàn Thiêu và tập truyện ngắn Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm), luận văn thạc sĩ Ngữ văn, ĐHSP Thái Nguyên, 2009.

      2. Cao Thị Thu Hoài, (2009), Một số môtip nghệ thuật trong sáng tác của Võ Thị Hảo (Qua tiểu thuyết “Giàn thiêu” và tập truyện ngắn “Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm” ), Tạp chí Khoa học - Trường ĐH Vinh, tập 38, số 4B, trang 48 – 52.

    3. Cao Thị Thu Hoài (2011), Nửa thế kỉ phát triển văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam (từ 1960 đến nay), Tạp chí Khoa Học và Công nghệ, Đại học Thái Nguyên, số tháng 4, 2011.

   4. Nguyễn Kiến Thọ, Một số đặc điểm thơ ca dân tộc Mông thời kì hiện đại, luận văn thạc sĩ Ngữ Văn, ĐHSP Thái Nguyên, 2008.

   5. Hà Anh Tuấn, Văn hóa tâm linh của người Tày qua lời hát Then, Luận văn thạc sỹ, 2008.

   6. Dương Nguyệt Vân, Chủ đề hôn nhân trong một số truyện cổ tích thần kì tiêu biểu và việc dạy học văn trong nhà trường, tạp chí Giáo dục, số 189, 2008.

v.v…

b)   Của những người khác

      1. Nông Quốc Chấn (2000), Hành trang sang thế kỷ XXI, Nxb Vhdt, H.

      2. Nông Quốc Chấn, Một ngôi nhà sàn Hà Nội, Hội nhà văn, 1999)

      3. Phạm Mạnh Hùng (2006), Tìm hiểu sự nghiệp sáng tác của nhà văn Vi Hồng, Đề      tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

4. Hà thị Liễu (2006), Tìm hiểu cách vận dụng ngôn ngữ dân gian trong truyện ngắn Vi Hồng in trong Kỷ yếu Hội thảo về nhà văn Vi Hồng, Thái Nguyên.

     5 . Phong Lê (1988), Nhà văn các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nxb Vhdt, H.

      6. Phan Đăng Nhật (1981), Văn học các dân tộc thiểu sốViệt Nam (trước Cách mạng tháng Tám), Nxb Văn hóa, Hà Nội.

7. Võ Quang Nhơn (1983), Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, Nxb ĐH và THCN, Hà Nội.

8. Nhiều tác giả, Văn học Thái Nguyên, Hội văn học nghệ thuật Thái Nguyên.

     9. Nhiều tác giả (1974), Bước đầu tìm hiểu vốn văn nghệ Việt Bắc, Sở Văn hóa thông tin VB.

     10. Nhiều tác giả (1976), Mấy suy nghĩ về nền văn học các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc, Nxb VB.

    11. Nhiều tác giả (1997), Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Vhdt

    12. Nhiều tác giả (2004), Nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam - đời và văn, Nxb Vhdt

    13. Nhiều tác giả (2002), Văn xuôi dân tộc và miền núi, Nxb Vhdt.

    14. Lâm Tiến (1995), Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nxb văn hóa dân tộc, Hà Nội.

   15. Lâm Tiến (2002), Văn học và miền núi, Nxb Vhdt.

    16. Ngô Thu Thủy (2004), Giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết Đọa đầy và Lòng dạ đàn bà của nhà văn Vi Hồng. Người hướng dẫn: Th.S Bùi Huy Quảng, giải khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc.

     17 . Nông Thị Quỳnh Trâm (2003), Tính dân tộc trong tiểu thuyết Tháng năm biết nói của Vi Hồng . Người hướng dẫn: PGS. TS. Phạm Mạnh Hùng (đề tài giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc).

     18. Trần Thị Việt Trung, Nguyễn Thanh Thủy (2006), Bản sắc văn hóa Tày trong truyện ngắn Vi Hồng, in trong kỉ yếu hội thảo về nhà văn Vi Hồng, Thái Nguyên.

    19. Phạm Thị Tú (2008), Chất thơ trong một số tiểu thuyết của Vi Hồng, Người hướng dẫn TS. Đào Thủy Nguyên, công trình dự thi sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc.

