Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) NGHI LỄ TANG MA CỦA NGƯỜI TÀY Ở HUYỆN CHỢ ĐỒN TỈNH BẮC KẠN
Cơ quan chủ trì Đại học Khoa học
Cơ quan thực hiện Đại học Khoa học
Loại đề tài Đề tài cấp đại học
Lĩnh vực nghiên cứu Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học
Chủ nhiệm(*) Lương Thị Hạnh
Ngày bắt đầu 01/2011
Ngày kết thúc 12/2012

Tổng quan

     Tang ma là một việc hệ trọng trong chu kỳ đời người trên cõi trần gian. Mặc dù mỗi quốc gia, mỗi tộc người có các cách thức tổ chức nghi lễ khác nhau, nhưng cách tiếp cận nghiên cứu, cách nhìn nhận, đánh giá về tang ma của các học giả trong nước cũng như ngoài nước nhìn chung khá thống nhất.

            - Cuốn “Sơ lược giới thiệu các nhóm Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” của Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn - Nxb KHXH (1968), các tác giả đã nghiên cứu khá sâu về văn hóa Tày - Nùng, trong đó đã trình bày về tôn giáo, tín ngưỡng, ý niệm về hồn Phj, khoăn và cái chết, về sự tồn tại của thế giới bên kia, những nghi lễ liên quan đến sản xuất, nhưng chưa có chuyên mục về tang ma của dân tộc Tày.  

- Năm 1982, công trình "Các dân tộc Tày - Nùng ở Việt Nam", của các tác giả Bế Viết Đẳng, Khổng Diễn, Phạm Quang Hoan, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Anh Ngọc cũng dành 12 trang (từ tr 213 - 224) để viết về tang ma, song cũng chỉ mang tính chất sơ lược chứ chưa nghiên cứu về một địa phương cụ thể nào.

- Năm 1984, các tác giả Lã Văn Lô, Hà Văn Thư đã xuất bản cuốn "Văn hóa Tày - Nùng", cuốn sách đã giới thiệu khá đầy đủ về xã hội, con người và văn hoá của hai dân tộc Tày, Nùng ở Việt Nam nói chung. Tuy nhiên nhiều đặc trưng văn hoá mang tính địa phương của tộc người Tày, trong đó các tác giả đã viết về tang ma với một tiểu mục riêng biệt, miêu tả về 9 nghi lễ chính và 13 lễ nhỏ. Song công trình cũng chỉ trình bày chung tang lễ của người Nùng và người Tày, chưa phân biệt những đặc trưng văn hóa trong tang ma của từng dân tộc và từng nhóm địa phương khác nhau, nhưng đây là nguồn tài liệu quý báu mà đề tài của chúng tôi có thể kế thừa.

- Trong cuốn “Phong tục tập quán dân tộc Tày ở Việt Bắc” của tác giả Hoàng Quyết, Tuấn Dũng - Nxb Văn hoá dân tộc (1994), đã tập trung nghiên cứu sâu về đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc Tày ở khu Việt Bắc, với những phong tục tập quán về ăn mặc, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tang ma, cưới hỏi… từ xa xưa của người Tày, song công trình cũng chỉ đề cập đến vấn đề một cách chung chung của vùng Việt Bắc.

- Công trình "Hôn nhân và gia đình các dân tộc Tày - Nùng - Thái ở Việt Nam", của tác giả Đỗ Thúy Bình, Nxb Khoa học xã hội (1994), đã phân tích 6 nghi lễ chính trong tang ma của 3 dân tộc, chứ chưa có chuyên mục nghiên cứu riêng về tang ma của dân tộc Tày.

 Như vậy, các công trình trên đây, đều ít nhiều nghiên cứu tang ma, nhưng không xác định được mục đích nghiên cứu chuyên khảo về tang ma của dân tộc Tày, mà chỉ coi tang ma như một bộ phận cấu thành văn hóa tộc người, một vấn đề liên quan đến văn hóa xã hội. Vì vậy, tang ma chỉ được đề cập ở mức độ sơ lược, khái quát, chưa phân tích chuyên sâu.

- Đặc biệt từ ngày tái lập tỉnh (1997) đến nay, công tác sưu tầm, nghiên cứu, khôi phục văn hoá Tày ở tỉnh Bắc Kạn đã được đẩy mạnh với công trình tiêu biểu là: “Bản sắc và truyền thống văn hoá các dân tộc tỉnh Bắc Kạn” của các tác giả Hà Văn Viễn, Lương Văn Bảo, Lâm Xuân Đình, Triệu Kim Văn, Bàn Tuấn Năng, Đàm Thị Uyên, Hoàng Thị Lan - NXB Văn hoá dân tộc (2004). Các tác giả đã phản ánh khá chi tiết về những kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào, về đời sống văn hoá vật chất và tinh thần. Nhưng những nghi lễ trong tang ma, cũng chỉ được giới thiệu một cách khái quát. Song nó vẫn là nguồn tư liệu vô cùng qu‎y báu, giúp chúng tôi có cái nhìn cụ thể hơn về văn hoá Tày ở Bắc Kạn.

   - Đáng chú ý nhất là công trình chuyên khảo “Việc tang lễ cổ truyền của người Tày”, của tác giả Hoàng Tuấn Nam, Nxb Văn hóa dân tộc (1999) đã nghiên cứu một cách có hệ thống về các nghi lễ tang ma của dân tộc Tày ở Việt nam nói chung. Tuy nhiên, tác giả cũng chưa đề cập đến sự khác biệt giữa các đối tương tang ma khác nhau trong cuộc sống của đồng bào Tày.