Tính cấp thiết

TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI

*  Văn học các dân tộc thiểu số là một bộ phận cấu thành của nền văn học Việt Nam. Bên cạnh đội ngũ các nhà văn, nhà thơ người Kinh còn có đội ngũ các tác giả người dân tộc thiểu số ngày càng đông đảo và trưởng thành, góp phần làm nên diện mạo văn học hiện đại nước nhà. Vì vậy, việc nghiên cứu thơ văn các dân tộc thiểu số là hết sức quan trọng và cần thiết, đặc biệt là nghiên cứu các tác phẩm do chính các tác giả người dân tộc thiểu số sáng tác.

*  Bản thân văn học (trong đó có văn xuôi) các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam có những giá trị và bản sắc riêng. Các tác phẩm văn xuôi không chỉ phản ánh hiện thực cuộc sống và con người miền núi mà còn là một bộ phận văn hoá tinh thần của các dân tộc. Bên cạnh đó, rất nhiều nhà văn người dân tộc thiểu số có tên tuổi đã trở nên quen thuộc với văn học cả nước như Nông Minh Châu, Vi Hồng, Nông Viết Toại, Vi Thị Kim Bình, Cao Duy Sơn … Họ là những cây bút tiêu biểu, có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của văn học dân tộc thiểu số nói riêng và nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung.

*  Nghiên cứu đề tài Văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam từ 1975 đến nay sẽ là một tài liệu bổ ích cho việc giảng dạy văn học miền núi trong các trường phổ thông và chuyên nghiệp.

* Đề tài sẽ góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu quá trình phát triển và những thành tựu mà văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam đã đạt được trong gần bốn mươi năm qua, từ đó nhận diện, phân tích, so sánh khái quát để thấy được vai trò của văn xuôi các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam vào sự phát triển chung của văn học cả nước

* Hiện chưa có một công trình mang tính khái quát nào nghiên cứu về quá trình phát triển và những thành tựu nổi bật của văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.

            * Đề tài sẽ là một công trình nghiên cứu có nhiều ý nghĩa trong việc xây dựng đội ngũ sáng tác là con em các dân tộc thiểu số miền núi, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.

Mục tiêu

MỤC TIÊU ĐỀ TÀI

Qua việc nghiên cứu đề tài Văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam từ 1975 đến nay, đề tài khẳng định những thành tựu nổi bật và xác định những giá trị quý báu cũng như những hạn chế của văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc Việt Nam trong nửa thế kỷ phát triển.

Nội dung

Nội dung nghiên cứu

Đề tài sẽ được triển khai theo 3 chương

    Chương 1:Khái quát về sự hình thành và phát triển của văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam từ 1975 đến nay 

1.1. Vài nét về những chặng đường phát triển 

Giai đoạn hình thành

- Văn học các dân tộc thiểu số chỉ được hình thành và phát triển từ sau cách mạng tháng Tám 1945. Cùng với chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự dìu dắt của các tác giả văn xuôi người Kinh, văn xuôi các dân tộc thiểu số thực sự được ra đời một vài năm sau ngày Hòa bình lập lại (1954). Người đi tiên phong trong giai đoạn đầu là Nông Minh Châu với truyện ngắn Ché Mèn được đi họp (1958).

- Tiếp đó, vào khoảng thập niên 60, các tác phẩm văn xuôi được xuất hiện khá nhiều và bước đầu tạo được dấu ấn riêng. Mặc dù những sáng tác ở giai đoạn này còn có nhiều hạn chế về nghệ thuật nhưng khi những tác phẩm ra đời, con người và cuộc sống miền núi đã được phản ánh một cách chân thật và sinh động bằng chính những cây bút văn xuôi các dân tộc.

1.1.2. Sự phát triển về tầm vóc và chất lượng văn xuôi dân tộc miền núi phía Bắc  những năm 70, 80  thế kỷ XX 

- Phát triển mạnh về tầm vóc, số lượng.

Văn xuôi các dân tộc thiểu số thực sự phát triển mạnh vào cuối những năm 70 và 80. Sau giai đoạn chống Mỹ cứu nước, toàn dân ta lại tiếp tục bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải tạo đất nước. Hoà mình vào không khí chung ấy của dân tộc, các tác giả dân tộc thiểu số đã không ngừng cố gắng nhằm đạt đến sự hoàn thiện trong sáng tác. Các tác phẩm được in ra với số lượng khá lớn.

    Chỉ sau đó một thời gian ngắn, liên tiếp xuất hiện các tiểu thuyết như Đất Bằng (1980), Núi cỏ yêu thương (1984), Thung lũng đá rơi (1985) … Như vậy, trong giai đoạn phát triển về tầm vóc này, hệ thống thể loại của văn xuôi miền núi phía Bắc đã thực sự được hoàn thiện. Thêm vào đó, số lượng các tác phẩm ngày một phong phú và đa dạng hơn.

- Một bước phát triển về chất lượng nghệ thuật

Văn xuôi các dân tộc thiểu số thời kỳ chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như những khúc sử thi ca ngợi con người, cuộc sống nhân dân các dân tộc miền núi. Một số tác giả còn đi sâu khai thác đời sống nội tâm nhân vật. So với giai đoạn trước đó, văn xuôi thời kỳ này đã dần đạt đến độ “chín” về chất lượng nghệ thuật.

1.1.3. Chặng đường đổi mới với những thành tựu nổi bật của văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết 

            Văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc được phát triển và khẳng định vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 - thời kì chuyển từ cơ chế  quản lý quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường. Cơ cấu kinh tế của miền núi cũng có những chuyển biến mạnh mẽ. Các nhà văn dân tộc đã có cái nhìn mới mẻ và đúng đắn hơn về thực tế xã hội của đất nước.

Trước hết, tiểu thuyết được in ra với số lượng rất lớn: Vi Hồng cho ra đời mười tiểu thuyết trong sáu năm (từ 1990 - 1995), Ma Trường Nguyên - bốn tiểu thuyết, Hoàng Thị Cành - hai, Cao Duy Sơn - hai, Vương Trung - một.

Về ký, có Số phận đàn bà của Hoàng Thị Cành, bút ký Cao nguyên trắng của Mã A Lềnh, Gió Mù Căng của Hà Lâm Kỳ....

            Đề tài, chủ đề được mở rộng và phong phú hơn. Vi Hồng với Người trong ống, Gã ngược đời (1990) đã đề cập đến vai trò của người trí thức dân tộc trong các nhà trường đại học; HoàngThị Cành với Số phận đàn bà (1990) lại phản ánh số phận không may mắn của những người phụ nữ miền núi. Đặc biệt, tiểu thuyết Người lang thang (1992) của Cao Duy Sơn đã đạt đến độ “chín” khi tạo cho nhân vật của mình những cá tính riêng đặc sắc trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu. Có thể nói, những thành tựu mà văn xuôi giai đoạn này đạt được xứng đáng được xếp vào hàng ngũ những thành tựu chung của văn học Việt Nam hiện đại.

1.2. Đội ngũ các nhà văn văn xuôi dân tộc miền núi  (từ 1975 đến nay)

- Các thế hệ cầm bút: Ngày một đông đảo và trưởng thành hơn. Như Nông Viết Toại, Hoàng Hạc, Triều Ân, Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Vi Thị Kim Bình…

- Ban đầu, chỉ có dân tộc Tày có văn xuôi của dân tộc mình. Nhưng hiện nay, rất nhiều dân tộc đã có văn xuôi như Tày, Ê Đê, Giáy, HMông, Mường, Pa Dí, Bana, Khơme, Nùng, Hoa….

- Có thể nói, đội ngũ những người sáng tác văn xuôi các dân tộc thiểu số (từ 1975 đến nay) có tuổi đời ngày một trẻ hơn so với các nhà văn sáng tác từ thời kỳ trước. Những tác giả trẻ này từ nhỏ đã được tắm mình trong nguồn văn học dân gian, lại được tiếp xúc rộng rãi với văn học Kinh và văn học thế giới. Họ rất có ý thức tìm hiểu về cội nguồn, bản sắc dân tộc trong văn học.

- Về hình thức sáng tác, có những tác giả vẫn tiếp tục sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ để gìn giữ vốn ngôn ngữ dân tộc như Nông Viết Toại, có nhà văn thời kỳ đầu sáng tác bằng tiếng dân tộc, thời gian sau sáng tác bằng tiếng Việt như Vi Hồng, cũng có tác giả ngay từ đầu đã dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ sáng tác như Triều Ân, Cao Duy Sơn …

 

1.3. Thành tựu về thể loại 

- Truyện ngắn và tiểu thuyết: đến nay, số lượng các truyện ngắn và tiểu thuyết đã tăng lên rất nhiều. Ngoài sự tăng nhanh về số lượng, chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm cũng được đánh giá cao hơn.