- Chuyên khảo tang ma của người Nùng “Nghi lễ tang ma của người Nùng huyện Bạch Thông tỉnh Bắc Kạn”, Luận văn Thạc sĩ của Nguyễn Thị Ngân (2002) trường Đại học Văn hóa Hà Nội, đã phác họa đầy đủ, chi tiết các nghi lễ tang ma của người Nùng huyện Bạch Thông. Đây là nguồn tài liệu bổ ích giúp chúng tôi thấy được những nét tương đồng và khác biệt trong tang lễ của người Tày và người Nùng ở Bắc Kạn trong bối cảnh hiện nay.

       Hầu hết các công trình nghiên cứu nêu trên, các tác giả đã đề cập đến văn hóa tộc người, tôn giáo tín ngưỡng, tri thức dân gian và nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội tộc người Tày, nhưng cũng mới chỉ là những nhận định khái quát, chưa một công trình nào đi sâu nghiên cứu một cách đầy đủ và hệ thống về các nghi lễ tang ma của người Tày ở huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn trong lịch sử cũng như hiện tại. Vì vậy, trên cơ sở kế thừa những thành tựu nghiên cứu của các học giả và các nhà nghiên cứu đi trước, với khả năng nghiên cứu của mình, chúng tôi sẽ cố gắng đi sâu nghiên cứu và làm sáng tỏ các mối quan hệ văn hóa ứng xử trong tang ma của tộc người Tày ở huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn. 

Tính cấp thiết

      Người xưa, để làm nhẹ bớt nỗi đau thường quan niệm “sống gửi, thác về”, sống chỉ là một thời gian ngắn ngủi so với cái chết. Do đó, tôi nhận ra rằng phong tục tang ma của người Việt Nam nói chung và đồng bào Tày ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn nói riêng thể hiện hai tâm lý giằng kéo, đan xen nhau: Nuối tiếc người thân và đưa tiễn người thân qua bên kia thế giới. Với quan niệm, người chết khi về mường trời vẫn phải “làm ăn” với tất cả nhu cầu như ở trần gian. Vì vậy khi có người thân qua đời, ai cũng muốn làm đầy đủ các thủ tục cổ truyền vì nghĩa tử là nghĩa tận, phải cung cấp đầy đủ mọi thứ, làm đủ mọi nghi lễ cho hồn người chết được thoả mãn, yên lòng về “an cư lạc nghiệp” ở thế giới bên kia, không oán giận, quở trách gây bất an cho gia đình con cháu… Từ đó mà phù hộ con cháu mạnh khoẻ làm ăn phát đạt. 

Nghiên cứu về tang ma sẽ đóng góp cho việc kế thừa những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực trong tập quán tang ma của người Tày huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ mới trong tiến trình xây dựng làng bản văn hóa mới, đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập.

Kết quả nghiên cứu của đề tài còn mang lại sự đóng góp hữu ích cho nghiên cứu so sánh tang lễ của người Tày ở huyện Chợ Đồn với người Tày ở một số địa phương khác trong tỉnh và vùng biên giới phía Bắc. Trên cơ sở đó, giúp chúng ta thấy được những nét tương đồng và khác biệt trong tang lễ của người Tày vùng Đông Bắc trong bối cảnh hiện nay.

       Với những lí do trên, chúng tôi quyết định chọn vấn đề: “Nghi lễ tang ma của người Tày ở huyện Chợ Đồn,  tỉnh Bắc Kạn” làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học năm 2011.

Mục tiêu

Khái quát những nét giá trị văn hóa cần phát huy và những nét phi văn hóa cần hạn chế, vận động xóa bỏ. Với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc trong văn hoá truyền thống của đồng bào Tày ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn hoà chung vào nền văn hoá Việt Nam “Tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc” là mục đích mà đề tài muốn đạt được.

Đề tài được thực hiện sẽ trở thành tài liệu tham khảo bổ ích để học tập và nghiên cứu bộ môn Dân tộc học, Tôn giáo học đại cương. 

         Kết quả nghiên cứu là một phần quan trọng trong luận án tiến sĩ “Tang ma của người Tày ở tỉnh Bắc Kạn” của chủ nhiệm đề tài tại Viện Dân tộc học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam

Nội dung

Nghiên cứu các nghi lễ liên quan đến các loại tang ma như người chết bình thường, người chết không bình thường, người chết là thầy cúng và sự khác nhau trong cách thức tiến hành tang lễ cho các đối tượng như thầy cúng, dân thường (thông qua nghiên cứu trường hợp - case study).    

 Ngoài ra đề tài còn tham khảo thêm tang ma của người Tày ở môt số xã thuộc tỉnh Bắc Kạn để đối chiếu, so sánh.

Tải file NGHI LỄ TANG MA CỦA NGƯỜI TÀY Ở HUYỆN CHỢ ĐỒN TỈNH BẮC KẠN tại đây

PP nghiên cứu

Đề tài chủ yếu sử dụng phương pháp điền dã dân tộc học, kết hợp với phương pháp hồi cố, phương pháp lịch sử, phân tích,...

Hiệu quả KTXH

Làm tài liệu tham khảo giảng dạy và học tập cho cán bộ sinh viên bộ nôm Lịch Sử, góp phần làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách về văn hóa, xã hội, giáo dục, gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

ĐV sử dụng

Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên

STT Tên đơn vị Người đại diện
1 Phòng Văn hóa thông tin huyện Chợ Đồn Hà Sĩ Hoàn
2 Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn Cao Sinh Hanh
3 Thư viện Viện Dân tộc học – Viện KHXH Việt Nam Nguyễn Thị Nhị
4 Thư viện tỉnh Bắc Kạn Lường Thị Hồi
STT Tên người tham gia
1 GVC Hoàng Hòa Toàn
2 Chu Thị Vân Anh
3 Ngô Ngọc Linh

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*