- Về ký và tản văn, thời kỳ đầu cũng bắt đầu nhen nhóm những tác giả với những tác phẩm đầu tiên. Càng về sau này, ký và tản văn xuất hiện càng nhiều và có chất lượng nghệ thuật cao hơn.

1.4. Truyền thống và hiện đại trong quá trình phát triển 

- Đây không phải là vấn đề mới mẻ trong văn học hiện nay mà nó đã được đặt ra từ trước rất lâu. Giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại chính là giải quyết vấn đề tính dân tộc trong văn học trong những bước phát triển mới.

- Bản sắc dân tộc trong văn học cũng có sự kế thừa và tiếp thu những giá trị của văn học Kinh, văn học phương Tây và văn học thế giới

- Tính truyền thống và hiện đại ở mỗi nhà văn được biểu hiện khác nhau: Vi Hồng thường kết hợp chất trữ tình của dân ca Tày với chất bay bổng của thần thoại, cổ tích trong sáng tác của mình; Cao Duy Sơn lại thể hiện rõ tính hiện đại trong truyền thống khi đi vào mảng đề tài hoàn toàn mới lạ với các sáng tác trước đó của văn xuôi các dân tộc thiểu số: vấn đề thân phận con người, cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong xã hội hiện đại.


Chương 2:Con người và cuộc sống người miền núi trong văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam từ 1975 đến nay

2.1. Hiện thực cuộc sống đồng bào dân tộc 

2.1.1. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc trong thực tiễn lớn của đất nước: kháng chiến và xây dựng cuộc sống trong hòa bình 

- Nếu như thơ các dân tộc thiểu số phản ánh cả một thời kỳ kháng chiến chống Pháp thì văn xuôi lại chủ yếu phản ánh cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nguyên nhân chính là do hầu hết các tác phẩm được ra đời trong thời kỳ chống Mỹ và luôn bám sát mục tiêu phục vụ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn này. Những tác phẩm này đã thể hiện rõ tình yêu quê hương, lòng căm thù giặc sâu sắc của đồng bào dân tộc trong kháng chiến.

- Bên cạnh đó, một mảng đề tài khác cũng được các nhà văn tập trung phản ánh - công cuộc xây dựng cuộc sống trong hòa bình của nhân dân các dân tộc thiểu số.

2.1.2. Bức tranh sinh động về sinh hoạt và phong tục của đồng bào các dân tộc thiểu  số miền núi phía Bắc 

 Ngoài mảng đề tài chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội, văn xuôi các dân tộc thiểu số còn ghi lại cuộc sống của đồng bào trong những sinh hoạt đời thường, với những phong tục tập quán, tình cảm quê hương hay tình yêu đôi lứa.

2.2. Con người miền núi 

2.2.1. Con người công dân - hình ảnh con người mới trong văn xuôi 

Đây là những con người sống trong tập thể vì một mục tiêu chung nhất: chiến đấu, sản xuất vì quê hương, đất nước. Họ hòa lợi ích của bản thân trong lợi ích của cả cộng đồng, cả dân tộc. Trong quan hệ với làng bản, với đồng bào, đồng đội, họ là những con người công dân thực sự. Thay vì ngập lặn trong bóng tối, họ kề vai nhau cùng bước ra trước ánh sáng của Đảng, của Bác Hồ.

2.2.2. Con người cá nhân  trong các mối quan hệ tình cảm thế sự và  đời tư

Bên cạnh hình ảnh con người công dân của quê hương, đất nước, rất nhiều nhân vật còn được xây dựng chân dung ở khía cạnh đời tư. Họ cũng có những tình cảm yêu thương, hờn giận, cũng có lúc toan tính hay dao động. Mọi bản chất và tính cách của người dân miền núi đều được các tác giả phản ánh cụ thể qua từng trang viết, trong các mối quan hệ cá nhân - cá nhân, cá nhân - gia đình, làng bản.

Chương 3: Bản sắc riêng trong hình thức và ngôn ngữ tự sự

3.1. Kết cấu, cốt truyện

- Kết cấu nhân vật thường có hai tuyến rõ ràng: tốt và xấu, chính diện và phản diện, không có những sự kiện rắc rối, chồng chéo. Cách cấu tạo đó làm cho người đọc dễ dàng nắm bắt câu chuyện, dễ hình dung ra nhân vật. Kết cấu truyện theo mạch thẳng, đơn giản.

- Nhiều truyện có kết cấu theo mô hình truyện cổ tích, truyện dân gian truyền thống.

- Thời gian trong các truyện dàn trải, ít có thời gian dồn nén để phát triển mở rộng, chủ yếu là thời gian hiện thực cuộc sống. Không gian thường nặng về không gian thực mà nhẹ về không gian hồi tưởng. Các mảng sự kiện luôn gắn với hành trình số phận của nhân vật. Kết thúc tác phẩm thường có hậu.

3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

- Các tác giả người dân tộc thiểu số đã xây dựng chân dung nhân vật của mình ở hai phương diện: ngoại hình và tính cách. Các nhân vật chính thường có ngoại hình đẹp đẽ và nhân cách cao quý, còn nhân vật phản diện thì ngược lại. Các nhân vật cũng có tâm trạng và được đặt trong mối quan hệ xã hội - gia đình, quan hệ địch - ta, bạn bè, quan hệ vợ chồng, anh em.

- Bên cạnh đó, các nhà văn thiểu số phía Bắc còn có sự hiểu biết sâu sắc về dân tộc mình nên khi xây dựng nhân vật, tác giả thường lấy nguyên mẫu ngoài đời làm đối tượng phản ánh. Một số nhà văn cũng chú ý khai thác nhân vật từ nhiều góc độ, bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật, từ độc thoại nội tâm tới miêu tả trần thuật, giữa miêu tả trần thuật với lời nói của nhân vật. Ngoại hình nhân vật thường được tập trung miêu tả nhiều hơn với thủ pháp so sánh, tượng trưng, ước lệ.

3.3. Ngôn ngữ tự sự

3.3.1. Ngôn ngữ giàu tính tạo hình

Trong văn xuôi các dân tộc thiểu số, hình ảnh về thiên nhiên luôn chiếm vị trí quan trọng. Các nhà văn thường dùng thiên nhiên để phản ánh tâm trạng nhân vật hay lấy đó làm điểm nhấn cho tác phẩm. Tác giả coi thiên nhiên như một sinh thể sống, chia sẻ vui buồn và tác động đến con người. Bởi vậy, ngôn ngữ dùng để miêu tả thiên nhiên thường được chú trọng nhiều hơn cả. Đó là thứ ngôn ngữ đẹp, trong sáng, thuần khiết. Với cách cảm thụ thiên nhiên khác nhau cùng ngôn ngữ đầy chất thơ trong cách miêu tả, các tác giả đã đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ và chân thực về bức tranh miền núi trữ tình hùng vĩ.

3.3.2. Các biện pháp nghệ thuật với nhiều nét đặc sắc và riêng biệt

- Lối ví von, so sánh. Điều này phản ánh rõ sự ảnh hưởng của văn học dân gian tới văn xuôi các dân tộc thiểu số. Với việc sử dụng cách nói bóng bẩy, giàu hình ảnh như lối nói của dân ca và lối nói khúc chiết của tục ngữ, thành ngữ đã giúp người đọc phần nào cảm nhận được nét đẹp của con người và cuộc sống miền núi.

- Nhân cách hóa các sự vật, hiện tượng - một lối tư duy mang đặc điểm của người dân tộc.

- Mỹ lệ hóa. Những hình ảnh về thiên nhiên, con người, cuộc sống trong các tác phẩm văn xuôi miền núi được nâng lên với vẻ đẹp lý tưởng hóa. Thông qua hệ thống ngôn ngữ đã được cường điệu và phóng đại, nhiều tác phẩm văn xuôi đã tạo được dấu ấn riêng. Tuy nhiên, nhiều khi các tác giả lại sử dụng cách nói này quá nhiều khiến tác phẩm có phần nặng nề và thiếu sự lôi cuốn.

Tải file Văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam từ 1975 đến nay tại đây

PP nghiên cứu

 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để thực hiện đề tài này chúng tôi sử dụng những phương pháp sau:

Phương pháp thống kê, phân loại.

Phwong pháp nghiên cứu tác giả, tác phẩm văn học.

Phương pháp phân tích , khái quát, tổng hợp.

 Phương pháp so sánh, đối chiếu.

 

 

Hiệu quả KTXH

  1. HIỆU QUẢ (giáo dục và đào tạo, kinh tế - xã hội)

Giảng dạy cho sinh viên các trường Đại học (khu vực miền núi Phía Bắc).

ĐV sử dụng

Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên

STT Tên đơn vị Người đại diện
STT Tên người tham gia

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*